Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều diện tích cà phê ở Gia Lai bị cháy khô, thiệt hại hàng tỉ đồng

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tình trạng khô hạn kéo dài tại tỉnh Gia Lai khiến nhiều diện tích cà phê bị cháy khô, thậm chí có nguy cơ chết cả vườn cây, gây thiệt hại đến kinh tế của người dân. Một số vùng khác của Tây Nguyên cũng có nguy cơ tương tự, nhiều hồ thủy lợi chạm mực nước chết.

Nhiều diện tích cà phê khác có khả năng bị héo, khô lá do khô hạn. Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 10-4, ước tính thiệt hại trong sản xuất do hạn hán, thiếu nước gây ra trên địa bàn là gần 9 tỉ đồng. Chẳng hạn như tại xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, diện tích cà phê bị cháy khô đang xảy ra trên diện rộng. Địa bàn có hơn 14 hecta đất trồng cà phê bị cháy, mức độ thiệt hại từ 30-50%. Giá trị ước tính thiệt hại là hàng trăm triệu đồng.

Những tỉnh lân cận cũng xảy ra tình trạng thiếu nước cho cây trồng. TTXVN dẫn thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, tính đến giữa tháng 4-2024, mực nước các hồ trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với mực nước dâng bình thường từ 8,79-23,5%. Một số hồ chứa nhỏ chỉ còn phần dung tích chết. Mực nước trên các sông cũng giảm so với trung bình nhiều năm từ 20 - 60%. Tình trạng trên làm ảnh hưởng đến gần 40 hecta cây trồng cà phê ở huyện Đăk Hà. Nếu thời tiết tiếp tục có nắng nóng, khô hạn trong khoảng gần một tháng nữa, nhiều diện tích cà phê khác có khả năng bị héo, khô lá, ảnh hưởng đến năng suất của vụ sau.

Nắng nóng kéo dài đã khiến nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt khan hiếm, nhiều công trình thủy lợi ở Tây Nguyên cạn nguồn nước. Theo Cục Thủy lợi, trên địa bàn có hơn 10.600 hecta đất bị ảnh hưởng, chủ yếu là diện tích ngoài các hệ thống công trình thủy lợi. Riêng tại Đắk Lắk, đã có hơn 2.000 hecta cây trồng trên địa bàn bị thiếu nước cùng hàng trăm hộ dân ảnh hưởng sinh hoạt do hạn hán kéo dài.

Không chỉ ở Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long dù đã bước vào nửa cuối của mùa khô nhưng vẫn còn nguy cơ thiệt hại kinh tế do hạn hán, xâm nhập mặn. Dự báo hạn mặn có thể kéo dài đến tháng 5, nhiều địa phương tiếp tục lên kế hoạch đảm bảo sản xuất trước tình trạng khô hạn vẫn còn xảy ra.

Trên cơ sở khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong vùng lên lịch thời vụ sao cho né được khô hạn, đủ thời gian cách ly 2 vụ để tránh các bệnh hay xảy ra như rầy nâu cũng như hạn chế thiệt hại do mưa dông cuối vụ. Chẳng hạn như ngành nông nghiệp tỉnh An Giang khuyến cáo nông dân xuống giống vụ hè thu 2024 với 3 đợt và kéo dài đến ngày 10-5.

Về tình hình hạn hán ở Nam Trung bộ, hiện dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 64% dung tích thiết kế. Hiện trong vùng có 102/534 hồ chứa có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế; trong đó 29 hồ nhỏ dưới mực nước chết. Tại khu vực Đông Nam bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 54% dung tích thiết kế. Hiện nay trong khu vực có 8 hồ nhỏ dưới mực nước chết, gồm Bà Rịa Vũng Tàu (1 hồ), Bình Phước (2 hồ), Đồng Nai (5 hồ).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới