(KTSG Online) - Cuối năm ngoái, Tania Sibree bỏ công việc luật sư dịch vụ tài chính với mức lương hậu hĩnh ở Hồng Kông và trở về Úc, thay vì kiên nhẫn sống trong điều kiện bị hạn chế nghiêm ngặt bởi chính sách “zero Covid” của thành phố này.
Sibree, người đã làm việc 5 năm ở Hồng Kông, là một trong số hàng trăm, và có thể là hàng nghìn - chuyên gia người nước ngoài trong ngành tài chính đã rời đặc khu hành chính của Trung Quốc hoặc đang có ý định như vậy. Họ đang từ bỏ một thành phố nơi thuế thấp, dễ dàng đi lại, có các trường học quốc tế hàng đầu và cuộc sống sôi động về đêm từng chứng tỏ sức hút mạnh mẽ.
Hiện thực đó đe dọa làm suy giảm vị thế của Hồng Kông như là một trong những trung tâm tài chính của thế giới.
Tính từ đầu đại dịch, Hồng Kông chỉ có khoảng 13.000 ca nhiễm Covid-19 trên tổng dân số 7,4 triệu người, thấp hơn nhiều so với hầu hết các nơi trên thế giới. Nhưng thành phố này đang tuân theo chính sách "zero-Covid" của Bắc Kinh hơn là chuyển sang thích ứng bằng cách sống chung với virus SARS-CoV-2.
Năm ngoái, Hồng Kông đưa ra một số quy tắc nhập cảnh nghiêm ngặt nhất trên thế giới, bắt buộc cách ly tại khách sạn tối đa 3 tuần đối với khách đến từ hầu hết các quốc gia, bất kể tình trạng tiêm chủng của họ và du khách phải tự chi trả chi phí cách ly.
Tuy nhiên, chưa dấu hiệu nào cho thấy chính quyền sẽ sớm nới lỏng những hạn chế đó khi Hồng Kông ghi nhận thêm 140 ca nhiễm mới vào hôm 23-1.
Vì vậy, ngày càng có nhiều chuyên gia tài chính nước ngoài nghĩ đến việc rời đi. Và các ngân hàng toàn cầu, công ty quản lý tài sản và công ty luật doanh nghiệp đặt trụ sở tại Hồng Kông đang phải đối mặt với chảy máu nhân tài sau khi họ phát tiền thưởng hàng năm xong trong ba tháng đầu năm 2022.
“Mùa hè ở Hồng Kông sẽ là thời điểm mà nhiều người sẽ quyết định buông bỏ. Nếu bây giờ bạn là một chuyên gia ngành ngân hàng, thì làm việc ở Singapore sẽ tốt hơn nhiều. Bạn có thể đi du lịch, và một hoặc hai lần một năm, bạn có thể đến Hồng Kông công tác và thực hiện cách ly nếu cần”, một chuyên gia ngân hàng giấu tên nói.
Trong cuộc sát gần đây, 40% thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông (AmCham Hong Kong), cho biết họ có thể rời Hồng Kông, với hầu hết xem các chế độ đi lại quốc tế là lý do hàng đầu.
Tara Joseph, Chủ tịch AmCham Hong Kong, nói: “Nhiều người trong ngành tài chính dự báo cuối cùng nhiều công việc trong ngành sẽ do nhân tài Trung Quốc đại lục đảm nhận, dẫn đến sự thay đổi lớn về cơ cấu nhân tài”.
Chính quyền Hồng Kông xem chống Covid-19 là ưu tiên hàng đầu vì lợi ích của cả thành phố và cho biết đang đầu tư vào tài năng để ngăn ngừa bất kỳ tổn thất nào về chuyên môn hoặc bất kỳ thiệt hại nào đối với vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu.
Trong giai đoạn từ giữa năm 2020 đến giữa năm 2021, dân số Hồng Kông giảm 1,2%, với hơn 75.000 người đã rời thành phố, theo Cục Điều tra và thống kê Hồng Kông.
Dữ liệu của cơ quan di trú Hồng Kông cho thấy kể từ tháng 9 năm ngoái, Hồng Kông đã có 5 tháng liên tiếp giảm ròng trong xuất nhập cảnh.
Trong khi đó, tổng số người nộp đơn xin thị thực từ tất cả các quốc gia theo “chính sách việc làm chung” đã giảm 1/3 vào năm ngoái, xuống còn 10.073 người. Những người nộp đơn xin thị thực đến Hồng Kông làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính giảm 23%.
John Mullally, giám đốc khu vực phụ trách mảng dịch vụ tài chính miền nam Trung Quốc và Hồng Kông tại Công ty săn đầu người Robert Walters, nói: “Khi bạn nhìn vào thành phố, bạn sẽ thấy đội ngũ nhân tài dịch vụ tài chính chắc chắn đang ngày càng ít đi".
Christian Brun, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng Wellesley, nhận định Singaopre, trung tâm tài chính đang cạnh tranh với Hồng Kông, sẽ được hưởng lợi.
Ông nói: "Chúng ta sẽ bắt đầu thấy nhiều lãnh đạo ngân hàng cấp cao hơn đến Singapore sinh sống và làm việc”.
Cơ quan tiền tệ Hồng Kông nhận thức được những thách thức liên quan đến đại dịch mà các tổ chức tài chính phải đối mặt, nhưng cho rằng chúng chỉ mang tính "tạm thời" và các nguyên tắc cơ bản củng cố địa vị của Hồng Kông như một trung tâm tài chính toàn cầu sẽ vẫn mạnh mẽ.
Ủy ban Chứng khoán và hợp đồng tương lai Hồng Kông cho biết số lượng các công ty và cá nhân được cấp phép hoạt động kinh doanh trong thành phố đã tiếp tục tăng lên đến cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nước ngoài không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi để xem tình hình dịch Covid-19 và chính sách hạn chế liên quan sẽ kết thúc như thế nào.
Một nhà phân tích tài chính làm việc cho một tập đoàn nghiên cứu toàn cầu, người đã xem Hồng Kông như quê hương thứ hai, cho biết ông quyết định trở về Mỹ trong quí 2 này. Ông nói: “Về cơ bản, chúng tôi cần gặp gia đình của mình nhưng không biết chừng nào Hồng Kông mới chấm dứt các hạn chế biên giới và chính quyền cũng không có lộ trình hay kế hoạch đối với việc này. Rốt cục, bạn nhận ra rằng rời khỏi Hồng Kông là lựa chọn duy nhất”.
Theo Reuters