(KTSG Online) - Liên quan đến việc khắc phục tình trạng sạt lở ven kênh Đốc Phủ Hiền (Đồng Tháp), đến trưa hôm nay, lực lượng chức năng đang khắc phục tiếp khoảng 80m đường giao thông ven kênh. Trong tháng vừa qua, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Quảng Nam, Bến Tre, Tiền Giang cũng xảy ra tình trạng sạt lở do thời tiết và triều cường, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt người dân, ước tính thiệt hại hàng tỉ đồng.
- Mưa lớn gây sạt lở 175 mét bờ biển tỉnh Bình Định
- Nam Bộ sẽ có đợt triều cường cao, tăng nguy cơ xâm nhập mặn
TTXVN thông tin, theo UBND thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), ngày 1-4, tuyến đường ven kênh Đốc Phủ Hiền xảy ra sạt lở, gây ảnh hưởng đến 11 hộ dân. Ước tính thiệt hại khoảng 570 triệu đồng.
Địa phương đang bố trí nơi ở mới cho các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở kênh gây ra; gia cố tạm thời đoạn đường, hạn chế tiếp tục sạt lở; lên phương án cho việc thiết kế và xây dựng đoạn đường; đồng thời, gửi báo cáo đến tỉnh để có phương án đầu tư kinh phí xây kè.
Nhiều tỉnh thành khác cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của thời tiết và triều cường như ở tỉnh Trà Vinh, tháng vừa qua, UBND tỉnh cũng đã công bố tình huống khẩn cấp đối với sự cố sạt lở bờ biển khu vực Cồn Nhàn (ấp Đông Thành và ấp Hồ Thùng).
Trước mắt, đơn vị chức năng thực hiện một số giải pháp như cắm biển cảnh báo, thông báo đến người dân tránh những điểm nguy hiểm, di dời người dân đến nơi an toàn, đồng thời, theo dõi diễn biến sạt lở, chuẩn bị phương tiện ứng phó khi có tình huống xảy ra, đề xuất giải pháp đến tỉnh về khắc phục sự cố.
Theo TTXVN, những tháng cuối năm 2022 đến nay, triều cường và sóng lớn gây sạt lở bờ biển, làm ngập 11 nhà người dân tỉnh Trà Vinh, có nhà hư hại hoàn toàn, ảnh hưởng hơn 100 hộ dân, làm hư hại hơn 6 héc-ta diện tích hoa màu đang đến mùa thu hoạch. Ước tính tổng giá trị thiệt hại là hơn 2 tỉ đồng.
Ở tỉnh Tiền Giang, những điểm sạt lở bờ sông, rạch vùng đầu nguồn sông Tiền đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân khi thời điểm này trùng với nước lũ tràn về.
Chẳng hạn, đầu tháng 3 vừa qua, một đoạn bờ đông của sông Trà Lọt dài gần 50m bị sạt lở toàn bộ làm nhấn chìm đất đai, hoa màu và cắt đứt tuyến đường dân sinh ấp Hòa Quí (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Khu vực này đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
TTXVN cho biết, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè thông tin, địa phương đang có 62 điểm sạt lở lớn, nhỏ với chiều dài hơn 2.000 m. Ước tính kinh phí khắc phục là hơn 27,7 tỉ đồng.
Hồi đầu tháng 3, tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án nâng cấp, gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại) để khắc phục tình trạng sạt lở kéo dài nhiều năm ở khu vực này.
Trong đó, quy mô của dự án gồm xây dựng tuyến đê bao với tổng chiều dài khoảng 20,7km, trong đó, gia cố mái phía sông là 7,33km. Thời gian thực hiện kéo dài đến năm 2024. Tổng vốn đầu tư là hơn 325,6 tỉ đồng.
Đến nay, nhiều điểm tại địa bàn hay xảy ra sạt lở như sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày; sạt lở khu vực các cồn Tam Hiệp (huyện Bình Đại), Phú Đa (huyện Chợ Lách), Thành Long (huyện Mỏ Cày Nam)...
Ở tỉnh Quảng Nam, sóng biển gây sạt lở nhiều đoạn bờ biển của thành phố Hội An, khu vực phường Cẩm An bị cuốn trôi ra biển. Người dân thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn sạt lở tạm thời, trong đó có việc dùng hàng ngàn khối bê tông xếp cao trước sân.
Tỉnh cũng đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục chuẩn bị các thủ tục để đầu tư xây dựng thêm đoạn kè dài khoảng hơn 500m, nối từ điểm cuối của đoạn đê ngầm và tạo đãi đã thi công hoàn thiện vào năm 2022. Dự kiến, khi hồ sơ hoàn thiện vào giữa năm 2023 và dự án sẽ được triển khai.
Còn tỉnh Thanh Hóa, tuyến kè chắn sóng của khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) dài hơn 3km đang hư hỏng tại nhiều vị trí. Các điểm hư hỏng, xuống cấp chủ yếu liên quan đến phần mái lát.
UBND huyện Hoằng Hóa đã đầu tư 10 tỉ đồng để thực hiện dự án cải tạo tuyến đường, tạo điều kiện hình thành tuyến phố du lịch, phố đi bộ dọc bờ biển. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong tháng 4 để tạo điều kiện phát triển du lịch trong mùa hè năm nay. Trước đó, tuyến kè này đã được nâng cấp vào năm 2018 với kinh phí là hơn 143 tỉ đồng.