(KTSG Online) - Xuất khẩu chất bán dẫn của Nhật Bản đã gần như bắt kịp với ngành xe hơi sau một loạt đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Mỹ. Theo dữ liệu sơ bộ vừa công bố của chính phủ, tổng kim ngạch xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip, mạch tích hợp và linh kiện điện tử đã lên đến 4.470 tỉ yen, tức 39 tỉ đô la, trong nửa cuối năm 2021, trong khi xuất khẩu xe hơi đạt 4.530 tỉ yen.
Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra luật mới hỗ trợ cho các hãng chip mở cơ sở sản xuất ở nước này. Nhưng việc tái gia nhập đường đua công nghệ chip của Nhật Bản hiện gặp sự cạnh tranh gay gắt của nhiều nước như Đài Loan, Mỹ, châu Âu và mới nhất là Ấn Độ.
Xuất khẩu chip tăng trưởng nhanh
Dịch Covid và sự chuyển nhịp nhanh sang số hóa đã thúc đẩy nhu cầu về chất bán dẫn. Xuất khẩu của ngành công nghiệp chip đã tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020 và 30% so với nửa cuối năm 2019 trước khi bắt đầu đại dịch. Ngành công nghiệp này hiện chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nikkei Asia nói Trung Quốc là động lực phát triển chính của ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản, với thiết bị bán dẫn tăng 15,8% lên 671 tỉ yen và linh kiện điện tử tăng 21,5% lên 697,3 tỉ yen. Nhật Bản đang hưởng lợi từ cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung khi Bắc Kinh đang tìm cách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhằm thoát khỏi các hạn chế hay trừng phạt từ Washington.
Trong khi đó, xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của Nhật Bản sang Mỹ cũng tăng đến 70% và đạt 247,3 tỉ yen cùng kỳ. Đây là cú thay đổi ngoạn mục sau nhiều năm xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường khổng lồ này bị suy giảm. Nhật Bản cũng đang hưởng lợi từ việc hãng chip TSMC của Đài Loan xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ với các ưu đãi lẫn thúc giục của Nhà Trắng.
Trong khi đó, xuất khẩu xe hơi giảm 8,5%. Các hãng xe trong nước đã buộc phải cắt giảm đáng kể sản lượng vào mùa thu năm ngoái do tình trạng thiếu chất bán dẫn và các bộ phận khác trong bối cảnh dịch Covid bùng phát ở Đông Nam Á
Xuất khẩu xe hiện đang phục hồi, tăng 17,5% so với cùng kỳ vào tháng 12. Nhưng khi nhu cầu chip tăng lên trên toàn cầu, khả năng thiếu hụt vẫn tạo áp lực lên sản xuất và xuất khẩu của Nhật Bản trong tương lai.
Đạo luật trợ cấp cho các hãng chip
Chất bán dẫn ngày càng trở nên quan trọng đối với nhiều loại sản phẩm, từ smartphone và đồ gia dụng đến xe hơi, khiến Nhật Bản và các nước khác cố gắng bảo đảm nguồn cung. Vì thế, các con chip đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong nền an ninh quốc gia.
Tokyo đang xây dựng chiến lược hỗ trợ cho các hãng chip tiên tiến xây dựng các trung tâm sản xuất mới ở Nhật Bản. Và chính phủ yêu cầu các hãng chip nước ngoài duy trì hoạt động sản xuất tại đây trong 10 năm để đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp mới.
Các tập đoàn của xứ sở mặt trời mọc đang nỗ lực tham gia cuộc đua chip ngày càng cạnh tranh gay gắt. Ngay cả hãng bột ngọt Ajinomoto cũng đã trở thành ngôi sao ngành chip một cách ngẫu nhiên. Tân Thủ tướng Fumio Kishida xem việc xây dựng lại ngành công nghiệp chip của đất nước là một phần quan trọng trong chính sách kinh tế của mình.
"Ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng trở nên quan trọng hơn và cần có vai trò tự chủ hơn, đóng góp lớn vào an ninh kinh tế của đất nước”, Thủ tướng Kishida phát biểu khi Quốc hội Nhật Bản thông qua gói hỗ trợ 600 tỉ yen (5,2 tỉ đô la) dành cho ngành chip hồi tháng 12-2021. Dự kiến luật mới sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 3-2022.
Trong tháng 1-2022 này, chính phủ Nhật Bản sẽ lấy ý kiến công chúng về các quy định cụ thể liên quan đến trợ cấp, như cam kết 10 năm. Các quy định này sẽ được nêu trong một sắc lệnh của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI).
Các yêu cầu khác được đề xuất bao gồm tăng sản lượng trong thời gian thiếu hụt, bảo vệ các công nghệ quan trọng và tiếp tục đầu tư vào các nhà máy được trợ cấp.
Để nhận được khoản trợ cấp, các nhà sản xuất chip phải đệ trình kế hoạch cho các nhà máy mới để METI phê duyệt. Hãng chip phải hoàn trả lại tiền hỗ trợ nếu đi chệch khỏi những kế hoạch đó.
Chính phủ Nhật Bản cũng xem trợ cấp là cách để tăng cường việc làm trong ngành công nghiệp bán dẫn tại nước này, từ đó có thể giúp thúc đẩy sản xuất.
Thu hút hãng chip hàng đầu TSMC
Mở đầu cho kế hoạch này là gói hỗ trợ 400 tỉ yen, gồm khoảng 50% chi phí xây dựng nhà máy đầu tiên của hãng chip lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan. Số tiền còn lại 200 tỉ yen sẽ được chuyển cho các dự án khác đang được xem xét.
Nhà máy mới TMSC sẽ được đặt tại Kumamoto phía Tây Nhật Bản, trên khu đất gần nhà máy sản xuất chip thuộc sở hữu của Sony - khách hàng Nhật Bản lớn nhất của TSMC. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ hỗ trợ nhiều năm cho dự án. Nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2024 với khoảng 1.500 lao động.
Nhà máy TSMC – Sony sẽ sản xuất nhiều loại chip, chủ yếu là bộ xử lý tín hiệu hình ảnh đến bộ vi điều khiển, sử dụng công nghệ sản xuất chip 22 và 28 nm. Tuy vẫn thua xa công nghệ chip 5 nm tiên tiến nhất của TSMC tại các nhà máy ở Đài Loan, chip 22 và 28 nm được coi là những lựa chọn hiệu quả về chi phí nhất, với nhiều ứng dụng cho các ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, máy tính và xe hơi. Ngoài TSMC, Samsung hiện là nhà sản xuất duy nhất có thể sản xuất hàng loạt chip 5 nm.
Hiện Sony không cần chip 5 nm cho các sản phẩm của mình, không giống như các khách hàng Mỹ của TSMC, bao gồm Apple và Google.
Tuy vậy, Nhật Bản không chỉ là đất nước duy nhất mời gọi TSMC và các hãng chip hàng đầu thế giới. Mỹ và châu Âu đang cố gắng thu hút các hãng chip nước ngoài nhằm bảo đảm nguồn cung và an ninh kinh tế. Thất bại trong các nỗ lực trước đây, Ấn Độ đã trải thảm đỏ cho các nhà sản xuất chip toàn cầu với khoản ưu đãi 760 tỉ rupee (10,2 tỉ đô la) khi Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy thiết lập quốc gia này thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao.
Chương trình đã được nội các của Thủ tướng Modi phê duyệt giữa tháng 12 năm ngoái và bắt đầu nhận đơn từ ngày 1-1-2022 vừa rồi. Gói hỗ trợ bao gồm một nửa chi phí ban đầu để thiết lập các trung tâm sản xuất chip trong nước, bao gồm cả những chi phí cho các quy trình tiên tiến nhất liên quan đến chế tạo đĩa wafer. Chính phủ Ấn Độ sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng của các tiểu bang để xây dựng các khu công nghệ cao được trang bị nước sạch, nguồn điện dồi dào và cơ sở hạ tầng hậu cần.