(KTSG Online) - Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong thời gian gần đây, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết và sởi trên địa bàn đều đang tăng nhanh.
- Bạch hầu, sốt xuất huyết xuất hiện tại nhiều địa phương
- TPHCM tăng tốc tiêm chủng, số ca mắc sởi chững lại
TTXVN đưa tin, về dịch bệnh tay chân miệng, chỉ tính từ ngày 16 đến 22-9, TPHCM ghi nhận 371 trường hợp mắc bệnh, tăng 26,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tính từ đầu năm đến ngày 22-9 là hơn 11.800 ca. Những quận, huyện có số ca mắc cao là huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8.
Theo ngành y tế, tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Số ca mắc bệnh thường tăng cao vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11.
Ngành y tế TPHCM khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…
Về dịch sốt xuất huyết, trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận 328 trường hợp mắc bệnh, tăng 8,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm 2024 đến ngày 22-9 là gần 7.340 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao gồm quận 1, thành phố Thủ Đức và quận 7.
Theo kết quả giám sát dịch tễ, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết. Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như chống muỗi bằng việc dọn dẹp vệ sinh môi trường sống.
Còn với dịch sởi, địa phương ghi nhận 96 ca sởi, tăng 13,6% so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm đến ngày 22-9, tổng số ca sởi là 743 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Theo đó, để phòng bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo, người dân đưa trẻ đi tiêm đủ 2 mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.
Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh sau mưa lũ
Sau cơn bão số 3 đến nay, thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều khu vực đang trong tình trạng ngập lụt. Theo các chuyên gia, những nơi nước ngập kéo dài, tù đọng, ô nhiễm... là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
TTXVN đưa tin, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, chỉ tính từ ngày 13 đến 19-9, thành phố ghi nhận thêm 285 ca mắc sốt xuất huyết. Hiện nay, có 30 quận, huyện, thị xã đều có ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết.
Các bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp nước lũ vẫn đang dâng cao, người dân nên ngủ trong màn để phòng muỗi đốt. Mỗi gia đình nên trang bị bình xịt côn trùng, dung dịch khử khuẩn. Khi nước lũ đã rút, việc cần làm đầu tiên chính là vệ sinh nhà cửa. Bên cạnh đó, người dân nên loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng.