Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long  

Nhà ở ĐBSCL thường dùng vật liệu là các loại cây, lá sẵn có tại chỗ. Ảnh: Mỹ Xuyên.

(TBKTSG Online) - Cũng là một căn nhà để ở, nhưng ở mỗi vùng miền, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được sự khác nhau qua từng kiểu kiến trúc, nguyên vật liệu, không gian bên trong…

Một kiểu nhà ở đặc trưng, mang tính truyền thống của một vùng đất bao giờ cũng phải được xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản. Trước hết, ngôi nhà đó phải phù hợp với điều kiện môi sinh trong vùng. Điều này sẽ giúp cho con người sáng tạo ra những mẫu nhà phù hợp để bảo vệ cho cuộc sống yên ổn của mình.

Thứ đến, điều kiện kinh tế - xã hội cũng là những yếu tố ảnh hưởng  trực tiếp đến vấn đề xây dựng nhà ở như khả năng tài chính, nhà cất trên đất giồng, nhà cất cặp mé sông… đều có những cấu trúc và nguyên vật liệu khác nhau.  

Vật liệu có sẵn tại chỗ

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 54.000 ki lô mét sông rạch, khí hậu quanh năm nóng ẩm, thời tiết hai mùa mưa nắng rõ rệt; đặc biệt đây là vùng kinh tế phát triển tương đối chậm đã có những tác động rất lớn đến cách cất nhà và vật liệu cất nhà của người dân nơi đây.

Nếu đi khảo sát ở các vùng nông thôn thuộc ĐBSCL, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy vật liệu cất nhà phổ biến của người dân xứ này là từ cây, lá... vốn là nguyên vật liệu sẵn có tại chỗ, giá rẻ, rất phù hợp với điều kiện môi sinh và điều kiện kinh tế của những người nông dân lao động.

Về cây thì phổ biến có gỗ tràm. Gỗ tràm được xử lý qua quá trình hóa sinh tự nhiên bằng phương pháp ngâm nước dưới hầm, ao sẽ rất chắc chắn, dẻo dai, ít bị mối mọt đục khoét và lâu mục trong môi trường có độ ẩm cao. Một bộ cột bằng tràm được xử lý theo kinh nghiệm dân gian sẽ có khả năng sử dụng lâu đến hàng chục năm. 

Ngã ba sông Ba Láng nhìn từ khách sạn An Bình. Mái lá trong ảnh là nơi dành tổ chức những bữa ăn đặc biệt, hưởng thú ẩm thực theo phong cách đồng bằng Nam bộ. Ảnh: Mỹ Xuyên

Còn lá dùng để lợp nhà là lá cây dừa nước. Loại cây này có sức sống mãnh liệt, thích nghi được ở cả môi trường nước ngọt và nước lợ. Có lẽ người xưa cũng đã tìm nhiều loại lá lợp nhà, cuối cùng mới chọn lá dừa nước làm vật liệu chính, bởi vì loại này tương đối bền trước sự thay đổi của thời tiết và khí hậu đặc thù miền nhiệt đới gió mùa ở ĐBSCL.

Vào mùa khô, lớp lá dừa nước bao bọc ngôi nhà, nhất là mái nhà trở thành lớp vật liệu cách nhiệt rất tốt. Những buổi trưa nóng bức, biên độ nhiệt giữa trong nhà và ngoài trời chênh lệch rất lớn nên trong nhà luôn rất mát mẻ. Do vậy, khi đời sống vật chất được nâng cao, nhiều ngôi nhà đúc mọc lên nhanh chóng, nhưng người ta vẫn cất thêm một mái lá để nghỉ trưa như một kiểu nhà hóng mát. Nếu như lá được chọn lọc và lợp kỹ, ngôi nhà có thể sử dụng được trung bình là năm năm mới phải thay lá mới.

Từ lá cây dừa nước, người ta có thể làm ra các kiểu lá dùng để lợp mái hay làm vách khác nhau. Mỗi một kiểu lá đều có cách buộc dây riêng. Dây buộc gọi chung là dây lạt, chúng được làm từ bẹ hoặc chối lá non của cây dừa nước.  

Nhà dọc ven sông

Người dân ĐBSCL không mấy chú trọng lắm đến phương hướng khi cất nhà. Nhà quay hướng nào cũng được, miễn hướng đó có đầy đủ ánh sáng, có điều kiện để làm ăn buôn bán…

Trong quá trình mở cõi vào phương Nam, các lưu dân đã nhận thấy tầm quan trọng của sông rạch trong việc ổn định cuộc sống của họ sau này. Cho nên, việc chọn địa bàn cư trú ven sông rạch không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên, mà đó là tất cả những kinh nghiệm thực tiễn từ việc tương tác với môi trường tự nhiên.

Việc cư trú ven sông đã tạo thuận lợi cho việc di chuyển bằng đường thủy, phù sa sông rạch bồi đắp quanh năm thuận lợi cho việc dẫn thủy nhập điền, tưới tiêu ruộng đồng, hoa màu, nơi ở thoáng mát cùng bao tiện ích của cuộc sống sinh hoạt thường nhật.

Nhà và thuyền thường đi chung với nhau trong cuộc sống người dân vùng sông nước. Ảnh: Mỹ Xuyên

Hầu như khắp đồng bằng, đi đâu cũng thấy người ta làm nhà bám dọc hai bờ kinh rạch, theo lối trước nhà là sông, phía sau là ruộng. Trước nhà thường có con lộ đất nhỏ để đi lại quanh xóm, nhưng khi cần đi xa hoặc chở nông sản, vật dụng người ta thường dùng phương tiện chủ yếu là các loại ghe, xuồng. Mỗi nhà cách nhau bằng một khoảnh đất trống, một bụi chuối, hay hàng cây nào đó.

Ở bến sông, người ta bắc một cây cầu ván de ra mé sông để làm nơi giặt giũ, tắm gội, rửa chén cũng như mọi sinh hoạt khác cần đến nguồn nước. Có khi người ta chỉ để một hoặc hai thân cây dừa nằm lài từ trên bờ đến mé sông để làm cầu.

Ghe, xuồng cập bến buộc dây vô thân cầu. Nhiều người cất một mái lá che mưa nắng cho ghe xuồng như cái ga ra xe hơi ở thành phố. Dọc theo triền sông thường là những hàng cây so đũa, điên điển, bần, dừa…

Một mô hình cư trú khác cũng thường thấy là địa bàn dân cư vùng giáp nước. Nơi đây thường diễn ra các buổi họp chợ, buôn bán, trao đổi hàng hóa và cũng là một cái “chợ thông tin” cho mọi người.

Giáp nước là nơi đổi con nước, ghe xuồng ngược xuôi thường hay ghé lại nghỉ ngơi, vào hàng quán để ăn uống đợi con nước sau. Điều này rất thuận tiện cho họ, vì cả hai chuyến đi về họ đều đi con nước xuôi, chèo chống đỡ mệt, khỏi phải tốn nhiều công sức.

Trong cuốn Bảy ngày trong Đồng tháp mười, nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết: “Đi trên kinh rạch Nam Việt, gặp chỗ giáp nước thì luôn luôn ta thấy một cái chợ hoặc lớn hoặc nhỏ, ít nhất cũng là một xóm có vài quán bán hàng, vì chỗ giáp nước là chỗ đổi con nước; mười ghe thì chín ghe đậu lại đợi con nước sau. Trong khi nghỉ, người ta lên bờ mua thức ăn, đồ dùng, uống trà, cà phê, thế là tự nhiên nổi lên cái chợ. Tóm lại, chỗ giáp nước cũng tựa như một nhà ga có chỗ tránh trên đường thủy vậy”. (1)

Ngoài những hàng quán bán đồ ăn, thức uống, những nơi giáp nước còn tập trung nhiều cửa tiệm buôn bán, dịch vụ khác như tiệm may, sửa máy xuồng, máy ghe, vá soong, vá chảo, tiệm tạp hóa… Giáp nước là nơi làm ăn được, nên càng ngày người ta kéo đến ở càng đông, tạo nên những “xóm chợ” đông đúc và vui nhộn.

Kiểu định hình nơi cư trú thứ ba, cũng khá phổ biến là trước đường sau sông. Đặc điểm cư trú này hình thành sau hai mô hình kia. Mô hình nhà ở này hình thành khi công cuộc khai phá đất hoang đã hoàn tất, cuộc sống xã hội phát triển, nhu cầu giao thương đã cao.

Nhà nông thôn nhưng có tới hai mặt tiền, một mặt hướng ra sông, và một mặt giáp đường liên xóm. Ảnh: Mỹ Xuyên

Mô hình nhà ở này thường tập trung ở nơi dân cư đông đúc, đường sá thuận tiện. Phía trước nhà là một con đường đất, hoặc đã được lót đan, có khi tráng xi măng. Đường tương đối rộng, đối diện bên kia đường thường cũng là một dãy nhà, tạo nên dạng “phố” ở nông thôn. Phía sau nhà thường là con sông lớn.

Nhà kiểu này thường có đặc điểm trước là nền đất sau là nhà sàn lấn ra mặt sông. Phía nhà sàn này dùng cho sinh hoạt cá nhân của các thành viên trong gia đình, như nấu bếp, đặt vài cái lu chứa nước, làm nhà tắm, nhà vệ sinh. Đôi khi người ta cất thêm một cái chái bên nhà để làm chỗ đậu ghe xuồng. Nhà ở kiểu này ngoài việc tiện cho cho việc sinh hoạt vì ở gần nguồn nước còn được cái thuận lợi khác là được cả hai mặt tiền. Mặt trước, mặt sau đều có thể buôn bán được, hoặc tiện đi lại khi cần.

Nhìn chung, nhà lá ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gắn bó với con người từ rất lâu đời. Nó là một hình ảnh hết sức quen thuộc và gần gũi, một ký ức không thể phai nhòa trong tâm trí của những người con xa xứ.

Đặc biệt, cây dừa nước - nguyên vật liệu để làm nên ngôi nhà lá, là một thứ cây cũng rất gần gũi và thân thương đối với nông dân vùng ĐBSCL. Những tàu lá dừa nước che mát cho con người suốt đời và khi con người nhắm mắt xuôi tay thì chúng đi theo để hóa thành đất đai cùng con người. Theo tập quán của một số cộng đồng dân cư vùng ĐBSCL, người ta dùng lá dừa nước để tẩm liệm thi hài người chết.

Ngày nay, cuộc sống đã tốt hơn rất nhiều do kinh tế phát triển; ngày càng có nhiều ngôi nhà đúc, nhà xây lợp tôn, ngói mọc lên thay thế những căn nhà lá. Nhưng những ngôi nhà lá vẫn còn chiếm một tỉ lệ đáng kể ở các tỉnh đồng bằng miền tây Nam bộ.  

TRẦN PHỎNG DIỀU (Cần Thơ)

(1) NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội- 2002. Tr. 34.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới