Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều bất cập khi “đi chợ hộ”, đặt combo hàng hóa

Chánh Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hàng chục vấn đề phát sinh khi triển khai “đi chợ hộ”, đặt combo hàng hóa khiến nhiều người dân cũng như hệ thống phân phối bối rối, lúng túng.

Mặc dù rất nỗ lực song với nhân sự ít các siêu thị đang rất khó khăn trong việc cung cấp đơn hàng cho dân. Ảnh: Lê Vũ

Giá cao, giao lâu, không đủ hàng

Đã 4 ngày từ khi TPHCM triển khai “đi chợ hộ”, đặt combo hàng hóa cho người dân khi thành phố siết giãn cách, hàng loạt vấn đề đã phát sinh khiến người dân, lực lượng chức năng, đơn vị phân phối vất vả, chật vật.

Bà Kim Cẩm ở quận Bình Thạnh nói: “Tôi đặt hàng từ 2 ngày trước nhưng đến nay vẫn chưa nhân được hàng. Liên hệ với địa phương thì không được, nhà có nhiều thực phẩm cần thiết đã cạn mà đến giờ vẫn chưa có hàng”.

Sở Công Thương TPHCM cho biết mỗi ngày, Tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương đã tổ chức “đi chợ hộ” cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu. Mỗi ngày có hơn 70.000 đơn hàng “đi chợ hộ” được thực hiện và sẽ còn tăng trong những ngày tới.

Còn bà Thanh Phượng ở quận Gò Vấp cho biết đã đặt 7 món hàng theo combo tuy nhiên khi nhận được chỉ có 3 món hàng. Phường báo lại lạ siêu thị hết các mặt hàng nên không đủ đơn.

Bên cạnh đó, nhiều người dân cho biết họ đặt hàng combo túi an sinh nông sản 10 kg do Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Tuy nhiên, trong các ngày 26, 27-8 nhiều người truy cập vào website đặt hàng rất khó khăn. Website liên tục bị lỗi, không thể đặt được hàng, nhiều món hàng không hiển thị đầy đủ…

Ghi nhận từ nhiều người, hầu hết đều cho biết khó khăn chung của người dân khi nhờ “đi chợ hộ” là đặt hàng phải chờ lâu, giá cả nhiều hàng hóa còn cao, nhiều combo hết hàng. Bên cạnh đó các mặt hàng như tã sữa, thuốc men vẫn không có combo cung cấp cho người dân.

Về vấn đề giá bán các combo hàng hóa khá cao, Sở Công Thương TPHCM cho hay hiện nay hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân là hệ thống hiện đại, được kiểm soát giá cả và có sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng, nên việc tăng giá bất thường gần như không có. Vì vậy, việc giá các combo hàng cao là so với nhu cầu của người dân chứ không phải do tăng giá hàng hóa. Tiếp nhận phản ánh này, sở đã đề nghị các đơn vị cung ứng hàng hóa cân đối, điều chỉnh lại các combo với mức giá phù hợp theo từng nhu cầu của người dân.

Cần xem lại khâu vận chuyển, phân phối

Các siêu thị, hệ thống phân phối lương thực thực phẩm tại TPHCM ngày 27-8 cho biết hiện do quy định chỉ cho nhân viên đi làm 10% số lượng nên tại nhiều siêu thị số lượng nhân viên chỉ có khoảng chục người, không đủ để phục vụ.

Mậc dù có hỗ trợ của bộ đội, lực lượng địa phương song khâu phân phối vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: Minh Hoàng

Vì vậy việc chọn lựa, đóng gói đơn hàng rất vất vả khi không đủ nhân lực. Các siêu thị lớn chỉ có thể phục vụ tối đa 300-500 đơn hàng trong khi đó lượng đơn đặt hàng lên đến hàng ngàn.

Nhiều siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cho biết nhân sự được đi làm còn lại chỉ vài ba người kể cả bảo vệ. Nên khi nhận hàng trăm đơn hàng cùng lúc thì phải mất thời gian rất lâu để chọn lựa, đóng gói. Nhiều phường rất đông dân, không có siêu thị lớn, chỉ có các cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ thì áp lực để hoàn thành đơn hàng rất lớn.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM thì trong 2 ngày đầu thực hiện siết giãn cách đã có gần 140.000 hộ dân đăng ký đi chợ hộ, trong tổng số gần 2,2 triệu hộ dân của thành phố – tương ứng tỷ lệ gần 7%. Tuy nhiên hiện tỷ lệ đáp ứng nhu cầu chỉ đang ở mức 20%, tức là cứ 5 hộ dân có nhu cầu thì có 1 hộ dân đã được nhận hàng.

Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là khâu phân phối đến tay người dân đang gặp nhiều khó khăn, lượng thực phẩm tiêu thụ từ ngày 23-8 đến nay bị sụt giảm rõ rệt, chưa bằng 1/10 nguồn cung có thể đáp ứng.

Theo dự báo từ Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, nhu cầu rau xanh và thịt cá tươi tại TPHCM cuối tuần này sẽ tăng mạnh do một phần người dân dần hết lượng thực phẩm đã dự trữ từ trước. Áp lực lên khâu phân phối hàng với lực lượng hỗ trợ sẽ ngày càng lớn. Vì vậy cần những cách tổ chức cung ứng hàng chủ động, linh hoạt hơn từ phía chính quyền để việc cung ứng hàng thiết yếu đến dân không bị đứt gãy.

Đại diện Grab ngày 27-8 đã đề xuất với UBND TPHCM để cung cấp hạ tầng ứng dụng, làm trung gian hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho gần 2 triệu người dân ở những quận, huyện nguy cơ cao và rất cao về dịch bệnh. Grab hỗ trợ miễn phí để tạo tài khoản cho các nhà cung ứng và lực lượng đi chợ hộ. Người dân đặt hàng qua ứng dụng có thể không dùng tiền mặt và người giao là lực lượng của chính quyền. Điều này có thể giúp tiết giảm đáng kể khâu tổng hợp thông tin trung gian, nhất là với các phường vẫn còn tổ chức đăng ký đi chợ hộ bằng giấy tay.

Đại diện Saigon Co.op cho hay để đảm bảo nguồn cung hàng hóa Saigon Co.op đang cố gắng tăng cường tìm kiếm, kiểm soát chất lượng các nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo đủ cung cấp cho người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt hàng hóa. Bên cạnh đó chia nhỏ các kho trung chuyển hàng thực phẩm tươi sống về các siêu thị, đơn vị trực thuộc nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy đường đi của hàng hóa khi có phát sinh lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình hoạt động.

Khó có thể “bom hàng”

Về thông tin “bom hàng” trên mạng xã hội lan truyền, nhiều người dân cho biết rất khó có khả năng xảy ra. Anh Minh Huy ở quận 3 nói: “Ở phường tôi, sau khi ghi vào giấy đặt hàng và trao lại cho lực lượng nhận đơn thì phải đặt cọc kèm 1 triệu đồng. Sau khi giao hàng thì dư, thiếu sẽ tính lại sau nên người dân không thể “bom hàng” được”.

Nhiều người dân phải chờ rất lâu hàng hóa mới đến tay. Ảnh: Lê Vũ

Còn chị Thanh Lan ở quận 8 cho biết khi đặt hàng “đi chợ hộ” thì phường yêu cầu phải chuyển khoản trước sau đó 2 ngày mới nhận hàng. Các chi phí phát sinh sẽ tính sau, tuy nhiên lúc đặt mua đều phải chuyển khoản trước nên khó mà “bom hàng” được.

Ghi nhận thêm ở các phường tại TPHCM, được biết đa phần các địa phương đều triển khai cho người dân đặt hàng trước qua Zalo, đường link Google Docs, Google Drive và nhận chuyển khoản hoặc đặt cọc trước. Lực lượng bộ đội, dân phòng chỉ có nhiệm vụ đi lấy và giao hàng hóa theo đơn hàng mà phường đã tổng hợp. Do vậy việc “bom hàng” là rất khó xảy ra.

Tuy nhiên, ghi nhận từ bạn đọc cho thấy một vài nơi ở TPHCM nhận đơn hàng của người dân xong tự đi mua sau đó mới giao đến người dân và lấy tiền thanh toán. Phương án này có thể phát sinh một số rủi ro như sau khi người dân nhận hàng không đồng ý với chất lượng hàng nên có thể không thanh toán. Hoặc người dân từ chối chuyển khoản vì lý do nào đó thì số hàng hóa đã mua sẵn sẽ phải bỏ.

3 cách để người dân TPHCM đặt mua túi combo nông sản 10kg giá 100.000 đồng:

Cách 1: Đặt hàng qua trang web: https://htx.cooplink.com.vn/home

Bước 1: Vào trang web https://htx.cooplink.com.vn/home lướt xem hết tất cả combo của các tỉnh chào hàng và chọn combo khách hàng đồng ý mua.

Bước 2: Bấm vào biểu tượng “chiếc xe đẩy” (đặt hàng), nhấn vào “THANH TOÁN”.

Cách 2: Đặt hàng qua Zalo hotline số 0355 113 118

Bước 1: Xem các túi combo nông sản tại: https://htx.cooplink.com.vn/product

Bước 2: Lựa chọn các túi combo phù hợp.

Bước 3: Nhắn zalo đến số Hotline 0355 113 118 với cú pháp: tên người đặt hàng, địa chỉ (số nhà, phường, quận, thành phố), số điện thoại, mã combo 1 (số lượng), mã combo 2 (số lượng). Sau đó sẽ có nhân viên gọi xác nhận và hướng dẫn nhận hàng.

Cách 3: Đặt hàng qua số điện thoại các kho hàng gần nhất của khách hàng.

2 BÌNH LUẬN

  1. Đơn hàng sẽ tăng đột biến từ 2-9, khi hàng dự trữ trước giãn cách vơi dần; với số lượng bộ đội đã được điều hỗ trợ TPHCM không thể nào đáp ứng được nhu cầu đi chợ của khoảng 3 triệu hộ. Bộ đội chủ yếu là thanh niên 18-22 tuổi, ít khi đi chợ, sẽ rất lóng ngóng trong việc chọn, mua hàng; phải cần thêm lực lượng dẫn đường vì bộ đội không thông thuộc địa bàn; việc vận chuyển, đóng gói, giao hàng cần nhiều nhân lực và xe tải, xe máy, xe kéo, thùng đựng, dây ràng…
    Giao hàng không chỉ cần tấm lòng mà cần cả kỹ năng mới đạt hiệu quả cao; chi phí bù vào hàng không người nhận, hàng bị mất, hư hỏng, chi phí vận chuyển, bao bì cũng rất lớn và phải đáp ứng ngay thì việc giao hàng mới thuận lợi.
    Bộ đội, đoàn thể, dân phòng chỉ nên tập trung giao hàng hỗ trợ cho người nghèo, người già, cô đơn, khu vực phong tỏa, khu trọ công nhân, khu ổ chuột, còn các đối tượng khác nên để đội ngũ chuyên nghiệp làm sẽ tốt hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới