Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều địa phương thiệt hại hàng tỉ đồng do sạt lở bờ sông, kênh rạch

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong những ngày đầu tháng 6, một số địa phương như Hậu Giang, An Giang, Long An, Sóc Trăng tiếp tục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ kênh. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do biên độ triều cao, có những đợt mưa kết hợp tác động của dòng chảy, các phương tiện giao thông thủy đã gây sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch.

Tình trạng sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ảnh minh họa: angiang.gov.vn

Theo TTXVN, chỉ trong 3 ngày là từ ngày 5 đến sáng 8-6, địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 11 vụ sạt lở, chủ yếu ở huyện Châu Thành và Châu Thành A. Gần đây nhất, vào sáng 8-6, tại thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành) xảy ra vụ sạt lở với chiều dài 17 m, sâu vào bờ 6 m, làm sụp 1 căn nhà của người dân.

Nguyên nhân sạt lở được xác định là do ảnh hưởng dòng chảy. Các vụ sạt lở làm mất 1.785 m2 diện tích đất. Ước tính thiệt hại là trên 1 tỉ đồng.

Cũng theo TTXVN, Văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian tới, tốc độ dòng chảy các sông mạnh hơn, mưa đầu mùa với lượng tương đối lớn dễ dẫn đến khả năng sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Tính chung từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 39 điểm sạt lở với chiều dài 902 m; diện tích đất bị xâm lấn hơn 5.000 m2. Ước tính thiệt hại hơn 2,9 tỉ đồng.

Chỉ trong những ngày đầu tháng 6, nhiều khu vực tái diễn tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Chẳng hạn, ở An Giang, sáng 7-6, tuyến bờ sông Hậu, đoạn ngay tại kho gạo của Công ty Đồng Lợi 2, thành phố Long Xuyên) xảy ra sạt lở đất. Cùng ngày, đê kênh rạch TT-TS, thuộc dự án VnSAT tiểu cùng Bình Lợi, huyện Tri Tôn cũng xảy ra sạt lở taluy chân đê làm ảnh hưởng đến lưu thông giao thông.

Trước đó, ngày 5-6, trên tuyến đê bờ đông của kênh Cái Hố, huyện Chợ Mới cũng xảy ra hiện tượng rạn nứt mặt đê. Đoạn nứt có tổng chiều dài khoảng 40 m, ăn sâu vào mặt đê 2,5 m. Ngoài ra, tuyến đê bờ tây kênh Đồng Tân xảy ra sụt lún đất và rạn nứt phía chân đê.

Nguyên nhân bước đầu được cho là do biên độ triều cao và có những đợt mưa kết hợp tác động của dòng chảy, các phương tiện giao thông thủy đã gây sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch.

Ở Long An, đến nay, Văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có đề xuất cho cơ quan có thẩm quyền kiến nghị đến bộ, ngành xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách khoảng 1.400 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2025. Theo đó, Long An sẽ thực hiện dự án phòng, chống sạt lở cấp bách như xây kè sông Bảo Định (đoạn từ đường Võ Văn Môn đến Ranh Tiền Giang); kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây; kè bờ kênh Dương Văn Dương…

Ngoài ra, ở tỉnh Sóc Trăng, vụ sạt lở tại tuyến Rạch Mọp, huyện Long Phú hồi đầu tháng 6 cũng gây thiệt hại hơn 250 triệu đồng. Nếu tính từ đầu tháng 4 đến nay thì đây là vụ sạt lở thứ 4 tại Rạch Mọp. Tổng chiều dài sạt lở là gần 250 m, chiều ngang ăn sâu vào đất liền hơn đến 25 m. Ước tính thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới