Chủ Nhật, 8/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhân lực TPHCM: dôi dư hay vẫn còn thiếu?

TS. Nguyễn Minh Hòa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Khi báo chí đăng tin toàn TPHCM hiện có 5.705 công chức, viên chức thuộc diện dôi dư, người dân ban đầu cảm thấy bất bình vì mình phải đóng thuế để nuôi số cán bộ dôi dư này. Nhưng sau khi nghe thủng chuyện mới hiểu rõ sự tình là không phải dôi dư so với yêu cầu thực tế mà dôi là theo chỉ tiêu phân bổ của trung ương cho TPHCM.

Xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh) có 164.000 dân nhưng chỉ có 35 cán bộ công chức, tính ra mỗi nhân sự phục vụ 7.476 người dân. Ảnh: N.K

Nói “dôi dư” là dựa trên điều gì?

Số là chiều 23-6-2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về vấn đề tổ chức bộ máy, nhân sự. Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết thành phố được trung ương giao 10.869 biên chế công chức nhưng HĐND thành phố đã duyệt 14.470 biên chế, chênh lệch cao hơn 3.601 người. Biên chế viên chức được trung ương giao cho TPHCM là 97.881 người, trong khi HĐND thành phố đã duyệt 99.985 người. Như vậy, toàn thành phố hiện có hơn 5.700 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được trung ương giao.

Lý giải về sự chênh lệch này, giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho hay, số lượng công chức, viên chức chênh lệch đều đang làm việc trên địa bàn, không phải dôi dư. Số biên chế tại địa phương nhiều hơn số lượng được trung ương duyệt có nguyên nhân từ việc tốc độ gia tăng dân số cao, số lượng bệnh viện, trường học tăng dần theo từng năm. Từ đó TPHCM đã nhiều kiến nghị trung ương chấp nhận sự gia tăng này, nhưng cho đến nay chưa được trung ương xác nhận.

Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng TPHCM đã không chặt chẽ trong quản lý biên chế, có phần buông lỏng dẫn đến là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại tình trạng này, do vậy cần phải kiên quyết chấm dứt tình trạng này. Bà Trà cho biết trung ương đã chốt biên chế ở cả 63 tỉnh, thành nên việc thành phố muốn tăng biên chế bằng với số lượng mong muốn là rất khó.

Về tính hợp lý của vấn đề

Ở đây, trên phương diện khoa học chúng ta không bàn đến chuyện đúng -sai mà bàn đến chuyện hợp lý – không hợp lý. Xã hội học là một khoa học thực chứng, nó luận giải việc đi tìm sự hợp lý hay không trong bối cảnh kinh tế – xã hội mà sự kiện, hiện tượng, quá trình đang diễn ra, chứ không đi tìm sự đúng hay sai, bởi lẽ đúng hay sai là theo tiêu chuẩn, chuẩn mực, quy chuẩn mà con người (hay đúng hơn là một nhóm người) đề ra theo nhu cầu và quan điểm mang tính giai cấp. Có nhiều hành vi, tiến trình hành động sai theo luật hiện hành, sai theo quy định của tổ chức lãnh đạo, thậm chí sai cả về quy chuẩn đạo đức nhưng lại được coi hợp lý với bối cảnh khi nó xảy ra. Nếu không cái sai “khoán hộ” của ông Kim Ngọc thì không có khoán 10, nếu không có cái sai (được gọi là xé rào) ở TPHCM thì không có công cuộc đổi mới năm 1986.

Thực sự đã có những quan điểm cho rằng cứ siết nhân sự lại, TPHCM sẽ tự xoay sở được. Vấn đề ở chỗ là nó tồn tại như thế nào? Hiệu quả ra sao? Người dân có hài lòng không?

Còn có một nguyên lý khoa học khác mà tất cả những người theo chủ nghĩa Mark-Lenin đều rất thông hiểu là “lượng đổi-chất đổi”, hiểu một cách đơn giản là muốn thay đổi chất (tất nhiên là theo hướng tốt hơn) thì cần có một số lượng (nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, điều kiện kèm theo) đủ để thay đổi một trạng thái. Điều này cực kỳ đúng trong khi thực thi các chính sách phát triển. Nhất là khi đòi hỏi TPHCM phải là đầu tàu kinh tế của cả nước, cung cấp nhiều hơn nữa cho cả nước tài chính, tổng sản phẩm thì nó phải có được điều kiện cần và đủ cho phát triển.

So sánh về quy mô: trường hợp TPHCM với các địa phương

TPHCM là thành phố có quy mô dân số lớn nhất cả nước, dân số thường trú là 8,7 triệu, dân số vãng lai và khách du lịch khoảng 3 triệu, thêm vào nữa – mỗi năm có khoảng 200.000 người mới nhập cư vào TPHCM. Để cho một đại đô thị rộng 2.100 ki lô mét vuông với hơn 12 triệu người sinh sống, vận hành trong trạng thái bình thường thì thành phố này cần có một bộ máy phục vụ khổng lồ bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cơ sở dịch vụ và nhân lực công, tư hoạt động trơn tru, bất cứ một ách tắc nào xảy ra ở khâu nào cũng có nguy cơ gây rối loạn tổng thể hay cục bộ (đơn cử như nước ngập, ách tắc giao thông).

Để phục vụ cho một đại đô thị 12 triệu dân như thế TPHCM đã huy động 114.455 người thì không phải là nhiều.

Để người đọc dễ hiểu, chúng tôi đưa ra một vài so sánh (tuy có khập khiễng). Đó là 24 quận, huyện của TPHCM lớn hơn rất nhiều dân số của 10 tỉnh, thành phố có dân số thấp nhất cả nước (số liệu 2019): tỉnh Bắc Kạn 313.905 người, tỉnh Lai Châu 460.196 người, tỉnh Cao Bằng 530.341 người, tỉnh Kon Tum 540.438 người, tỉnh Ninh Thuận 590.467 người, tỉnh Điện Biên 598.856 người, tỉnh Đắk Nông 622.168 người, tỉnh Quảng Trị 632.375 người, tỉnh Lào Cai 730.420 người, tỉnh Hậu Giang 733.017 người. Trong khi các quận, huyện của TPHCM lớn hơn hoặc ngang bằng, như quận 8: 452.000; quận 12: 520.000, Bình Thạnh: 491.000; Thủ Đức (cũ): 525.000; Gò Vấp: 664.000; Tân Bình: 471.000; Bình Tân: 703.000.

Để duy trì hoạt động của một tỉnh dù nhỏ nhất cũng cần có một bộ máy rất đông đảo, chẳng hạn như tỉnh Bắc Kạn có gần 314.000 dân cần đến 11.505 cán bộ (cổng thông tin điện tử của tỉnh), trong đó 3.082 cán bộ cấp tỉnh, 6.004 cán bộ cấp huyện, 2.419 cán bộ cấp xã. Trong khi đó, cả thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM với hơn 1,2 triệu dân mà chỉ được có 624 người, trong đó 459 người là biên chế trong các cơ quan chính quyền và 165 người là biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập (đến ngày 31-12-2022) theo Quyết định 2551/QĐ-UBND TPHCM.

Nếu tính trên số dân phải phục vụ…

Một câu hỏi đặt ra là thế những người dôi dư đó họ làm gì hay là đang ngồi chơi xơi nước.

Một ví dụ từ cấp phường. TPHCM có 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn. Mỗi phường của TPHCM đều có dân số rất lớn. Theo quy định tại khoản 1, điều 2, Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì bất luận một phường ở TPHCM có diện tích rộng bao nhiêu, dân số đông cỡ nào thì cũng chỉ được tối đa 23 người trong định biên. Trong khi đó, dân số của rất nhiều phường, xã của TPHCM lớn hơn cả một huyện của nhiều tỉnh, thành khác. Chẳng hạn Bình Chánh là huyện ngoại thành có dân số đông nhất nhì TPHCM với hơn 800.000 dân. Riêng xã Vĩnh Lộc A có 164.000 dân, xã Vĩnh Lộc B có hơn 140.000 dân. Tuy nhiên, biên chế nhân sự được TPHCM giao cho mỗi xã là 35 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (định danh những người nằm ngoài biên chế vượt khung của Chính phủ).

Nếu so sánh giữa các xã, phường, thị trấn loại I, mức dân số trung bình khoảng 20.000 dân thì bình quân một cán bộ, công chức phục vụ khoảng 900 người dân. Thế nhưng tại xã Vĩnh Lộc A, một nhân sự sẽ phục vụ khoảng 7.476 người dân, hơn gấp 8 lần; xã Vĩnh Lộc B, một nhân sự phục vụ khoảng 6.373 người dân, hơn gấp 7 lần… Tương tự, phường Bình Hưng Hòa A có diện tích hơn 465 héc ta với 125.000 dân, chiếm gần 9% tổng diện tích và 15,5% dân số toàn quận Bình Tân. Đây là phường đông dân nhất tại quận Bình Tân, vượt gấp 8 lần so với quy chuẩn. Sau sắp xếp theo Nghị định 34/2019 thì cán bộ của phường chỉ còn 35 người. Như vậy bình quân mỗi nhân sự phường phải phục vụ gần 4.000 dân.

Những phường có tình trạng dân số đông mà cán bộ quá ít như vậy chiếm hầu hết ở các quận/huyện đô thị hóa mới như Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh…

Căng kéo thời gian làm việc, thu nhập và nỗi lo… bỏ việc

Mặc dù TPHCM tự ý tăng thêm nhân lực nhưng thực sự vẫn không đáp ứng được yêu cầu của công việc cấp cơ sở. Dân số ngày một tăng, công việc ngày càng nhiều, nhân sự đã ít lại bị cắt giảm do vậy mà ai cũng phải làm thêm giờ, ngày cuối tuần cũng phải vào cơ quan làm việc, nhiều cán bộ phải đảm nhiệm 30 đến 45 đầu việc. Theo bà Lại Thị Bích Trâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, do khối lượng công việc quá nhiều, cán bộ, công chức xã thường xuyên phải làm thêm việc. “Đa phần mọi người làm việc đến 19, 20 giờ, thậm chí 22 giờ phòng làm việc vẫn sáng đèn. Thậm chí làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật”. Đặc biệt, để giải quyết nhu cầu của người dân, từ tháng 3-2022, xã này có chủ trương kéo dài thời gian tiếp nhận hồ sơ của người dân từ 17 giờ đến 18 giờ 30 thứ Ba và thứ Năm hàng tuần (thêm 1,5 tiếng so với quy định).

Ở một phía khác, có một thực tế là làm nhiều như vậy nhưng thu nhập thực tế không tăng bao nhiêu. Ngoài lương của Nhà nước thì thành phố có chi trả phần gọi là thu nhập tăng thêm với hệ số 1,2 (mức thực tế còn tùy thuộc vào hiệu quả công việc). Tuy nhiên, với cán bộ không chuyên trách phường, trước năm 2020 được hưởng phụ cấp công vụ 25% nhưng từ năm 2021 không còn khoản phụ cấp này nữa.

Do áp lực công việc quá nặng, không có thời gian làm các công việc khác để có thu nhập và thời gian chăm lo cho con cái và gia đình, có nhiều công chức, viên chức bỏ việc ra ngoài làm, có những gia đình lục đục dẫn đến ly hôn vì chồng/vợ không chăm lo được cho gia đình. Điều này càng làm cho tình hình thêm khó.

Quan niệm có chỗ trong một biên chế nhà nước là ấm thân, dường như đã lạc hậu. Bây giờ người dân đã có những suy nghĩ khác về nghề nghiệp và nơi làm việc. Điều gì xảy ra nếu số lượng nhân lực trong bộ máy công quyền hành chính sự nghiệp bỏ việc hàng loạt giống như ngành y tế? Do cường độ và áp lực công việc cao, cơ sở vật chất của các đơn vị y tế công lập còn hạn chế, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi, trong khi đó thu nhập lại bị giảm đáng kể, cho nên đã có nhiều viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong gần hai năm (2021, 2022), có gần 900 bác sĩ, nhân viên y tế ở Hà Nội xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Riêng từ đầu năm đến hết tháng 4-2022, có tới 226 nhân viên y tế ở Hà Nội xin nghỉ việc. Tại TPHCM, con số còn cao hơn khi năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và tính riêng quí 1-2022 đã có gần 400 người nghỉ việc. Những gì diễn ra ở ngành y tế hoàn toàn có thể xảy ra ở lĩnh vực hành chính-công vụ, khi ấy Bộ Nội vụ sẽ tính sao?

Nếu muốn thu hẹp bộ máy nhân sự…

Cần thấy rằng ở mỗi tỉnh, thành có những đặc điểm rất riêng mà bộ máy phải phình ra, chẳng hạn như do vấn đề an toàn thực phẩm ở TPHCM rất phức tạp cho nên thành phố phải lập ra Ban Quản lý an toàn thực phẩm với 400 người, ngoài ra còn các lĩnh vực khác cũng cần nhân sự lớn như quản lý đô thị, quản lý thị trường, quản lý môi trường, an ninh trật tự.

Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng bộ máy quản lý nhà nước không thể phình to mãi được, không có ngân sách nào cáng đáng được.

Do vậy, nếu muốn giảm triệt để bộ máy công quyền thì Nhà nước phải làm được hai điều tối quan trọng. Thứ nhất là xem lại để loại bỏ bớt các chức năng của bộ máy quản lý nhà nước, trả lại cho xã hội (civil society) trên tinh thần “Nhà nước nhỏ, Nhân dân lớn”, và chuyển giao cho lĩnh vực tư nhân (Nhà nước quản lý bằng luật), không phải cái gì cũng ôm. Thứ hai là tăng cường tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thì khi đó tự khắc bộ máy nhân sự từ trung ương đến địa phương sẽ giảm ít nhất 30%.

Thực sự đã có những quan điểm cho rằng cứ siết nhân sự lại, TPHCM sẽ tự xoay xở được. Vấn đề ở chỗ là nó tồn tại như thế nào? Hiệu quả ra sao? Người dân có hài lòng không?

Một chính sách ban hành được đánh giá tốt là chính sách phải xuất phát từ thực tiễn và có cơ sở khoa học chứ không phải từ chủ quan duy ý chí. Thước đo một chính sách chính là từ “trực quan sinh động” (Lê Nin), từ hiệu quả và lòng tin của người dân.

3 BÌNH LUẬN

  1. Bài toán nhân lực công của TPHCM chưa đi đúng hướng, kể cả đi ngược với xu hướng cải cách hành chính. Bây giờ không phải là lúc và không hợp lý khi so sánh số người làm việc trong khu vực công nhiều hay ít so với quy mô dân số, khối lượng công việc… để đi đến kết luận là quá tải và phải tăng thêm lực lượng. Cần có sự phân tích theo chiều sâu, dựa trên khoa học quản lý và khoa học công nghệ, đánh giá lại toàn diện quy trình xử lý công việc, thủ tục hành chính, bộ máy quản lý, chủ trương xã hội hóa dịch vụ công … Theo tính toán, nếu áp dụng những mô hình hiện đại, tinh gọn, thông minh thì khả năng giảm nhân lực công vẫn còn dư địa lớn.

  2. Tôi thường hay lên phường, thấy đa số người ngồi không, nhân viên bận rộn nhất là ở khâu chứng nhận bản sao, giấy tờ. Nhiều cơ quan đã bỏ đòi photocopy có chứng nhận, chỉ đòi bản photo và trình bản gốc, nhưng nhiều cơ quan vẫn đòi bản photo có công chứng. Nếu TP qui định cấm đòi bản photo có công chứng thì sẽ giảm công việc cho phường xã.
    Thứ hai ở các cơ quan quận, TP, nếu có bảng công bố các giấy tờ cần phải nộp cho một thủ tục, thì công việc cũng giảm rất nhiều. Thí dụ cán bộ một lần xét hồ sơ mất 15 phút, lần thứ 2, 3 xem lại cũng mất thời gian như vậy, tính ra phải mất 40 phút. Nhưng nếu giải quyết hồ sơ trong một lần thì sẽ giảm thời gian rất nhiều. Có nhiều hồ sơ đầy đủ giấy tờ, không hiểu sao cũng bị hẹn hai, ba lần mới giải quyết. Nên có chỉ tiêu 90% giải quyết hồ sơ trong một lần để giảm tải.

  3. Nhà nước cần rời bỏ một số lĩnh vực ( khâu vệ sinh …) Tin chắc rằng nhà nước sẽ nhẹ đi ngân sách, đường phố ngõ xóm sẽ sạch và thông thoáng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới