(KTSG Online) - Sáng 28-12, UBND thành phố Hội An đã tổ chức lễ khởi công dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều). Dự án tu sửa sẽ được thực hiện trong năm 2022 và 2023, có sự tài trợ về kinh phí từ quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ tổ chức JICA Nhật Bản.
- Chùa Cầu (Hội An) được tu bổ trong 2 năm
- BSR ra quân trồng cây tại các điểm di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Ngãi
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu do Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An phối hợp với các cơ quan, ban ngành của thành phố thực hiện. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng cử chuyên gia đến tham gia hỗ trợ tu bổ.
Tổng kinh phí dự án khoảng 20 tỉ đồng, dành cho việc gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu, tu bổ hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái, cải tạo hệ thống điện… của cây cầu. Đồng thời, dự án cũng cải tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật như điện chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, mạng internet, hệ thống camera an ninh.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, lãnh đạo UBND thành phố Hội An chia sẻ: “Chùa Cầu là biểu trưng cho truyền thống lịch sử, văn hóa của Hội An. Đây cũng là nguồn cảm hứng sáng tác của văn nghệ sĩ, nghiên cứu của các ngành, điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi tham quan thành phố Hội An. Hiện tại, Chùa Cầu đang bị xuống cấp sau khoảng 7 lần trùng tu từ trước đến nay. Các đơn vị đã lên kế hoạch và sẽ trùng tu di tích này trong năm 2022 và năm 2023”.
Với tuổi đời khoảng 400 năm tồn tại, Chùa Cầu (hay còn gọi là Cầu Nhật Bản hoặc Lai Viễn Kiều) là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Đây là di tích có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật…
Sau nhiều lần được trùng tu, Chùa Cầu mang các đặc trưng kiến trúc cổ của Hội An thế kỷ XVIII-XIX. Chùa Cầu được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 17-2-1990. Đây cũng là cây cầu cổ duy nhất ở Hội An.