Thứ Bảy, 12/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhập cư – vấn đề đau đầu của thế kỷ 21

Thiên Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những năm trở lại đây, nhập cư là chủ đề nóng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Từ cuối tháng 7 vừa qua, những cuộc biểu tình bạo lực của phe cực hữu ở Anh chống lại người nhập cư nguồn gốc châu Á, châu Phi càng cho thấy nhập cư đã và vẫn là một trong những vấn đề gây đau đầu của thế kỷ 21.

Không phải như định kiến về việc di cư chỉ là đi từ nơi kém hơn sang các nước phát triển phương Tây và làn sóng tị nạn do chiến tranh, thực tế, chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử nơi các cuộc di dân mạnh mẽ diễn ra trên toàn cầu.

Kể từ đầu thế kỷ 21, di dân là một hiện tượng “toàn cầu hóa”. Nếu như năm 1965 thế giới có khoảng 75 triệu người di dân, thì con số này năm 1990 là 155 triệu và hiện nay đã là khoảng 200 triệu người, chiếm khoảng 3% tổng dân số thế giới. Các cuộc di dân hàng loạt là kết quả của bất ổn chính trị - xã hội, của biến đổi khí hậu, của... Internet với những thông tin, hình ảnh về những chuyến di dân được truyền tải trên YouTube, TikTok. Ở châu Mỹ, từ năm 2016 đã có hơn 7 triệu người Venezuela rời bỏ quê hương. Ở châu Phi, châu Á, nhiều người bán nhà cửa hay vay tiền nặng lãi để đầu tư cho những chuyến đi đến vùng đất “mơ ước”, mà phần lớn là bất hợp pháp và đầy nguy hiểm.

Các nhà sử học, xã hội học, nhân loại học hay các nhà nghiên cứu địa chính trị cũng như truyền thông có những góc nhìn khác nhau về hiện tượng di cư và nhập cư, cho thấy sự phức tạp, đa chiều của vấn đề này.

Không như nhiều người nhầm tưởng, phần lớn các cuộc di dân lớn không phải là từ các quốc gia kém phát triển sang châu Âu, Bắc Mỹ, Úc hay một số quốc gia phát triển khác. Số liệu năm 2020 cho thấy trên 86,7 triệu người nhập cư ở châu Âu thì có một nửa là sinh ra ở một nước châu Âu khác.

Theo một số nhà sử học, người nhập cư là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ 5. Từ khoảng năm 300 trước Công nguyên đến năm 200 sau Công nguyên, hàng triệu người nhập cư đã đến Ý và được đón nhận vào lực lượng lao động và quân đội. Tuy nhiên, chính sách nhập cư này đã góp phần dẫn đến sự suy tàn của Roma, khi những người nhập cư này đã nổi loạn, phá phách, cướp bóc, làm yếu đế chế từ bên trong.

Tuy nhiên, nhập cư lại là sức mạnh trong trường hợp của nước Mỹ. Cường quốc hàng đầu thế giới này là một quốc gia “của người nhập cư”, theo lời nói của cựu Tổng thống John Fitzgerald Kennedy, để nhắc đến truyền thống nước Mỹ tiếp nhận người nước ngoài đến từ mọi nơi trên thế giới. Từ trong quá khứ đến hiện tại, Mỹ luôn là quốc gia có số lượng người nhập cư cao nhất. Từ năm 1970 đến nay, số lượng người nhập cư ở Mỹ đã tăng gấp 4 lần, từ 12 triệu người lên tới 51 triệu vào năm 2020. Người nhập cư đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia này, góp phần không hề nhỏ tạo nên “sức mạnh nước Mỹ”.

Và khi nói về người di cư, không thể không nhắc tới Trung Quốc. Đây là quốc gia đứng thứ 3 về số lượng người di cư sau Ấn Độ và Mexico. Hiện tượng di cư ở đất nước này đặc biệt hơn khi Trung Quốc luôn hướng tới việc mở rộng ảnh hưởng của người Hoa trên thế giới. Hiện nay có hơn 10 triệu người Trung Quốc sống ở nước ngoài. Nếu tính cả thế hệ con cháu của họ, thì con số này lên tới khoảng 60 triệu, theo thống kê của Tổ chức Di trú Quốc tế IOM (International Organization for Migration).

Hiện tượng di dân ở người Trung Quốc bắt đầu từ khi con đường tơ lụa được hình thành hơn 2.000 năm trước đây, với người dân di cư chủ yếu sang các nước Đông Nam Á. Từ cuối thế kỷ thứ 16 thì di cư số lượng lớn bắt đầu diễn ra và đến giữa thế kỷ 19 thì số lượng người di cư này lên tới 1,5 triệu. Hiện nay, ở Indonesia, người gốc Hoa chiếm khoảng 3% dân số và nắm giữ khoảng từ 10-80% GDP của đất nước này.

Không như nhiều người nhầm tưởng, phần lớn các cuộc di dân lớn không phải là từ các quốc gia kém phát triển sang châu Âu, Bắc Mỹ, Úc hay một số quốc gia phát triển khác, mà là từ một quốc gia sang một quốc gia khác cùng khu vực. Ví dụ, số liệu năm 2020 cho thấy trong 86,7 triệu người nhập cư ở châu Âu thì có một nửa là sinh ra ở một nước châu Âu khác.

Những năm gần đây, làn sóng phản đối nhập cư đang dần mạnh lên, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Khủng hoảng kinh tế, bệnh dịch toàn cầu, thất nghiệp và bất ổn là những lý do chính để khó tìm ra một khuôn khổ phù hợp cho việc “sống chung” giữa những người bản địa và người nhập cư. Đặc biệt, từ cuối thế kỷ 20, sự xuất hiện của làn sóng người nhập cư không giấy tờ, bất hợp pháp làm nhiều quốc gia điểm đến phải điều chỉnh chính sách, siết chặt hơn việc quản lý người nhập cư.

Châu Âu đang đối mặt với hiện tượng nhập cư chưa từng có trong lịch sử đến từ châu Phi, từ Syria cũng như đến từ Afghanistan và Kosovo. Năm 2015, số lượng người nhập cư đến châu Âu đã tăng gần như gấp đôi, so với năm 2014 là 280.000 người. Trong số này, có 88.000 người ở Hy Lạp (chủ yếu là người Syria), 52.000 ở Hungary (chủ yếu đến từ Serbi), 13.000 người ở Ý (chủ yếu đến từ Eritrea hoặc châu Phi hạ Sahara)... Những khác biệt về văn hóa càng làm cho sự hòa nhập của người nhập cư trở nên khó khăn ở châu Âu, dẫn đến sự kỳ thị từ người bản địa.

Nhà sử học nổi tiếng người Israel Yuval Noah Harari cũng đề cập đến chủ đề di dân và người nhập cư trong cuốn sách best-seller của ông mang tên 21 bài học cho thế kỷ 21. Ông cho là liên minh châu Âu đang là ví dụ về chính sách nhập cư để cho cả thế giới nhìn vào và rút ra bài học. Harari cho rằng phản đối nhập cư hay ủng hộ nhập cư đều là hai quan điểm chính đáng, và không nên coi phe phản đối là “phát xít” hay phe ủng hộ là “tự diệt văn hóa”.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, có vẻ như châu Âu khó có thể giữ được quan điểm nhân đạo, mở cửa với người nhập cư mà không hề bị rơi vào tình hình bất ổn vì những người nhập cư quá khác biệt về văn hóa. Nếu như thành công trong chính sách nhập cư hiện nay, châu Âu sẽ là tấm gương, mô hình để cả thế giới học tập.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới