Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản xem xét xây dựng nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhật Bản đang bước vào một giai đoạn mới trong chiến lược năng lượng hạt nhân với việc Thủ tướng Fumio Kishida yêu cầu xem xét kế hoạch phát triển và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới .

Diễn biến này đánh dấu sự đảo ngược so với chính sách không ủng hộ năng lượng hạt nhân sau sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011 do thảm họa động đất, sóng thần. 

Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida yêu cầu xem xét kế hoạch phát triển và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới để giải quyết tình trạng thiếu điện và phục vụ nỗ lực phi carbon hóa. Ảnh: AP

Điện hạt nhân cần thiết cho nỗ lực chuyển đổi xanh

Kế hoạch trên được nêu ra tại cuộc họp của nội các Nhật Bản hôm 24-8 về chủ đề “chuyển đổi xanh”, hứa hẹn giúp Nhật Bản giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và tránh tình trạng căng thẳng của hệ thống lưới điện vốn đã bị đẩy đến mức giới hạn trong mùa hè này.

Thủ tướng Kishida viện dẫn cuộc chiến ở Ukraine, thị trường năng lượng toàn cầu bất ổn và nhu cầu về năng lượng xanh để kêu gọi xem xét kỹ hơn kế hoạch phát triểm các nhà máy hạt nhân mới.

Thủ tướng Fumio Kishida tin rằng kế hoạch này sẽ giải quyết những thách thức mang tính cấu trúc mà Nhật Bản đang phải đối mặt, chẳng hạn như tình trạng thiếu điện và sự chậm trễ trong nỗ lực phi carbon hóa, đặc biệt là khi nước này đặt mục tiêu đưa phát thải thải carbon về mức zero ròng vào năm 2050.

“Năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân là những nguồn năng lượng phi carbon thiết yếu khi chúng ta theo đuổi quá trình chuyển đổi xanh”, ông nói.

Mục tiêu chính của kế hoạch là xem xét xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ tiếp theo vào năm 2030. Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản sẽ soạn thảo đề án xây dựng các nhà máy này, cụ thể là các lò phản ứng nước nhẹ, an toàn hơn, với kế hoạch bắt đầu vận hành thương mại vào thập niên 2030.

Kể từ sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011, Nhật Bản đã không xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới nào và cũng không nâng cấp các cơ sở điện hạt nhân hiện có. Thủ tướng Kishida cũng sẽ tìm cách kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hiện tại. Luật của Nhật Bản quy định tuổi thọ hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân chỉ ở mức tối đa  từ 40 -60 năm, sau đó các lò phản ứng phải dừng hoạt động.

Một số cơ sở điện hạt nhân, chẳng hạn như lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Tomari của Công ty điện lực Hokkaido Electric Power đã mất gần 10 năm để được phê duyệt đưa vào vận hành. Điều này khiến chính phủ phải Nhật Bản xem xét các biện pháp để kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân, có thể bằng cách trừ đi thời gian dành cho việc đánh giá an toàn khỏi tuổi thọ vận hành thực tế

Tái kích hoạt thêm các lò phản ứng hạt nhân

Cũng tại cuộc họp trên, Thủ tướng Kishida yêu cầu tái kích hoạt thêm các lò phản ứng phản ứng hạt nhân để tránh tình trạng thiếu điện dự kiến trong mùa đông năm nay và năm sau.

Hiện nay, Nhật Bản có tổng cộng 33 lò phản ứng hạt nhân. Các công ty điện lực đã yêu cầu Cơ quan Quản lý hạt nhân quốc gia (NRA) phê duyệt việc tái khởi động 25 lò phản ứng. Hiện đã có 17 lò được NRA đánh giá an toàn. Mặc dù 10 trong số 17 lò phản ứng này đã được kích hoạt lại sau khi nhận được sự đồng ý của các chính quyền địa phương nhưng chỉ có 6 lò đang hoạt động còn 4 lò đang bảo trì.

Để chuẩn bị cho việc tái kích hoạt thêm 7 lò an toàn còn lại kể từ 2023, chính phủ Nhật Bản đang chủ động thực hiện các biện pháp an toàn và thương lượng với các chính quyền địa phương địa phương vì việc tái khởi động cần sự đồng ý của họ.

Gần đây, khi Nhật Bản đối mặt với tình trạng thiếu điện, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người dân nước này đang chuyển sang ủng hộ việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân.

Chính sách năng lượng của Nhật Bản đã bị tê liệt kể từ khi thảm họa hạt nhân vào năm 2011, khiến hầu hết các lò phản ứng hạt nhân của nước này phải đóng cửa sau đó. Vì vậy, Nhật Bản phải đốt thêm than, khí đốt tự nhiên và dầu nhiên liệu ngay cả khi nước này cam kết đưa phát thải carbon về mức zero ròng vào năm 2050.

Do nhập khẩu phần lớn nhu cầu năng lượng nên Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề khi giá khí đốt tăng. Nước này phụ thuộc vào Nga khoảng 9% nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG)

Tom O’Sullivan, người sáng lập Công ty tư vấn năng lượng Mathyos cho rằng với Nhật Bản, đây là thời điểm thích hợp để tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân. Theo ông, Nhật Bản đã trả nhiều tiền để sản xuất điện so với hầu hết các quốc gia khác thuộc nhóm các cường quốc công nghiệp G7. Do đó, việc duy trì khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp cũng là một vấn đề.

Trước khi thảm họa rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra, 1/3 sản lượng điện của Nhật Bản đến từ  các lò phản ứng hạt nhân.

Theo Frank Ling, nhà khoa học trưởng tại Viện Anthropocene, tình hình địa chính trị đã làm tăng mức độ cấp thiết của nhu cầu phát triển các lò phản ứng hạt nhân mới và an toàn hơn của Nhật Bản.

Ông cho rằng, Thủ tướng Kishida cũng có thể đang nhắm tới việc mở rộng khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong việc bán công nghệ hạt nhân ra nước ngoài, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Đà tăng giá năng lượng toàn cầu, chủ yếu do tác động của cuộc chiến ở Ukraine, đã khiến một số nước xem xét lại chính sách năng lượng hạt nhân.

Đức, nước quyết định loại bỏ dần điện hạt nhân ngay sau thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản vào 2011, có kế hoạch đóng cửa ba lò phản ứng hạt nhân cuối cùng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Đức đã lên kế hoạch gia hạn thời gian vận hành các lò phản ứng này thêm ít vài tháng nữa sau khi Nga giảm nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu.

Theo Bloomberg, Nikkei Asia, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới