(KTSG Online) – Với sự xuất hiện ngày càng nhiều hệ thống nhà thuốc phủ sóng khắp cả nước, sức ép cạnh tranh càng tăng thêm đối với các nhà thuốc truyền thống có quy mô nhỏ lẻ. Ngoài việc tạo ra sự khác biệt trong mô hình và dịch vụ để giữ chân khách hàng, ứng dụng công nghệ 4.0 cũng là điều mà các nhà thuốc nhỏ đặt mục tiêu thực hiện nhằm tìm lối đi riêng phù hợp.
- Nhà thuốc truyền thống xoay xở chuyển mình trong cuộc chơi với chuỗi lớn
- Mô hình nhà thuốc hiện đại dự báo tiếp tục gia tăng số lượng
Chuyển đổi số vẫn là bài toán khó
Sau đại dịch Covid-19, mô hình bán lẻ chuỗi nhà thuốc như Phano, Pharma, Long Châu, An Khang... được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp quy mô lớn vào cuộc, đẩy mạnh việc đầu tư cho hệ thống, xây dựng kênh phân phối độc quyền. Các cửa hiệu mẹ và bé (Con cưng, Bibomart, Kid Plaza…), nhà phân phối sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp (Guardian, Mediacare, AEON Welless, Watsons…) cũng lấn sân sang một số mặt hàng dược phẩm. Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada và các nhà bán hàng trên Tiktok Shop cũng cung cấp thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng khi doanh thu ngành hàng sức khỏe trên các nền tảng hiện đại này đạt hơn 3.500 tỉ đồng trong một năm qua (tính từ 7-2022 đến 7-2023). Tất cả những yếu tố nêu trên đã đưa thị trường dược phẩm vào một cuộc đua mới đầy gay cấn.
Trước những áp lực lớn, chia sẻ với KTSG Online, nhà thuốc tư nhân buộc phải đổi mới chiến lược marketing, tìm kiếm mô hình kinh doanh phù hợp để sinh tồn trong thời đại 4.0. Đơn vị cũng tối ưu những nguồn lực đang có, truyền thông và bán hàng đa kênh, thay vì thụ động ngồi chờ khách hàng, tránh được làn sóng phải đóng cửa hạ biển vài nghìn nhà thuốc gần đây.
Thạc sĩ, Dược sĩ Lê Phương Dung, nhà sáng lập và điều hành hệ sinh thái Pharmaco - MPG, sở hữu siêu thị thuốc MPG cho biết cái khó của chuyển đổi vẫn ở tư duy chủ nhà thuốc, dược sĩ. Họ đã quen với việc bán hàng theo cách truyền thống trong thời gian dài, bản thân chưa thành thạo các nền tảng công nghệ, chưa nắm được lộ trình bài bản để kết hợp các công cụ, phần mềm quản trị hỗ trợ. Sau khi đi nghe các hội thảo, các nhà thuốc có thể về áp dụng, tự triển khai một số kênh online nhưng làm không đúng cách hoặc chưa xử lý các vấn đề từ gốc như phải tối ưu lại danh mục sản phẩm, quản trị nhà thuốc bằng phần mềm nên rất dễ thất bại, nhanh nản, không kiên trì để chuyển đổi thành công.
Bà Lê Dung, Giám đốc Tăng trưởng (CGO), công ty Cổ phần Công nghệ Sapo, đơn vị hỗ trợ công nghệ phần mềm quản lý ngành dược cho biết khó khăn lớn nhất các nhà thuốc chưa lưu tâm tới việc chuyển đổi số một cách chủ động, còn rất nhiều rào cản tâm lý khi tiếp nhận các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số. Kênh bán hàng truyền thống là bán tại quầy từ trước tới nay với đại đa số nhà thuốc vẫn là kênh bán hàng duy nhất. Xu hướng thương mại điện tử, bán hàng qua các kênh online chưa được phổ biến.
Là một ngành đặc thù liên quan tới chăm sóc sức khỏe, phần lớn các nhà thuốc chưa chú trọng việc thiết kế trải nghiệm khách hàng. “Họ chưa có tư duy ứng dụng các công cụ, giải pháp về CRM & Marketing Automation. Các giải pháp này đòi hỏi cần có lượng thông tin về khách hàng đủ lớn, nhưng hoạt động lưu trữ thông tin khách hàng trước đó của các nhà thuốc rất rời rạc hoặc không có. Đây cũng là một trong những khó khăn rất lớn khi nhà thuốc muốn chuyển đổi số”, đại diện Sapo nhấn mạnh.
Theo ông John Nguyễn, người đồng sáng lập của PharmaDi, có kinh nghiệm trong chuyển đổi số ngành dược, thực tế, tùy vào quy mô cũng như nguồn lực hiện có của nhà thuốc mà các chủ kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ cân nhắc các giải pháp chuyển đổi số cho phù hợp.
Chẳng hạn với các chuỗi nhà thuốc có trên ba cửa hàng hoặc có doanh thu trên 30 triệu/ngày, chủ đầu tư nên tập trung vào POS bán hàng, Zalo OA, chăm sóc khách hàng; nhà thuốc vừa với khoảng doanh thu từ 10-30 triệu/ngày nên đầu tư POS bán hàng, tùy nguồn lực thêm bán hàng đa kênh hay trang chính thức của doanh nghiệp Zalo OA; riêng nhà thuốc có khoản thu dưới 10 triệu/ngày thì chuyển đổi tùy vào vốn hiện có, chưa cần thiết.
Nhà thuốc nhỏ tìm lối đi riêng
Qua thống kê của Sapo, hiện nay có hơn 10.000 nhà thuốc trên toàn quốc đang tận dụng các giải pháp của công ty trong quá trình vận hành. Trong đó gần 20% các nhà thuốc, quầy thuốc có địa chỉ tại TPHCM. Có thể kể đến một số vị khách hàng tiêu biểu của Sapo, bao gồm công ty dược phẩm Zenpharma Hà Nội, nhà thuốc Medici, nhà thuốc Vitamin Shoppe,..
Bà Phương Dung, nhà sáng lập MPG, chỉ ra nhà thuốc truyền thống chỉ ứng dụng chuyển đổi số đơn giản bằng cách sử dụng những phần mềm quản lý bán sẵn. Trong khi đó các chuỗi nhà thuốc lớn như FPT Long Châu, Pharmacity, An Khang đã chuyển đổi toàn diện, xây dựng những phần mềm riêng như hệ thống quản trị tồn kho realtime, hệ thống quản trị logistic giao nhận hàng hoá, quản trị doanh thu các điểm bán và cả nhà cung cấp theo thời gian thực, ứng dụng bán hàng tự động tại điểm bán.
Ngoài ra, các chuỗi lớn còn áp dụng công nghệ điện toán đám mây, tạo ra các app trên thiết bị di động để người dùng có thể thao tác mua hàng mọi lúc, mọi nơi, thay vì phải dùng máy tính, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng... “Bên cạnh đó tôi được biết FPT Long Châu cũng số hóa cả công tác đào tạo, bằng việc triển khai hệ thống để cập nhật kiến thức dược lý thường xuyên cho các dược sĩ. Đây là những việc mà các nhà thuốc truyền thống, nhỏ lẻ, tiềm lực hạn chế khó có thể tiếp cận được”, bà nhấn mạnh.
Song mô hình nhỏ có thể bắt đầu chuyển đổi từng bước. Đầu tiên, bà chỉ ra để quản trị hàng hoá, tài chính, các nhà thuốc không cần phải đầu tư tốn kém để phát triển các phần mềm quản trị, ứng dụng riêng như FPT Long Châu hay Pharmacity. Đơn vị có thể sử dụng những phần mềm quản lý nhà thuốc của các bên uy tín, được thiết kế sẵn như webnhathuoc, kiosviet, Sapo, VNPT Pharmacy với chi phí hợp lý, chỉ vài trăm nghìn mỗi tháng hoặc mua một lần vài triệu đồng. Ngoài ra, các nhà thuốc cũng có thể nâng cao trải nghiệm cho khách hàng bằng việc tích hợp các hình thức thanh toán online như quẹt thẻ, chuyển khoản, VnPay… chăm sóc khách hàng qua Zalo, Facebook.
Ông Lê Xuân Hòa, CEO hệ thống quầy thuốc Hòa Phượng cũng đồng tình các chuỗi nhỏ không thể đổ quá nhiều tiền vào chuyển đổi số toàn diện như các ông lớn trên thị trường. Chính vì thế, đơn vị sẽ chọn ra hình thức cần thiết để vừa cạnh tranh kịp, vừa tạo ra điểm khác biệt phù hợp với ngân sách đang có. Chẳng hạn mình khai thác thêm các chương trình marketing, sử dụng dữ liệu khách hàng để mời gọi khám bệnh miễn phí, tặng quà thường xuyên, chăm sóc kĩ hơn từng khách một ngoài chương trình tích điểm, gửi tin nhắn, thêm dịch vụ tiện ích bên nào cũng có.
“Dựa trên dữ liệu cá nhân từng khách, mình có thể giữ chân họ tốt hơn, giữ mối quan hệ giữa người mua và dược sĩ, chủ tiệm chứ không phải giữa khách và người trực điện thoại, tổng đài. Hơn hết, với từng địa phương, những chủ quầy nhỏ lẻ cũng có thể cùng nhau kết nối tạo mạng lưới chia sẻ, học hỏi để phát triển cạnh tranh”, ông nói.
Được biết, qua chuyển đổi số hai năm, hiện hệ thống quầy thuốc Hòa Phượng của ông đã có dữ liệu khoảng 23.000 khách, số lượng khoảng 7.000 sản phẩm.