Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà ở xã hội và vừa túi tiền được ‘kích hoạt’ trở lại

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau một thời gian dài bị lãng quên vì thiếu động lực phát triển, đến nay phân khúc nhà ở xã hội và nhà vừa túi tiền được “kích hoạt” trở lại cùng với các gói hỗ trợ tài chính. Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp lớn đưa ra kế hoạch chi tiết để làm nhà vừa túi tiền đã bảo chứng cho sự trở lại của phân khúc từng mang sứ mệnh “giải cứu” thị trường trong quá khứ.

Trong giai đoạn khủng hoảng (2009-2013), nhà ở vừa túi tiền như một "mồi lửa" giúp cho thị trường bất động sản phá băng, gia tăng tính thanh khoản và giảm tâm lý tiêu cực. Cách đây chưa lâu, KTSG Online cũng từng có bài viết “Vừa hoàn thành sứ mệnh “giải cứu” nhà giá rẻ bị lãng quên” nhắc đến thực trạng khan hiếm nhà ở vừa túi tiền sau khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hết hạn giải ngân.

Đến nay, thị trường bất động sản cũng có những diễn biến tương tự khi Covid-19 gây ảnh hưởng đến thanh khoản và sau đó các gói tài chính hỗ trợ phục hồi kinh tế được triển khai. Thêm vào đó, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá hợp lý cũng được thúc đẩy mạnh hơn hậu Covid-19 đã tạo động lực lớn cho phân khúc này một lần nữa thể hiện vai trò quan trọng như đã từng làm trong quá khứ.

Nhiều doanh nghiệp bắt đầu “nhóm lửa”

Nhìn vào các báo cáo cho thấy, thị trường căn hộ vài năm qua có số dự án, số lượng nhà ở, căn hộ vừa túi tiền cực khan hiếm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thậm chí vắng bóng tại một số địa phương. Vì thế giá sản phẩm này trên thị trường thứ cấp không ngừng tăng cao. Thậm chí, năm 2021 ở TPHCM gần như không xuất hiện nhà ở có giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Nhà ở vừa túi tiền đang được kích hoạt trở lại trên thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: Lê Quân

Tuy nhiên, kể từ năm 2022, thị trường nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ biến chuyển khi Bộ Xây dựng đưa ra thông điệp mới. Theo đó, bộ này sẽ tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình, dần khắc phục tình trạng mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở như hiện nay.

Khi được tạo động lực bởi chính sách thì nhiều doanh nghiệp đã lập tức đưa ra những kế hoạch cụ thể cho phân khúc này. Cụ thể, tại đại hội cổ đông mới đây, Tập đoàn Vingroup chia sẻ kế hoạch tung ra thị trường khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home trên toàn quốc với giá bán mỗi căn hộ từ 300 - 950 triệu đồng. Lãnh đạo tập đoàn này cũng đưa ra thời hạn để thực hiện số lượng căn hộ này chỉ trong vòng 5 năm tới.

Hay như trước đó, ba doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Hưng Thịnh, Đồng Tâm và gỗ Trường Thành đã bắt tay nhau đưa ra thị trường hàng triệu căn nhà giá vừa túi tiền tại TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Theo lãnh đạo các doanh nghiệp này, giá nhà mà họ thực hiện có thể khoảng 20 triệu đồng/m2, thậm chí rẻ hơn nữa nếu được hỗ trợ về chính sách.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết đây là sáng kiến nhằm kết hợp các thế mạnh, năng lực và kinh nghiệm của các bên từ quỹ đất, ý tưởng, quy hoạch, thiết kế, nguyên vật liệu, thiết bị, giải pháp kỹ thuật, giải pháp thi công, giải pháp quản trị dự án... cho đến khi hình thành căn nhà. Dù nhà giá rẻ nhưng vẫn được các bên cam kết sẽ đầu tư, xây dựng và phát triển có chất lượng đảm bảo, giá phù hợp với công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp… thông qua tối ưu hóa hệ sinh thái của 3 tập đoàn.

Mới đây, Tập đoàn Thắng Lợi cũng hé lộ kế hoạch đưa ra thị trường khoảng 10.000 căn hộ với giá dưới 1 tỉ đồng/căn. Các dự án này không chỉ giúp hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà cho người lao động, mà còn mang tới cho họ một môi trường sống hiện đại, văn minh, đồng thời góp phần thúc đẩy an sinh xã hội và kinh tế tại các địa phương.

Vẫn cần trợ lực từ các gói hỗ trợ

Được biết, Chính phủ đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 – 2023. Trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.

Để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả, đúng mục tiêu, Chính phủ yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc. Đặc biệt, các địa phương cần tập trung quan tâm phát triển mô hình nhà ở xã hội, hỗ trợ hàng trăm ngàn công nhân lao động, người thu nhập thấp… có mái ấm để an cư lạc nghiệp. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các giải pháp đồng bộ để tạo đột phá về phát triển nhà ở xã hội, trên cơ sở kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa người dân - Nhà nước - doanh nghiệp.

Chiến lược phát triển nhà ở xã hội tập trung hỗ trợ công nhân lao động, người thu nhập thấp… có mái ấm để an cư lạc nghiệp. Ảnh minh họa: Lê Quân

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), các gói hỗ trợ của Chính phủ hứa hẹn sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới việc phát triển nhà ở xã hội. Như quy định cấp trực tiếp 15.000 tỉ đồng cho người thuê mua nhà ở xã hội trong 2 năm, hay quy định hỗ trợ lãi suất 2% cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong gói có quy mô 40.000 tỉ đồng. Điều này sẽ mang tới cơ hội không lo thiếu người mua, chỉ lo thiếu dự án.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết các gói hỗ trợ kinh tế được triển khai có tác động trực tiếp đến nhu cầu ổn định lưu trú cho người lao động là những tín hiệu vui với phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các gói tín dụng này rất chậm trong khi theo quy định là hết năm 2023 sẽ hết hạn. Chính vì vậy, cơ quan chức năng phải chạy đua với thời gian để giải ngân thì tiến trình phát triển nhà ở xã hội mới tối ưu.

“Gói này giống gói 30.000 tỉ đồng, cũng phải mất mấy tháng mới hoàn chỉnh các văn bản để giải ngân được. Hiện các cấp các ngành đang rất nỗ lực, đang rà soát tiêu chí, đối tượng. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên cần khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, vì công nhân, người lao động nghèo đô thị với thu nhập ít ỏi cũng khó có thể mua được nhà, dù giá rẻ”, ông Châu nêu quan điểm.

Ở góc độ doanh nghiệp, các công ty bất động sản cho rằng, để tăng nguồn cung, bên cạnh ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, các doanh nghiệp cần sự đột phá về quỹ đất và thủ tục pháp lý. Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, trên thực tế, mọi việc không đơn giản như doanh nghiệp đến sở rồi sẽ có công văn, mà phải chờ các sở, ban, ngành liên quan có ý kiến, thời gian làm thủ tục pháp lý rất lâu và ảnh hưởng lớn đến chi phí doanh nghiệp.

Lấy ví dụ khi triển khai dự án bất động sản ở Bình Dương, dù được ủng hộ nhưng vẫn mất đến gần 3 năm mới hoàn tất thủ tục pháp lý. "Khi có cơ hội thuận lợi, các doanh nghiệp đều sẵn sàng bắt tay triển khai các dự án", ông Ngô Quang Phúc bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh nhận định, sự trở lại của phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đây là dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực vốn thiếu hụt nguồn cung trầm trọng những năm gần đây, đẩy cơn khát nhà ở phân khúc này lên tới đỉnh điểm trong năm 2021. Vì vậy, rổ hàng nhà vừa túi tiền này bùng nổ ở vùng ven sẽ là điểm nhấn của thị trường năm 2022.

“Sự khác biệt của phân khúc căn hộ vừa túi tiền với phần còn lại là nhu cầu để ở lớn, khả năng chi trả cao, thanh khoản tốt. Đây cũng là phân khúc đứng vững trong mọi hoàn cảnh, dù thị trường nóng sốt hay đóng băng. Nếu nguồn cầu được cải thiện nhanh chóng có thể góp phần giảm áp lực lệch pha cung - cầu nhà ở tại các thành phố lớn hay các địa phương tập trung phát triển khu công nghiệp. Điều này giúp thị trường bất động sản trở nên cân bằng và bền vững hơn”, ông Chánh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới