(KTSG Online) - Doanh nghiệp tham gia thử nghiệm kinh tế tuần hoàn sẽ được hỗ trợ nhiều ưu đãi như thuê chuyên gia, chuyển đổi số, đào tạo nhân sự và đặc biệt là phát hành trái phiếu xanh.
- Bản chất kinh tế tuần hoàn và những thách thức khi áp dụng ở Việt Nam
- IRRI hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa gạo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo dự thảo nghị định, khi doanh nghiệp tham gia vào cơ chế thử nghiệm sẽ nhận được những hỗ trợ như chi phí thuê chuyên gia, tổ chức thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ chi phí cho nhân sự khi tham gia các khóa học liên quan. Trong đó, thông tin đáng chú ý là doanh nghiệp có thể được phát hành trái phiếu xanh.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong thời gian qua, dù đã đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội nhưng Việt Nam đang phải đối diện với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hoá….
Do đó, việc xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn - nhằm tạo lập khung thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng. Theo dự thảo nghị định này thì cơ chế thử nghiệm áp dụng cho các lĩnh vực là nông lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã có mô hình kinh tế tuần hoàn từ nhiều thập niên trước, điển hình là mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) hay vườn-ao-chuồng-rừng (VACR)... Tuy nhiên, các mô hình này ở quy mô nhỏ, nên chưa ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn những bất cập trong phát triển kinh tế tuần hoàn vì khuôn khổ thể chế cho kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện, nhận thức về kinh tế tuần hoàn và chuyển qua mô hình này còn hạn chế, nguồn nhân lực để chuyển sang mô hình này còn yếu.
Vì thế, trong cơ chế thử nghiệm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những chính sách cụ thể cho khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh, chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai cho các doanh nghiệp khi thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Các doanh nghiệp có các dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể hoặc đề xuất dự án kinh tế tuần hoàn thuộc các lĩnh vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng có thể làm hồ sơ để nhận hỗ trợ từ chính phủ.