Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà sản xuất rượu bia chuyển hướng sang đồ uống không cồn để thu hút thế hệ Z

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xu hướng giảm tiêu thụ rượu bia ở giới trẻ Nhật Bản tăng tốc trong đại dịch Covid-19, buộc các nhà sản xuất đồ uống có cồn lớn nhất nước này phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Họ đang chạy đua tung ra các sản phẩm rượu bia không cồn để thu hút giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Z (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012).

Hai cô gái thưởng thức cocktail không cồn ở quán bar Sumadori Bar mới khai trương ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Đi ngược lại với ​​kiểu cách uống bia rượu như ‘hũ chìm’ thường thấy của những sinh viên đại học ở Nhật Bản, Manaka Okamoto quyết định dừng sử dụng đồ uống có cồn sau khi cân nhắc lịch học bận rộn ngày hôm sau.

“Nếu tôi phải dậy sớm và thì tôi nên tạm dừng uống bia rượu và sẽ sử dụng đồ uống không cồn khi uống một mình. Và dĩ nhiên, khi đi chơi với những người bạn không uống rượu bia, thật tuyệt khi có thứ gì đó để nâng ly”,  Okamoto, 22 tuổi, cho biết khi đang dùng bữa tại nhà hàng ở Tokyo.

Sự thịnh hành của đồ uống ít cồn và không cồn đã tăng lên trên toàn thế giới, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi nhiều người có ý thức hơn về sức khỏe. Theo hãng nghiên cứu thị trường IWSR, giá trị thị trường toàn cầu của phân khúc này đã tăng lên chỉ gần 10 tỉ đô la vào năm 2021 từ 7,8 tỉ đô la vào năm 2018.

Ảnh hưởng đặc biệt rõ nét ở Nhật Bản, nơi dân số người già, vốn có xu hướng uống bia rượu nhiều hơn, đang giảm nhanh chóng. Theo các cuộc khảo sát của chính phủ, chỉ 7,8% người Nhật Bản ở độ tuổi 20-30 uống rượu bia thường xuyên vào năm 2019 so với 20,3% ở nhóm tuổi đó vào năm 1999.

Trước sự sụt giảm liên tục của doanh thu thuế từ đồ uống có cồn, vào tháng 7, Cơ quan thuế quốc gia Nhật Bản (NTA) đã phát động một cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kích cầu rượu bia trong giới trẻ. Cuộc thi yêu cầu người tham gia (từ 20 đến 39 tuổi) đưa ra những đề xuất về thiết kế và sản phẩm đồ uống có cồn mới cũng như những đề xuất giúp tăng cường tiêu thụ rượu bia tại nhà.

NTA cho biết mức tiêu thụ rượu bia ở Nhật Bản đã giảm từ mức trung bình 100 lít/người/năm vào năm 1995 xuống còn 75 lít vào năm 2020. Việc giảm doanh số bán rượu đã ảnh hưởng đến ngân sách của Nhật Bản, vốn đang thâm hụt hơn 48 triệu yen.

Thuế rượu bia chiếm 1,7% tổng thu thuế của Nhật Bản vào năm 2020, giảm từ 3% năm 2011 và 5% vào năm 1980. Tổng doanh thu từ thuế rượu bia trong năm tài chính 2020 giảm hơn 110 tỷ yen so với năm trước đó, xuống còn 1.100 tỉ yen. Theo Japan Times, đây là mức giảm mạnh nhất của doanh thu thuế rượu bia trong 31 năm. Trong năm 2020, lượng bia tiêu thụ ở Nhật Bản giảm mạnh 20% xuống còn 1,8 tỉ lít.

Các nhà sản xuất đồ uống lớn của Nhật Bản đang hướng đến các thị trường nước ngoài để để duy trì tăng trưởng. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng trước, Atsushi Katsuki, Giám đốc điều hành Tập đoàn bia Asahi Group, nói rằng ông xem Bắc Mỹ là thị trường trọng điểm. Tập đoàn đồ uống Suntory Holdings cũng đang tìm cách mở rộng kinh doanh các sản phẩm cocktail đóng lon ở thị trường này.

Tại thị trường quê nhà, các tập đoàn bia rượu Nhật Bản đang đưa ra những ý tưởng mới để nâng cao trải nghiệm ở quán bar cho những người không uống rượu bia.

Vào một buổi chiều gần đây tại khu giải trí Roppongi ở quận Minato của Tokyo,  các nhóm hầu hết là phụ nữ trẻ tụ tập tại một lễ hội vườn bia không phục vụ đồ uống có cồn.

Lễ hội vườn bia này là một truyền thống mùa hè ở Nhật Bản, nhưng truyền thống này, được quảng bá bởi Suntory và đài truyền hình TV Asahi, đã bỏ qua bia, thay vào đó cung cấp cho khách hàng một loạt các sản phẩm loại mocktail và rượu không cồn. Mocktail, viết tắt của từ “mock cocktail”,  một trong những loại đồ uống không chứa cồn thường được sử dụng trong các lễ hội.

“Người tiêu dùng không hứng thú chỉ với đồ uống có cồn. Chúng tôi nghĩ rằng họ coi trọng hơn sự giao tiếp được tạo ra khi uống rượu bia  hoặc muốn tận hưởng bầu không khí ở  nơi họ uống”, Tổng giám đốc Suntory, Masako Koura, nói.

Kirin Holdings, đối thủ cạnh tranh của Suntory, cũng tung ra sản phẩm rượu vang, cocktail và bia không cồn. Công ty này cho biết doanh số đồ uống không cồn đã tăng hơn hai lần trong 3 tháng tính đến tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại quận Shibuya của Tokyo, một quán bar vừa mới khai trương, có tên gọi Sumadori Bar, chỉ phụ vụ các loại cocktail ngọt được pha chế hoàn toàn không cồn hoặc có nồng độ cồn chưa đến 3%. Sumadori là lối chơi chữ Nhật Bản có nghĩ là ‘uống thông minh’.

Mizuho Kajiura, Giám đốc điều hành liên doanh Sumadori do Asahi dẫn đầu, cho biết quán bar này mang đến một môi trường nơi mọi người có thể thưởng thức đồ uống cùng nhau. Kajiura từng làm việc hai năm tại Indonesia và cho biết kinh nghiệm đúc rút từ quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo này đã giúp ông đánh giá cao việc tạo ra môi trường hiếu khách cho những người không uống rượu bia.

“Mục đích của quán bar này là coi trọng khách hàng không biết uống rượu bia để họ có thể thoải mái đến đây cùng những người biết uống rượu bia. Nếu các nhà hàng và quán bar khác có thể hiểu mục đích này của chúng tôi, tôi cho  rằng họ sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn”.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới