Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà sản xuất, nhập khẩu góp khoảng 1.500 tỉ đồng hỗ trợ xử lý chất thải

Thùy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Từ ngày 1-1-2022 đến nay, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đã đóng góp khoảng 1.500 tỉ đồng vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, để hỗ trợ xử lý chất thải.

Tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải là khoản kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, chỉ được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải. Ảnh: TL

TTXVN đưa tin, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau gần 3 năm thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (EPR), các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc nhóm phải thực hiện nghĩa vụ đã nộp khoảng 1.500 tỉ đồng để hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải. Số tiền này đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính lên phương án quản lý, sử dụng công khai.

Tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải không phải là thuế, phí môi trường, bởi thuế và phí môi trường là khoản thu ngân sách nhà nước, sử dụng cho các mục đích khác nhau và được điều chỉnh bởi pháp luật về thuế, phí. Đây là khoản kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, chỉ được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải.

Việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải là công khai, minh bạch, đúng mục đích. Trong đó, các hoạt động xử lý chất thải được hỗ trợ bao gồm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo từng hành vi vi phạm cụ thể. Mức phạt tiền lên đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân và 2 tỉ đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc công khai thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo quy định; gửi bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải theo quy định; nộp số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải còn thiếu vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.

Theo quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022) và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ phải góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải.

Nhóm thực hiện là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì như bao bì thuốc bảo vệ thực vật; pin dùng một lần các loại; tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; các sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới