Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản “khát” lao động nước ngoài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhật Bản “khát” lao động nước ngoài

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Các thành phố nhỏ của Nhật Bản, nơi dân số đang suy giảm và già hóa nhanh, đang cần lao động nhập cư hơn bao giờ hết để chăm sóc người già và làm việc ở các nhà máy.

Nhật Bản rộng cửa nhập khẩu lao động

Lối thoát cho lao động dôi dư: Phát triển đào tạo nghề tư nhân

Nhật Bản “khát” lao động nước ngoài
Gladys Gayeta (trái), một thực tập sinh kỹ thuật người Philippines, là công nhân tại một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô ở TP. Akitakata, tỉnh Hiroshima, Tây Nam Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Đề xuất cho lao động nước ngoài định cư dài hạn

Luan Dartora Taniuti, người Brazil định cư ở thành phố Akitakata, tỉnh Hiroshima, Tây Nam Nhật Bản từ lúc 9 tuổi; Leonel Maia, người Đông Timor đã đến đây được 7 năm và Gladys Gayeta, một thực tập sinh kỹ thuật người Philippines 22 tuổi chỉ vừa mới đến đây làm công nhân cho nhà máy sản xuất linh kiện ô tô. Họ là một trong những lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Tuy nhiên Gayeta sẽ phải rời Nhật Bản trong 3 năm tới vì lao động nước ngoài dưới dạng thực tập sinh kỹ thuật chỉ được lưu lại Nhật Bản tối đa 3 năm. Trong khi đó Taniuti, dù sinh ra ở Brazil nhưng có gốc gác Nhật Bản, là số ít những người nước ngoài được phép thường trú dài hạn ở nước này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng một đạo luật mới về nhập cư vừa được Quốc hội Nhật Bản thông qua hôm 8-12 sẽ cho phép những công nhân như Gayeta ở lại Nhật Bản trong thời gian ngắn hạn lên đến 5 năm. Đạo luật này giới thiệu hai hạng mục thị thực mới cho lao động nước ngoài.

Một hạng mục thị thực dành cho lao động nước ngoài có một số kỹ năng và trình độ tiếng Nhật nhất định. Những người này có thể đến Nhật Bản một mình và ở lại làm việc lên đến 5 năm nhưng sau đó không được gia hạn thị thực. Hạng mục thị thực còn lại dành cho lao động nước ngoài có kỹ năng cao, những người được phép mang theo gia đình (người hôn phối và con cái) và có thể thường trú vĩnh viễn nếu có hợp đồng lao động hợp lệ.

Song Kazuyoshi Hamada, thị trưởng TP. Akitakata, cho biết ông muốn lao động nước ngoài có lý lịch tốt và trình độ kỹ năng cư trú lâu dài tại Akitakata vì dân số tại thành phố đang giảm nhanh, một thực trạng phổ biến ở các thành phố nhỏ Nhật Bản. Hiện tại ở đây mới có 600 người nước ngoài, chỉ chiếm 2% dân số, giảm so với mức hơn 10% vào năm 2004.

Theo ông Hamada, tỷ lệ sinh thấp và dân số đang già nên thành phố Akitakata rất cần người nước ngoài để chăm sóc người già và làm việc tại các nhà máy. Hồi tháng 3, ông công bố một đề xuất xem người lao động nước ngoài như là những người định cư dài hạn. Đề xuất của ông lần đầu tiên xảy ra ở nước này vốn nhiều e ngại người nhập cư.

Dân số Nhật Bản đang suy giảm, tình hình đặc biệt nghiêm trọng hơn ở các thành phố xa xôi như Akitakata. Hiện nay, dân số ở đây là 28.910 người, giảm so với con số 30.983 người vào năm 2014. Khoảng 45% dân số là người trên 65 tuổi. Các nhà máy sản xuất linh kiện ô tô và các nông trại đang thiếu thốn lao động trầm trọng. Nhiều ngôi nhà ở Akitakata bị bỏ không và khi trời vừa sẫm tối, các đường phố vắng tanh. Tại một siêu thị giảm giá ở địa phương, đến 8 giờ tối, khách hàng gần như không còn ai. Ông Hamada nói rằng những người nước ngoài định cư dài hạn là giải pháp cho tình trạng này.

2/3 người lao động nước ngoài ở thành phố là những thực tập sinh kỹ thuật đến từ các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Phillippines. Hầu hết họ chỉ được phép lưu lại Nhật Bản làm việc trong thời gian tối đa 3 năm.

Người dân Akitakata vẫn còn e ngại về việc thu hút thêm lao động nước ngoài, mặc dù giờ đây họ cũng đã thay đổi nhiều. Một cuộc khảo sát vào năm 2017 cho thấy 48% người dân thành phố ủng hộ người nước ngoài đến sinh sống và làm việc ở thành phố này, tăng so với con số 30,8% vào năm 2010.

Nhiều thành phố hoan nghênh lao động nước ngoài

Một công nhân người Peru kiểm tra chất lượng sản phẩm của Công ty mạ kim loại Kyoshin Kogyo ở TP. Oizumi, tỉnh Gunma, Nhật Bản. Ảnh: Mainichi

Với dân số khoảng 40.000 người, thành phố Oizumi thuộc tỉnh Gunma, phía Bắc Tokyo là một trong những địa phương có tỷ lệ cư dân nước ngoài cao nhất ở Nhật Bản. “Thực tế Oizumi đang thiếu hụt lao động nên các công nhân nước ngoài được hoan nghênh”, Yukihiro Hirata, Giám đốc Công ty mạ kim loại Kyoshin Kogyo, nơi đang sử dụng 6 công nhân nước ngoài nói.

Hirata thất vọng vì đạo luật thu hút lao động nhập cư mới không bao gồm các biện pháp hỗ trợ cuộc sống của người lao động nước ngoài. Ông nói: “Chúng tôi nỗ lực hết sức để hỗ trợ người lao động nước ngoài nhưng chúng tôi muốn chính phủ phải xây dựng môi trường sống cho họ”.

Thành phố Oizumi đang kêu gọi chính quyền trung ương phát triển các hạ tầng cần thiết. Thành phố đã cung cấp nhiều dịch vụ thông tin về ngăn ngừa thảm hỏa, y tế, thuế... bằng cách thuê các biên dịch viên để đăng các thông báo của chính quyền bằng nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên, họ không thể làm nhiều hơn vì các hạn chế tài chính.

Tại thành phố Izumo thuộc tỉnh Shimane, số cư dân nước ngoài đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua nhờ sự tăng vọt của những người Brazil gốc Nhật Bản đến đây làm việc ở các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và nhiều nhà máy khác. Lực lượng lao động nước ngoài được xem là thành phần quan trọng để hồi sinh cộng đồng dân cư, nơi vốn đang sụt giảm và già hóa nhanh chóng. Chính quyền Izumo đặt mục tiêu nâng tỷ lệ cư dân nước ngoài cư trú ở thành phố trong ít nhất 5 năm lên mức 30% vào cuối năm 2020.

Cư dân nước ngoài chiếm khoảng 8,6% tổng dân số gần 57.000 người của thành phố Minokamo, tỉnh Gifu, miền Nam Nhật Bản. Nhờ lực lượng lao động nước ngoài đến từ các nước như Brazil và Philppines, ngành công nghiệp sản xuất ở đây phát triển mạnh mẽ. Chính quyền thành phố này đã nỗ lực để hỗ trợ các gia đình người nước ngoài bằng cách cung cấp các khóa học về văn hóa, cuộc sống...

Tại Muroto, một thành phố nhỏ 16.000 dân thuộc tỉnh Kochi, Đông Nam Nhật Bản, lao động nước ngoài thuộc Chương trình thực tập sinh kỹ thuật đã giải cứu ngành sản xuất nơi đây. Từng là một cảng cá nhộn nhịn, ngày nay, Muroto trở thành một cộng đồng già cỗi. Nhiều căn nhà bỏ trống tại khu vực nơi từng là những quán bar đông khách, nhiều bệnh viện và trường tiểu học phải đóng cửa vì dân số giảm.

Vậy nên khi Mie Kinoshita, chủ một đại lý ô tô, không thể tuyển được kỹ thuật viên bảo trì vào năm 2017 đã quyết định nộp đơn xin tuyển thực tập sinh kỹ thuật từ Philippines. Cô đã mua một căn nhà làm nơi tá túc cho các nhân viên người ngoài, những người chỉ được hưởng mức lương tối thiểu 6, 7 đô la/giờ. Kinoshita cho biết sẽ tăng lương cho họ khi tay nghề được nâng cao.

Tính đến tháng 1-2018, Nhật Bản có 2,5 triệu người nước ngoài đang cư trú, tăng 7,5% so với một năm trước đó. Con số này chiếm 2% tổng dân số Nhật Bản. Số dân bản xứ Nhật Bản giảm 0,3% trong cùng thời gian xuống còn 125,2 triệu người. Đây là năm thứ chín liên tiếp dân số Nhật Bản sụt giảm.

Người lao động nước ngoài đến Nhật Bản theo ba dạng: bằng thị thực dài hạn áp dụng từ thập niên 1990 đối với những người Mỹ Latin có nguồn gốc Nhật Bản; thông qua chương trình thực tập sinh kỹ thuật (TITP), vốn bấy lâu nay bị trích chỉ vì để xảy ra nhiều vi phạm nhân quyền, từ việc ép người lao động làm việc quá giờ, trả lương thấp cho đến đánh đập người lao động; các sinh viên nước ngoài đang học tập tại Nhật Bản được phép làm việc tối đa 28 tiếng mỗi tuần.

Theo Reuters, Mainichi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới