Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều doanh nghiệp phi tài chính bị lỗ vì đầu tư chứng khoán

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán “lao dốc” khiến kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh chuyển từ lãi thành lỗ.

Đầu tư chứng khoán là một phương án được nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, xây dựng (doanh nghiệp phi tài chính – PV) lựa chọn với mục đích tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn 2020-2021, khi hoạt động sản xuất – kinh doanh bị đình trệ do dịch bệnh. Nửa đầu năm 2022, thị trường xuất hiện nhiều biến động do các chính sách điều chỉnh tỷ giá, lãi suất, khiến nhiều cổ phiếu giảm giá, qua đó ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của một số doanh nghiệp.

Giá nhiều cổ phiếu sụt giảm đã ảnh hưởng tới lợi nhuận 6 tháng đầu năm của một số doanh nghiệp phi tài chính.Ảnh minh họa: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Thái (mã chứng khoán: KKC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quí 2-2022 âm 22,55 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ dương 3,8 tỉ đồng, theo thông tin trên báo cáo tài chính quí 2.

Nguyên nhân chính dẫn tới kết quả thua lỗ, theo giải trình của doanh nghiệp, là chi phí tài chính tăng cao do ghi nhận lỗ từ các khoản đầu tư chứng khoán.

Cụ thể, chi phí tài chính của doanh nghiệp ở mức 28,9 tỉ đồng tính tới 30-6-2022, gồm: 26,35 tỉ đồng chi phí liên quan đến hoạt động đầu tư mua bán chứng khoán; 2,55 tỉ đồng chi phí lãi vay. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp chỉ ghi nhận hơn 230,1 triệu đồng chi phí tài chính.

Hiện Thành Thái đầu tư vào hai cổ phiếu chính là VIC và VHM với tổng giá trị đầu tư gần 120,96 tỉ đồng, nhưng phải dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tới 27,7 tỉ đồng tính tới 30-6 do giá của hai cổ phiếu này lần lượt giảm 22,71% và 22,06% trong 6 tháng đầu năm.

Tương tự, Công ty cổ phần Licogi 14 (mã chứng khoán: L14) ghi nhận lợi nhuận sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm âm 346,3 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ dương 22,86 tỉ đồng.

Nguyên nhân chính là doanh nghiệp phải dự phòng giảm giá các khoản đầu tư (chứng khoán kinh doanh) với giá trị 379,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước không phải trích lập khoản này. Giá trị trích lập dự phòng tăng mạnh khiến chi phí tài chính của Ligcogi 14 tăng lên mức 418,5 tỉ đồng tính tới 30-6-2022, tăng 206% so với cùng giai đoạn năm trước.

Trước đó, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, Licogi 14 ghi nhận khoản mục chứng khoán kinh doanh là 486 tỉ đồng, gồm 298 tỉ đồng đầu tư vào cổ phiếu CEO; 188 tỉ đồng đầu tư vào cổ phiếu DIG. Tuy nhiên, giá của cổ phiếu này giảm 63% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán: NDN) cũng ghi nhận lợi nhuận âm 114 tỉ đồng trong quí 2, qua đó kéo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 xuống mức âm 90,8 tỉ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm trước ghi nhận lợi nhuận dương 132,9 tỉ đồng.

Lý giải điều này, doanh nghiệp cho biết thị trường chứng khoán biến động tiêu cực khiến hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả.

Cụ thể, lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2022 của Nhà Đà Nẵng chỉ ở mức 14,2 tỉ đồng, giảm 80,4% so với cùng giai đoạn năm trước. Điều này khiến doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn 70%.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản lỗ đầu tư chứng khoán ở mức 53,2 tỉ đồng và dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh ở mức 83,9 tỉ đồng sau 6 tháng đầu năm 2022, lần lượt tăng 285% và 434% so với cùng giai đoạn năm trước. Điều này khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên mức 121,4 tỉ đồng, tăng 333%.

Danh mục đầu tư của Nhà Đà Nẵng tập trung ở hai cổ phiếu là SHB và TCB với giá trị đầu tư lần lượt giảm 37% và 31% so với thời điểm mua vào.

Không ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ như ba doanh nghiệp trên, nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã chứng khoán: TLH) phải trích lập dự phòng 61,4 tỉ đồng với khoản đầu tư cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư 21,2 tỉ đồng vào cổ phiếu VIX (Công ty cổ phần Chứng khoán VIX) và trích lập dự phòng 12,8 tỉ đồng; đầu tư 23,5 tỉ đồng vào cổ phiếu SHB (Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội) và trích lập dự phòng 9,96 tỉ đồng; đầu tư 18,2 tỉ đồng vào cổ phiếu IJC (Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật) và trích lập dự phòng 7,7 tỉ đồng; đầu tư 85,4 tỉ đồng vào các cổ phiếu khác và trích lập dự phòng 31,1 tỉ đồng.

Trước đó, danh mục đầu tư chứng khoán của Thép Tiến Lên là 96,7 tỉ đồng tính tới cuối năm 2021, nhưng chỉ trích lập dự phòng 3,9 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã giữ nguyên giá trị đầu tư cổ phiếu SHB, tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu VIX, IJC, các cổ phiếu khác và phải tăng trích lập dự phòng do giá cổ phiếu liên tục sụt giảm.

Về rủi ro với thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2022, Công ty chứng khoán Dầu khí dự báo rủi ro đến từ thị trường thế giới với những lo ngại đến từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, lệnh phong tỏa ở Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng và “bóng ma” đình lạm (Stagflation) – một trạng thái kinh tế hiếm hoi với sự kết hợp giữa cả lạm phát cao, thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp đang đe dọa đến 2 khu vực kinh tế trụ cột của thế giới là Mỹ và EU sẽ khiến thị trường chứng khoán có những phiên giảm điểm mạnh.

Còn Công ty chứng khoán VNDirect lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách tiền tệ hơn nữa có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường ở cả các thị trường phát triển và mới nổi, bao gồm Việt Nam.

Ngoài ra, lạm phát trong nước tăng cao hơn dự kiến sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên siết chặt hơn, qua đó hạn chế dòng vốn đầu tư vào các thị trường tài sản như chứng khoán.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới