(KTSG Online) – Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ở nhiều bang của Mỹ đang đề xuất luật ngăn chặn sự phát triển của thịt heo, gà, cá ngừ và các protein động vật khác được nuôi trong phòng thí nghiệm. Công nghệ thực phẩm này đang trổi dậy nhanh chóng với sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư tỉ phú như Bill Gates và Jeff Bezos.
- Mỹ lần đầu tiên cho phép bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
- Ý cấm thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm
Đối mặt lệnh cấm ở 7 bang
Kể từ đầu năm 2024, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa ở ít nhất 7 bang của Mỹ đã giới thiệu luật cấm sản xuất, bán hoặc phân phối thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm.
Tại Mỹ, thịt gà là sản phẩm protein động vật nuôi trong phòng thí nghiệm đầu tiên được chính quyền liên bang chứng nhận an toàn để tiêu thụ vào năm ngoái. Hiện sản phẩm này chỉ mới cung cấp cho thực khách tại một nhà hàng được gắn sao Michelin ở thành phố San Francisco và một nhà hàng ở Washington. Quy trình sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm bắt đầu với việc phân lập tế bào của động vật như heo, gà bằng các phương pháp như sinh thiết. Các tế bào này sẽ được “nuôi” và phát triển thành các miếng thịt lớn trong một lò phản ứng sinh học, nơi cung cấp một hỗn hợp protein, acid amin, khoáng chất, đường, muối và các chất dinh dưỡng khác.
Tuy nhiên, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm đã trở thành vấn đề gây tranh cãi của các nhà chính trị. Một số nhà chính trị bảo thủ như Ron DeSantis, Thống đốc bang Florida, gọi thịt nuôi trong phòng thí nghiệm là “thịt giả”. Trong tháng 3, hội đồng lập pháp của bang Florida đã gửi dự luật cấm sản xuất và bán thịt nuôi trong phòng thí nghiệm ở bang này đến bàn làm việc của Thống đốc DeSantis.
“Một số người có thể muốn ăn côn trùng với Bill Gates, nhưng tôi thì không”, Bud Hulsey, hạ nghị sĩ ở bang Tennessee, nói trong một cuộc điều trần ở hội đồng lập pháp của bang này, với hàm ý thịt nuôi trong phòng thí nghiệm không an toàn.
Tỉ phú Bill Gates là một trong những nhà đầu tư vào công ty khởi nghiệp (startup) Upside Foods, đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cấp phép sản xuất và bán thịt gà nuôi trong phòng thí nghiệm hồi năm ngoái. Upside Foods được định giá hơn 1 tỉ đô la trong một vòng gọi vốn vào tháng 4-2022.
Hạ nghị sĩ Bud Hulsey nói, ông ủng hộ dự luật cấm thịt nuôi trong phhòng thí nghiệm. Quan điểm của ông là không nên thử nghiệm ở con người những sản phẩm mới mà chưa thẩm định và kiểm nghiệm nghiêm ngặt.
Các bang của Mỹ đang noi gương của Ý, nước đã ban hàng luật cấm sản xuất thịt nuôi trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, luật này có thể đối mặt với những thách thức pháp lý trong khối Liên minh châu Âu (EU) vì Ý đã không tuân thủ các quy trình thị trường đơn nhất của EU. Quy trình này cho phép các nước thành viên và Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra ý kiến về một dự luật có thể cản trở thị trường chung châu Âu.
“Về cơ bản, một số người muốn giết công nghệ nuôi trồng protein động vật trong phòng thí nghiệm ngay từ trứng nước”, Paul Shapiro, CEO của Better Meat, một startup ở California chuyên sản xuất protein thay thế, nói.
Ông lưu ý, nhiều nước khác đang coi trọng ngành công nghiệp non trẻ này. Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển nông nghiệp 5 năm bao gồm các biện pháp thúc đẩy thịt nuôi trong phòng thí nghiệm. Năm 2020, Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) cấp phép bán thịt gà sản xuất trong phòng thí nghiệm của startup Eat Just (Mỹ).
“Những quan chức trong lĩnh vực an ninh quốc gia đang bắt đầu tự hỏi liệu có phải Mỹ đang cho phép châu Á giành ưu thế về tương lai của công nghệ thực phẩm không?”, Shapiro nói.
Ngành nông nghiệp truyền thống lo sợ sự đổi mới?
Cũng giống như ở Ý, phản ứng dữ dội của Mỹ đối với thịt nuôi trong phòng thí nghiệm liên quan đến thông điệp chính trị và chủ nghĩa bảo hộ trong nước. Các chủ trang trại chăn nuôi gia súc và nông dân đang ủng hộ mạnh mẽ dự luật cấm loại thịt này ở các bang của Mỹ.
Thịt nuôi trong phòng thí nghiệm cũng đối mặt với những hoài nghi về mức độ giống với các loại thịt thông thường. Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc cho rằng các loại thịt làm từ tế bào nuôi trong phòng thí nghiệm không thể được coi là giống hệt với thịt từ động vật nuôi truyền thống, chủ yếu là do sự khác biệt về chất lượng dinh dưỡng.
Các doanh nghiệp sản xuất thịt nuôi trong phòng thí nghiệm lập luận rằng sản phẩm của họ được cấp phép tiêu thụ sau khi trải qua quy trình giám sát chặt chẽ của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng như USDA.
Sean Edgett, giám đốc pháp lý của Upside Foods, chỉ trích dự luật cấm thịt nuôi trong phòng thí nghiệm của các bang là “thiển cận”. “Những dự luật này có động cơ rõ ràng nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp truyền thống quan trọng đối với chính quyền”, Edgett nói. Ông cho rằng nền nông nghiệp truyền thống không thể đáp ứng nhu cầu thịt toàn cầu ngày càng tăng.
Theo ước tính gần đây của The Good Food Institute, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ các loại protein thay thế, ngành công nghiệp thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm đã huy động được 896 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư trong năm 2022, nâng tổng vốn huy động của ngành lên 2,8 tỉ đô la kể từ năm 2016.
Vào năm 2022, Upside Foods huy động được 400 triệu đô la từ Temasek, Quỹ tăng trưởng Abu Dhabi, Baillie Gifford, SoftBank, tỉ phú Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, và John Doerr, chủ tịch của Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Kleiner Perkins.
Trong tháng 3, Quỹ Trái đất Bezos, một tổ chức từ thiện do tỉ phú Jeff Bezos sáng lập, cam kết tài trợ 60 triệu đô la cho nghiên cứu học thuật và phát triển các loại protein thay thế, bao gồm cả các loại thịt giả làm từ thực vật như đậu Hà Lan và đậu nành.
“Ngành công nghiệp thịt truyền thống đang lo sợ sự đổi mới, vì vậy tìm cách vận động các nhà lập pháp cấm sự đổi mới này. Điều này tương tự như việc trước đây Blockbuster, chuỗi cửa hàng cho thuê video ở Mỹ, vận động các nhà lập pháp đưa ra luật cấm phát video trực tuyến (vì lo sợ sự trỗi dậy của Netflix)”, Paul Shapiro, CEO của Better Meat, bình luận.
Theo Financial Times