(KTSG Online) - Cuối tháng 8 hằng năm là thời điểm nhiều sinh viên quay trở lại TPHCM để nhập học. Điều này khiến thị trường nhà trọ tại khu vực trung tâm thành phố trở nên sôi động, kéo theo đó là giá thuê nhà cũng được dịp đẩy lên cao.
Trái ngược với khung cảnh nhiều người tìm thuê nhà trọ tại trung tâm thành phố, một số khu vực vốn đông người lao động như phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM), phường Tân Hiệp (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)… nay rơi vào cảnh cửa đóng then cài, treo bảng cho thuê nhiều tháng nhưng vẫn không ai đến hỏi.
- Hơn 1 triệu người cao tuổi tại TPHCM sẽ được khám sức khỏe miễn phí
- Nhiều người thất nghiệp, nghề chạy xe ôm công nghệ ngày càng khó
Nhà trọ sinh viên gần trung tâm giá tăng 'phi mã'
Ghi nhận tại một số nhà trọ ở các quận gần trung tâm TPHCM, trong tháng 8 này, giá trọ đã tăng từ 200.000 đến 1.000.000 đồng/phòng so với các tháng trước. Việc tăng giá xảy ra tại những khu nhà trọ có vị trí di chuyển thuận lợi.
Chị Linh Nhi (25 tuổi), nhân viên của một công ty truyền thông tại TPHCM, cho biết vào tháng 5 vừa qua, chị đi tham khảo giá của các phòng trọ ở quận Phú Nhuận, Bình Thạnh chỉ từ 2,5 triệu đồng/phòng nhưng vẫn chần chừ chưa thuê. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8, chị quay lại các phòng trọ đã xem trước đó, giá thuê phòng đã tăng lên 3-3,5 triệu đồng/tháng.
Đối với phòng không có gác, giá thuê cũng khoảng 2,8-3 triệu đồng/phòng. Sau 2 tuần chật vật tìm trọ, chị Nhi đã thuê được phòng trọ tại quận Bình Thạnh với giá 3 triệu đồng/tháng nhưng mức giá này chưa bao gồm chi phí điện, nước, internet, rác, gửi xe…
Nói về lý do tăng giá trong thời điểm này, anh Hồng Quân, chủ một dãy nhà trọ ở đường Tôn Đản (quận 4), cho biết để có chi phí vận hành, chủ trọ phải tăng giá thuê mỗi năm. Việc tăng giá cũng theo mặt bằng chung bởi các chủ nhà trên địa bàn đều tăng nên nếu vẫn giữ nguyên mức giá cũ, anh sẽ bị thua thiệt. Đặc biệt, từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, có rất nhiều người đi tìm nhà trọ nên không bao giờ sợ trống phòng dù có tăng giá cao.
Trước tình trạng giá nhà trọ tăng cao như hiện nay, nhiều người trẻ đã lựa chọn tìm kiếm thêm người ở ghép để chia tiền phòng. Theo anh Trí Thiện (22 tuổi), sinh viên năm 3 của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, dù hơn một năm qua, anh thuê trọ tại quận 10 chỉ có giá 2,5 triệu đồng/tháng nhưng đầu tháng 8, chủ trọ thông báo sẽ tăng thêm 1 triệu đồng/tháng vào tháng 9. Anh Thiện đành chấp nhận và tìm thêm một người bạn để thuê chung vì đây là nhà trọ có an ninh tốt, thuận tiện đi lại các quận trung tâm thành phố. Ngoài ra, việc tìm thêm một người ở ghép sẽ dễ dàng hơn so với bắt đầu tìm một phòng trọ mới.
Xóm trọ công nhân đìu hiu theo đà cắt giảm lao động
Trái ngược với khung cảnh nhiều người đến tìm thuê phòng ở các quận gần trung tâm thành phố, dọc theo hẻm 58 đường số 5, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, nơi đây từng được xem là "thủ phủ nhà trọ" tại TPHCM nhưng hiện xung quanh khu vực này trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Người lao động mất việc liên tục trả phòng về quê khiến nhiều người kinh doanh nhà trọ nơi đây như ngồi trên đống lửa.
Trao đổi với KTSG Online, bà Trần Thị Thuật (90 tuổi), chủ một dãy trọ tại phường Tân Tạo, cho biết bà có 42 phòng trọ, giá mỗi phòng dao động từ 800.000-900.000 đồng/tháng nhưng suốt hai tháng nay, có trên 10 phòng trống.
Hơn 20 năm kinh doanh nhà trọ, bà Thuật cho biết, đây là lần đầu tiên việc làm ăn rơi vào tình trạng ế ẩm như thế này. Lúc trước, khách thuê rất đông, nhiều người phải đặt cọc trước để giữ chỗ, còn bây giờ có giảm giá cũng không ai thuê.
“Dù kinh doanh ế ẩm nhưng các khoản chi phí sửa chữa, bảo dưỡng phòng trọ, nộp thuế, lãi vay ngân hàng… vẫn phải chi ra. Tình trạng này kéo dài những tháng vừa qua khiến nhiều chủ nhà trọ điêu đứng”, bà Thuật chia sẻ thêm.
Dãy trọ của bà Nguyễn Thị Tám (53 tuổi) tại đường số 5, phường Tân Tạo có 20 phòng cho thuê nhưng hơn 11 phòng trống suốt cả tháng nay. Theo bà Thuật, những năm trước đây, có không ít người đua nhau vay tiền để mở nhà trọ. Tuy nhiên, kinh doanh chưa được bao lâu, dịch Covid-19 bùng phát; sau đó các công ty liên tục cắt giảm lao động khiến nhiều công nhân trả phòng về quê. Nhiều chủ trọ đang gặp khó trong kinh doanh nhưng dù rao bán cả dãy trọ, thậm chí giảm nửa giá cũng không ai mua.
Không chỉ riêng các chủ trọ tại TPHCM, chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một dãy nhà trọ tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (cách Công ty trách nhiệm hữu hạn Phồn Vinh khoảng 300 mét), cho biết dù giá phòng giảm chỉ còn 700.000 đồng/tháng nhưng phòng vẫn cứ trống dần, người lao động mất việc bỏ về quê hết.
“Gần hai tháng nay, dãy trọ có 44 phòng nhưng bị trống 25 phòng. Tình hình này kéo dài, tôi chỉ mong có thể cầm cự qua được giai đoạn này, không hy vọng kiếm lãi từ việc cho thuê nhà trọ”, chị Hoa chia sẻ.
Trước tình hình cắt giảm nhân sự do nhiều công ty gặp khó khăn, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TPHCM, cho biết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong thời gian sắp tới, sở sẽ tiếp tục tổ chức các phiên sàn giao dịch, kết nối với các đơn vị liên quan để đảm bảo cung cầu lao động. Ngoài ra, sở cũng hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngừng sử dụng lao động rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách cho người lao động như hợp đồng, tiền lương, thưởng, các chế độ phúc lợi khác theo đúng quy định pháp luật.
Theo báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, trong tháng 7, Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM đã tiếp nhận 17.729 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 18.469 trường hợp, tiếp nhận 55.147 lượt người lao động đến tìm kiếm việc làm. Riêng với Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam, trong tháng 7, Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM đã giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 4.000 lao động thôi việc đợt từ cuối tháng 6.