Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà vườn TPHCM trăn trở vụ mùa hoa Tết

Trần Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Còn khoảng 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thời điểm này, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hoa trong dịp Tết, các nhà vườn trên địa bàn TPHCM đang hoàn tất các công việc tạo thế, tạo mã và bắt đầu xuống giống các loại hoa nền. Sau 2 cái Tết diễn ra trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các nhà vườn đều hy vọng mùa kinh doanh năm nay khởi sắc và bội thu.

Tất bật vào vụ hoa Tết

Từ tháng 8 âm lịch trở đi, các nhà vườn bắt đầu tất bật hơn trong việc chăm sóc, xuống giống các loại hoa nhằm kịp bán ra thị trường tiêu thụ hoa Tết 2023. Ảnh: Trần Đào

Các hộ nộng dân tại quận 12, vùng trồng và cung cấp hoa lớn của thành phố, chia sẻ việc gieo trồng các loại hoa ngắn ngày như cúc, vạn thọ, dạ thảo, mồng gà… vào dịp sắp Tết khá vất vả và mất nhiều công sức. Để những chậu hoa đạt chất lượng bông to, nở đều, nhất là đúng dịp, người trồng phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc và phải biết áp dụng nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật.

Không phải địa phương được mệnh danh là “làng hoa” như ở phường Thới An, nhưng mấy năm nay, phường An Phú Đông vẫn luôn duy trì canh tác hoa phục vụ nhu cầu đầu năm mới và Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Thế Trọng, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Phú Đông chia sẻ: “Các hộ dân kinh doanh theo hộ gia đình nhằm kiếm thêm thu nhập cuối năm. Nơi đây chủ yếu xuống giống các loại hoa nền như vạn thọ, hướng dương, sống đời, mào gà… với quy mô diện tích khoảng 5.000 mét vuông. Dự tính xuống giống trong khoảng 14-20 ngày nữa”.

Một số nhà vườn thuộc huyện Bình Chánh ngoài việc cung cấp lan giống cũng đang tất bật chuẩn bị cho vụ mùa Tết. Vườn Lan Sơn Hà (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) đang có khoảng 50.000 cây lan lớn, nhỏ. Chủ vườn lan Sơn Hà cho biết, ngoài bán, vườn lan Sơn Hà còn mở thêm dịch vụ cho thuê lan. Mức giá thường 35.000 đồng/chậu. Với những tác phẩm nghệ thuật từ lan, giá giao động lên vài triệu. Về chủng loại, vườn lan với hơn 95% thuộc loại Dendrobium. Và một số loại khác cũng cung cấp ra thị trường năm nay như Ngọc điểm, Vũ nữ, Cattleya, Hoàng hậu…

Năm nay, vườn lan Sơn Hà của ông Lưu Cẩm Hùng (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) cung cấp khoảng 50.000 lớn, nhỏ, bao gồm các loại với nhiều màu khác nhau. Ảnh: Trần Đào

Ông Lưu Cẩm Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) hoa lan Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) cho hay, hiện xã Đa Phước có 7 hộ trồng lan với tổng diện tích là 29.000 mét vuông. Tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 7 tỉ đồng. Theo kế hoạch, tết 2023, HTX cung cấp ra thị trường tầm 300.000 cây/chậu lan các loại. “Từ đầu năm, yếu tố giống và nguyên liệu đầu vào còn ít. Phần lớn, các hộ trồng lan còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý dịch bệnh. Theo đó, nguồn cung có khả năng thấp hơn mọi năm. Với tình hình như hiện nay, dự tính lượng tiêu thụ đạt khoảng 40-50% so với thời điểm trước dịch”, ông Hùng cho hay.

Đi dọc theo vùng đất xã Bình Lợi, gần 10 năm nay, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh còn là nơi cung cấp hoa mai lớn nhất, nhì trong thành phố. Ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX hoa mai vàng Bình Lợi thông tin: “Chuẩn bị cho dịp Tết 2023, tổng diện tích sản xuất mai vàng của HTX đạt 60 hec-ta. Và hiện có 22 hộ trồng mai, tăng hơn so với tổng 17 hộ năm ngoái. Mỗi năm, các hộ trồng mai đều cố gắng nâng cao năng suất, chất lượng từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm, tạo thương hiệu trên thị trường hoa tết”.

Dự kiến, HTX mai vàng Bình Lợi bán ra thị trường 20.000 cây mai vàng trồng trên đất với giá từ 400.000 đồng - 1,5 triệu/cây; 1.000 cây mai trồng trong chậu với mức giá dao động trong khoảng 1 - 1,5 triệu/chậu và 1.000 cây bông trang giá khoảng từ 200.000-300.000 đồng/cây. Ông Thiện chia sẻ thêm, vào mùa này, thời tiết thường không ổn định. Ví như dạo gần đây có mưa nhiều, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và làm núp của cây mai. Tuy nhiên, các hộ trồng mai bố trí máy bơm sẵn sàng để hút nước ra khi cần.

Còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ

Thời điểm này, các nhà vườn trồng mai đang tạo kiểu, tạo mã thích hợp cho mai. Với các chậu mai lớn, nhỏ khác nhau, giá trị khác nhau thì giá cả cũng khác nhau. Ảnh: Trần Đào

Những ngày gần đây, nông dân làng nghề trồng mai truyền thống ở TP Thủ Đức cũng chuẩn bị cho mùa làm ăn lớn nhất trong năm với nhiều kỳ vọng. Ghi nhận của KTSG Online cho thấy các hộ trồng mai trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ổn định hoạt động và sản lượng qua các năm. Trong đó, có thể kể đến các hộ trồng mai lâu năm ở phường Hiệp Bình Chánh, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Tam Phú…

Gắn bó với nghề trồng mai hơn 30 năm nay, ông Huỳnh Văn Hải, chủ Vườn mai Sáu Hải (ngụ phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) cho biết năm nay, ông đầu tư khoảng 1.300 gốc mai lớn, nhỏ. Vừa tạo hình cho tán mai bằng các thanh uốn, ông nói: “Vườn mai Sáu Hải dự định cung cấp cho thị trường tết từ 500 - 600 gốc các loại từ mai Bonsai đến mai Tàn. Ngoài thị trường trong nước, tôi mong năm nay, khi kinh tế dần phục hồi sau dịch covid-19, khách hàng từ các thị trường nước ngoài có thể quay lại và tiếp tục ủng hộ vườn mai”.

Theo ông Hải, mùa tết luôn là dịp mà các nhà vườn trồng hoa mong đợi nhất trong năm. Giá cả năm nay vẫn bình ổn so với mọi năm. Tùy loại chậu khách hàng chọn mà mức giá dao động từ vài triệu đến vài chục hoặc vài trăm triệu đồng. Nếu bán được cây mai độc đáo, đặc biệt thì doanh thu có thể lên đến hơn 1 tỉ đồng. Ngược lại, nếu khách hàng chỉ thuê mai thì doanh thu ước chừng còn 500 - 700 triệu đồng.

Một nhà vườn đưa số lượng cây về chung một vườn, sẵn sàng cho khách hàng đến cọc mai từ sớm. Ảnh: Trần Đào

Tương tự, chủ vườn mai Hà Ba Trận, ông Nguyễn Thanh Hà (ngụ phường Tam Phú, TP Thủ Đức) cũng tranh thủ loại bỏ những lá mai có dấu hiệu mắc bệnh. Chủ vườn mai chia sẻ số lượng gốc cây không tăng lên nhiều, chủ yếu duy trì ở mức ổn định, khoảng trên dưới 2.000 gốc lớn, nhỏ. Ông Hà cho biết, đa số lượng mai tại vườn tiêu thụ tại TPHCM, còn số ít tiêu thụ ở Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương. “Đa phần, khách hàng ở đây đều là khách “ruột” và khách quen. Ngoài sở hữu chậu mai cho riêng mình, khách cũng có thể thuê mai chơi tết với mức giá thường bằng 50% giá mua”, ông Hà khẳng định.

Năm nay, gia đình ông Nguyễn Ngọc Phương (Vườn mai Phương Bình, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) chia sẻ trong số 1.600 gốc mai, có khoảng 50% là mai thuộc giống mai siêu bông Sài Gòn. Ngoài ra còn một số loại giống mai khác như: giống mai giảo Thủ Đức, mai giảo Bến Tre… Ông Phương cho biết các gốc mai trong vườn đều có tuổi đời lớn hơn 3 năm. Cây nhỏ nhất có giá tầm 2 triệu, cây giá trị cao nhất giá bán tiền tỉ.

Tích lũy nhiều năm kinh nghiệm trồng mai là vậy, nhưng ông Phương tâm sự việc mai nở đúng tết hay không còn phụ thuộc một phần vào điều kiện thời tiết. “Việc trồng và buôn mai cũng tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ mỗi năm. Nhộn nhịp nhất là từ đầu tháng Chạp. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, thị trường tết năm nay vẫn đang “trầm buồn” so với các năm trước dịch Covid-19”, ông Phương bộc bạch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới