Nhật ký của một ông chủ quán kem ở Đà Nẵng
Đại Lộ
(TBKTSG) - Chiều 25-7-2020, Bộ Y tế công bố hai ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có ca số 416 tại Đà Nẵng, chấm dứt gần 100 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng. Đà Nẵng quay lại thực hiện cách ly xã hội từ ngày 28-7.
Đợt cách ly mới này sẽ là một cú knock-out với những quán xá đang phải cầm cự, như quán tôi.
Là một quán kem, doanh số thay đổi theo mùa là tất yếu. Mùa bán chính của quán tôi rơi vào mùa nóng - mùa du lịch của miền Trung, tức từ lúc ra Tết đến cuối tháng 8. Đầu 2020, sau khởi đầu lạc quan nhân lễ Valentine 14-2, quán lên kế hoạch chuẩn bị cho đợt bán lễ tiếp theo, thì dịch bệnh bùng phát. Tôi vẫn nhớ ngày 6-3, chính quyền công bố ca bệnh số 17 ở Đà Nẵng. Chiều đó, tất cả cửa hàng vật tư y tế/quầy thuốc ở trung tâm thành phố hết sạch khẩu trang. Và hai ngày liên tiếp sau đó, rất ít khách ghé quán, cho dù rơi vào lễ 8-3, lại đúng dịp cuối tuần. Tình hình ngày càng tệ hơn...
Ngay khi phát hiện ca mắc Covid-19 là bệnh nhân số 416, ngày 24-7, Bệnh viện C Đà Nẵng đã phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: TTXVN |
Ngày 28-3, tôi nhận được công văn cấm tụ tập đông người, chỉ cho phép bán mang đi. Chiều ngày 1-4, công an trực tiếp ghé quán, yêu cầu từ hôm sau tạm dừng kinh doanh. Quán tôi bán kem và đồ uống tươi, hầu hết nguyên liệu chỉ bảo quản trong ngắn hạn. Vậy là, hầu hết nguyên liệu tôi chuẩn bị cho việc bán trực tuyến lúc ấy đều phải đổ bỏ, bởi thời gian ngừng kinh doanh là quá lâu. Hôm đó, các anh công an bảo tôi ký xác nhận đồng ý đóng quán, để làm cơ sở hỗ trợ sau dịch.
Hơn hai tháng quán rơi vào cảnh thu không đủ bù chi, trong khi khoản vay kinh doanh hơn nửa tỉ đồng lại sắp đến ngày đáo hạn. Trong cơn tuyệt vọng tôi như tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm khi nghe tin Chính phủ có gói chính sách hỗ trợ lên tới 250.000 tỉ đồng cho khối sản xuất, kinh doanh. Tôi phấn khởi tìm hiểu. Nhưng hy vọng thật nhiều chỉ để thêm thất vọng. Vì lý do nào đó, nhân viên ngân hàng trả lời mô hình hộ kinh doanh như quán tôi không thuộc diện được ưu tiên, xét theo bất kỳ tiêu chí nào; kể cả các chính sách có liên quan cũng không dành cho đối tượng là cửa hàng dịch vụ ăn uống.
Tôi tiếp tục đặt niềm tin vào gói cứu trợ 62.000 tỉ, dành cho các đối tượng có thu nhập thấp, trong đó có hộ kinh doanh. Chính quyền phường nơi tôi ở hai lần đi lấy kê khai thu nhập của người dân để xét duyệt danh sách. Lần đầu, bác tổ trưởng dân phố đến từng nhà hướng dẫn mọi người điền vào bản khai và thống kê, ghi nhận số người bị ảnh hưởng thực sự, còn việc ai đủ điều kiện thì “không liên quan đến bác, con ạ”. Sau đó, tôi nghe bác bảo, việc thống kê bị mất kiểm soát, phường yêu cầu công dân trực tiếp lên phường làm lại. Lần này, trên phường có nhân viên chuyên trách hướng dẫn kê khai, phân loại theo nghề nghiệp, thu nhập. Sau khi điền đơn, nhân viên phường nhận và bảo tôi về, phường sẽ thông báo nếu tôi thuộc diện được hỗ trợ. Vấn đề nằm ở chỗ, tôi không nhận được giấy hẹn, hay bất cứ xác nhận gì về việc tôi đã làm đơn; cộng thêm việc chính quyền sẽ “chỉ liên hệ với những cá nhân đủ điều kiện nhận hỗ trợ”, sự việc rơi vào quên lãng. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa nhận được thông tin gì về gói cứu trợ này.
Vì gói cứu trợ cũng hướng đến hộ kinh doanh, tôi lại tiếp tục tìm hiểu. Theo quy định, đối tượng hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm sẽ được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng, tối đa ba tháng. Làm một phép toán đơn giản, một năm doanh thu 100 triệu tức một tháng doanh thu 8,3 triệu. Giả sử rằng bán một lời một, vậy lợi nhuận của một hộ kinh doanh “đạt chuẩn” cứu trợ là 4,2 triệu đồng, thấp hơn cả thu nhập bình quân của công nhân ở Đà Nẵng. Thử hỏi, ai sẽ chọn việc buôn bán kinh doanh với nhiều rủi ro khi mà thu nhập còn thấp hơn đi làm công nhân?
Làm kinh doanh, vay vốn là chuyện phổ biến, khi tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ vay đối với đối tượng chịu ảnh hưởng trong dịch, tôi đã liên hệ một số ngân hàng. Nhân viên một ngân hàng nơi tôi đang vay kinh doanh thẳng thắn chia sẻ “cơ sở anh không thuộc diện được hưởng gói vay hỗ trợ đợt dịch này”, còn trường hợp nào được hỗ trợ thì là thông tin nội bộ, không được phép công bố. Thậm chí khi gia hạn gói vay cũ, lãi vay còn bị điều chỉnh tăng 0,5%/năm theo lãi suất thị trường. Khi liên hệ với ngân hàng khác, nơi tôi có thẻ VIP do khối lượng giao dịch hàng năm lớn, bạn giao dịch viên quen báo rằng “ngân hàng không có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào đợt này”, rằng “khi nào có chính sách phù hợp, ngân hàng sẽ thông báo”. Nhưng đến lúc viết bài này vào ngày 26-7-2020, tôi vẫn chưa nhận được thông tin nào.
Điều an ủi duy nhất là anh chủ mặt bằng nơi tôi thuê mở quán đã hỗ trợ giảm một phần tiền nhà trong đợt giãn cách tháng 4. Anh cũng mở quán, cũng bị ảnh hưởng. Anh hiểu tôi đang khó khăn như thế nào. Không chỉ là vấn đề tài chính, việc anh làm giúp tôi phấn chấn hơn, thêm sức mạnh để triển khai kế hoạch kinh doanh phục hồi sau dịch.
Đến cuối tháng 6, doanh số quán đã trở lại mức như mùa thấp điểm. Rồi bệnh nhân số 418, cũng ở Đà Nẵng, xuất hiện. Rất nghiêm trọng, vì phạm vi hoạt động của bệnh nhân số 418 cách quán tôi chỉ 1 cây số. Bệnh viện C phong tỏa, tiếp đến Bệnh viện Đà Nẵng phong tỏa, chỉ cách quán tôi 500 mét. Ảnh hưởng là trực tiếp và ngay lập tức. Quán tôi phải tạm dừng kinh doanh...
Kinh tế Đà Nẵng đã tăng trưởng âm lần đầu sau 23 năm, bây giờ sẽ còn kiệt quệ. Đà Nẵng, với đặc thù kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch dịch vụ, việc du khách ngừng đến trong một quãng thời gian dài đồng nghĩa với nguồn thu chính của phần lớn người dân bị sụt giảm, đặc biệt là các cửa hàng ăn uống, trong khi các chi phí về mặt bằng, điện nước, nhân viên… hầu như không thay đổi.
Hơn một tháng trước, khi đi tìm hiểu thị trường để tính toán mức độ hồi phục kinh tế của thành phố, nhìn rất nhiều quán có quy mô tương đương hoặc lớn hơn quán của tôi treo bảng đóng cửa, sang mặt bằng, tôi vẫn cảm thấy may mắn, vì ít ra mình vẫn còn trụ được. Nhưng lần này thì khác, tôi không còn vốn dự trữ để bổ sung, trong khi gói vay sáu tháng lại sắp đáo hạn. Bạn tôi hỏi, vậy giờ nếu phá sản thì thủ tục thế nào. Tôi cười, bán nhà, trả nợ vay, thông báo với quận quán ngừng kinh doanh để sở thuế thôi gửi giấy báo nữa. Mọi sự diễn ra nhanh và gấp quá, chắc cũng nhiều người trở tay không kịp… như tôi!