(KTSG Online) - Đồng nhân dân tệ (NDT) giao dịch bên ngoài Trung Quốc đại lục suy yếu xuống gần mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ, do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày đối với NDT ở mức yếu hơn.
- Đồng NDT suy yếu, ‘cơn đau đầu’ của Trung Quốc
- Chính sách tiền tệ của Trung Quốc và tác động đến các nền kinh tế láng giềng
Sáng 8-9, giá NDT giao dịch ở thị trường hải ngoại giảm xuống còn khoảng 7,36 NDT đổi 1 đô la, vượt qua ngưỡng quan trọng về mặt tâm lý là 7,35 NDT đổi 1 đô la và gần mức yếu nhất kể từ khi thị trường NDT ở thị trường nước ngoài được thiết lập vào năm 2010. Diễn biến này xảy ra sau khi PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT ở mức thấp nhất trong hai tháng vào sáng 8-9.
Trên thị trường ngoại hối của Trung Quốc, tỷ giá đồng NDT được phép dao động với biên độ tối đa 2% so với tỷ giá tham chiếu trong mỗi ngày giao dịch. NDT giảm giá mạnh đến mức đồng tiền này tiến gần đến điểm yếu trong biên độ giao dịch 2% với đồng bạc xanh trong phiên giao dịch sáng nay.
PBoC đang đối mặt với các nhiệm vụ khó khăn bao gồm ổn định tỷ giá hối đoái, ngăn chặn dòng vốn chảy ra bên ngoài trong khi vẫn duy trì chính sách tiền tệ độc lập. Tuy nhiên, nền kinh tế trì trệ và chính sách lãi suất ôn hòa của Trung Quốc đang gây áp lực lên NDT, đặc biệt là khi nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và chênh lệch lãi suất cao khiến các nhà đầu tư ưa chuộng đô la.
Tình thế nan giải như vậy không phải là mới đối với Bắc Kinh. Trung Quốc từng chứng kiến cú sốc NDT mất giá vào năm 2015 và trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ 5 năm trước.
Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh có xu hướng ưu tiên tăng trưởng và cuối cùng cho phép đồng nội tệ giảm giá có kiểm soát. NDT yếu hơn sẽ giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn.
“Động thái ấn định tỷ giá yếu hơn cho thấy PBoC sẵn sàng cho phép NDT suy yếu miễn là đó không phải là trường hợp cá biệt. Quỹ đạo tương lai của NDT phần lớn phụ thuộc vào dao động của đồng đô la, điều khó có thể nói trước vào thời điểm này. Nhưng những diễn biến gần đây dường như ủng hộ dự báo của chúng tôi là tỷ giá NDT sẽ giảm về mức 7,6 đổi 1 đô la Mỹ vào cuối năm”, Kiyong Seong, nhà chiến lược vĩ mô châu Á ở ngân hàng Societe Generale, nhận định.
Hôm 7-9, đồng NDT ở thị trường trong nước của Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 8.
Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao của chi nhánh ngân hàng Natixis ở Hồng Kông, giải thích tâm lý của giới đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi sự thiếu cải thiện thực sự của nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp của Trung Quốc. Ông cho rằng, nếu tình hình này kéo dài, NDT có thể tiếp tục mất giá.
Trung Quốc vẫn còn nhiều công cụ để ngăn chặn những người đầu cơ giá xuống đối với NDT. Chẳng hạn, PBoC có thể thiết kế một cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt ở Hồng Kông, nơi các giao dịch NDT ở thị trường hải ngoại diễn ra, để trừng phạt các nhà đầu cơ bán khống NDT hoặc khiến chi phí các hợp đồng bán khống trở nên đắt đỏ hơn.
Gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh tìm cách kìm hãm đà giảm giá của NDT bằng cách yêu cầu các ngân hàng quốc doanh bán đô la và tăng nguồn cung ngoại hối trên thị trường địa phương. Những thông điệp trấn an cũng bắt đầu xuất hiện. Hôm 8-9, một tờ báo nhà nước đăng bài bình luận trên trang nhất, nói rằng NDT chỉ đang trải qua giai đoạn “giảm giá không liên tục” khi chỉ số đồng đô la tăng mạnh.
Bắc Kinh cũng đã công bố một loạt các biện pháp chính sách khác nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế, trong đó có nhiều mục tiêu nhắm vào lĩnh vực bất động sản đang suy thoái.
Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs Group, trong khi Trung Quốc đang dần thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, NDT khó phục hồi nhanh chóng.
“Biện pháp quản lý thanh khoản NDT có thể bền vững và hiệu quả để đẩy lùi kỳ vọng đồng tiền này giảm giá một chiều, nhưng điều kiện hiện tại báo hiệu áp lực suy giảm của NDT vẫn còn, đặc biệt là khi đồng đô la mạnh lên”, nhóm nhà phân tích của Goldman Sachs, viết trong một báo cáo.
Theo Bloomberg