Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhân dân tệ vượt đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối của Nga

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một năm sau khi xung đột ở Ukraine dẫn đến một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây giáng vào Moscow, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã thay thế đồng đô la Mỹ, trở thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Moscow.

Trong tháng 2, nhân dân tệ lần đầu tiên vượt qua đô la Mỹ về khối lượng giao dịch hàng tháng trên Sàn giao dịch Moscow. Ảnh: Reuters

Nhân dân tệ trỗi dậy khi Moscow chống chọi lệnh trừng phạt

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp dựa trên báo cáo giao dịch hàng ngày từ Sàn giao dịch Moscow, vào tháng 2 vừa qua, lần đầu tiên đồng nhân dân tệ vượt qua đồng đô la Mỹ về khối lượng giao dịch và sự khác biệt trở nên rõ rệt hơn vào tháng 3. Trước chiến tranh, khối lượng giao dịch của đồng nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối của Nga không đáng kể.

Sự thay đổi ngôi vị này diễn ra ra sau khi các biện pháp trừng phạt bổ sung của phương Tây trong năm nay ảnh hưởng đến một số ngân hàng ở Nga, những nơi duy trì dịch vụ chuyển khoản xuyên biên giới bằng đô la và các loại tiền tệ khác của các nước bị Điện Kremlin coi là “không thân thiện”. Ngân hàng Raiffeisen Bank International (Áo), có chi nhánh ở Nga,vẫn là một trong những kênh thanh toán quốc tế chính ở nước này. Raiffeisen trong số những ngân hàng chịu áp lực ngày càng gia tăng từ giới chức trách ở châu Âu và Mỹ

Nga đã tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc kể từ ngày cuộc xung đột với Ukraine nổ ra vao tháng 2-2022. Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Moscow sau khi tái đắc cử và hứa hẹn với Điện Kremlin sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng, siêu dự án, năng lượng và công nghệ cao.

Các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhắm vào hệ thống tài chính của Nga đã buộc Điện Kremlin và các công ty Nga phải chuyển các giao dịch ngoại thương từ đồng đô la và đồng euro sang các loại tiền tệ của các quốc gia không tham gia bất kỳ hạn chế thương nào của phương Tây.

Bộ Tài chính Nga đã chuyển đổi các hoạt động thị trường sang đồng nhân dân tệ thay vì đồng đô la vào đầu năm nay. Cơ quan này cũng phát triển một cấu trúc mới cho quỹ tài sản quốc gia để nắm giữ 60% tài sản bằng đồng nhân dân tệ. Ngân hàng trung ương Nga thường xuyên kêu gọi các công ty và người dân chuyển tài sản của họ sang đồng rúp hoặc các loại "tiền tệ thân thiện” để tránh nguy cơ bị phong tỏa hoặc đóng băng.

Các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng sử dụng nhân dân tệ

Theo trang web so sánh Banki.ru, hiện gần 50 tổ chức tài chính ở Nga đang cung cấp tài khoản tiết kiệm nhân dân tệ. Trong khi đó, dữ liệu từ Ngân hàng trung ương Nga cho biết, các hộ gia đình đã gửi gần 6 tỉ đô la trị giá nhân dân tệ vào các ngân hàng Nga vào cuối năm ngoái. Con số này tăng từ con số 0 vào đầu năm và hiện là chiếm hơn 1/10 trong tổng số 53 tỉ đô la ngoại tệ mà các hộ gia đình nắm giữ.

Người Nga từ lâu đã mua đô la và euro để tự bảo vệ mình trước sự biến động của đồng rúp. Điều đó thay đổi vào năm ngoái khi các ngân hàng tính phí đối với các tài khoản nắm giữ các ngoại tệ này và nhiều người dân lo lắng về tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Nhà tư vấn và blogger tài chính người Nga Olga Gogaladze, người có hơn 2 triệu người theo dõi trên Instagram đã đăng một bài hướng dẫn về đồng nhân dân tệ sau khi có vô số câu hỏi về đồng tiền này vào năm ngoái.

“Mọi người đang thảo luận về việc đồng đô la sắp hết thời. Nhân dân tệ được xem là một sự lựa chọn thay thế”, Gogaladze nói.

Gogaladze có tài khoản ngân hàng nhân dân tệ tại ngân hàng số Tinkoff (Nga) nhưng vẫn thích giữ phần lớn số tiền của mình bằng đồng rúp, euro và đô la. Cô cho biết, các tài khoản nhân dân tệ thường có lãi suất thấp hơn so với tài khoản bằng đồng rúp nhưng chúng vẫn có thể là một lựa chọn tốt cho những người lo lắng về sự mất giá của đồng rúp.

“Khi mọi người thấy đồng rúp ngày càng yếu đi, họ không quan tâm đến lãi suất mà chỉ muốn bảo vệ giá trị đồng tiền của mình”, cô nói.

Theo dữ liệu của Refinitiv, các công ty Nga cũng chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ và phát hành trái phiếu bằng đồng tiền Trung Quốc trị giá hơn 7 tỉ đô la năm ngoái. Nhà nhà sản xuất nhôm khổng lồ Rusal là công ty đầu tiên phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ bên trong nước Nga vào tháng 8 năm ngoái. Sau đó, các nhà xuất khẩu hàng hóa khác như tập đoàn dầu mỏ Rosneft cũng hành động tương tự.

Thách thức sự thống trị của đô la

Alexander Gabuev, học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cho biết Moscow đã gạt bỏ lo ngại về việc trao cho Trung Quốc quá nhiều đòn bẩy đối với nền kinh tế của họ.

“Giờ đây, đó là lựa chọn hợp lý duy nhất cho Nga và cho Tổng thống Putin. Nếu phụ thuộc vào đồng nhân dân tệ là giải pháp giúp bạn giảm rủi ro và giảm phụ thuộc vào các đồng tiền thù địch hơn thì bạn phải đi theo con đường này”, Gabuev nói.

Một số nhà quan sát xem sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ ở Nga một là cuộc sát hạch trong một cuộc tranh luận từ lâu trong thế giới tài chính. Cuộc sát hạch này sẽ trả lời cho câu hỏi: liệu nhân dân tệ cuối cùng có thể cạnh tranh với đồng đô la với tư cách là đồng tiền thống trị của thế giới không?

Eswar Prasad, giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ) và cựu giám đốc phụ trách bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phá vỡ hệ thống tài chính dựa trên đồng đô la được xây dựng trong nhiều thập niên là rất chậm, khó khăn và tốn kém.

Trung Quốc đã ra mắt hệ thống thanh toán xuyên biên giới được gọi là CIPS vào năm 2015. Hệ hống được coi là đối thủ cạnh tranh của mạng thanh toán quốc tế SWIFT có 50 tuổi đời. Tuy nhiên, theo Prasad, hệ thống CIPS vẫn chưa được các nước khác sử dụng rộng rãi.

Thay vào đó, các ngân hàng Nga và Trung Quốc dựa vào mạng lưới các chi nhánh địa phương và các ngân hàng đại lý để xử lý các giao dịch mà không cần SWIFT. Trong tháng 2, Ngân hàng trung ương Nga đã thành lập một bộ phận thanh toán quốc tế tập trung vào việc mở rộng các khoản thanh toán bằng đồng rúp.

Daniel McDowell, giáo sư ở Đại học Syracuse (Mỹ) cho biết việc Nga chuyển sang sử đồng nhân dân tệ không có nghĩa là chấm dứt quyền lực tối thượng của đô la. Tuy nhiên, điều này có thể mở làm lung lay sự thống trị của đô la. Cuối cùng, có thể làm giảm khả năng sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ như một vũ khí.

Theo Bloomberg, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới