(KTSG Online) - Chính quyền TPHCM đặt mục tiêu sẽ có 93.000 căn nhà ở xã hội (NƠXH) trong 10 năm tới tạo nên động lực lớn cho nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, để chương trình này được triển khai tối ưu, giải tỏa đúng nhu cầu nhà ở của người dân thì vẫn còn nhiều yếu tố cần được cải thiện.
Cuối năm ngoái, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ với cử tri về kế hoạch đầu tiên của thành phố cần làm ngay sau khi kiểm soát được dịch là xây NƠXH. Tinh thần này đang được lan tỏa nhanh chóng khi chương trình phát triển nhà ở cho thành phố đã được thông qua trong kỳ họp Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM khóa X diễn ra trong tuần vừa qua.
Điều này cho thấy TPHCM đang dồn lực để phát triển NƠXH lẫn nhà ở thương mại vừa túi tiền nhằm ổn định hình thái kinh tế xã hội sau hai năm chịu tác động nặng nề của đại dịch. Những con số tích cực đầu tiên đã được công bố là sẽ có 93.000 căn NƠXH trong 10 năm tới và nguồn vốn ngân sách cho lĩnh vực này là 12.410 tỉ đồng.
Tín hiệu tích cực để cải thiện nguồn cung
Cuộc đua phát triển phân khúc NƠXH đang dần sôi động hơn khi có nhiều chính sách ưu đãi lẫn nới lỏng thủ tục cho loại hình nhà ở cho người có thu nhập thấp. Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030 đã được HĐND TPHCM thông qua với nhiều thay đổi tích cực trong chính sách phát triển. Bên cạnh gỡ nút thắt về quỹ đất thì việc nghiên cứu rút ngắn quy trình thủ tục đầu tư được xem yếu tố quan trọng cải thiện nguồn cung trong thời gian tới.
Thông điệp tích cực từ Chương trình phát triển nhà ở của TPHCM cũng là động lực cho các doanh nghiệp bước vào cuộc đua nhà ở vừa túi tiền bởi thủ tục làm dự án dần cởi mở hơn. Từ đầu năm 2022 đến nay liên tiếp các kế hoạch phát triển nhà ở vừa túi tiền hay NƠXH được các doanh nghiệp lớn công bố.
Tại đại hội cổ đông mới đây, Tập đoàn Vingroup chia sẻ kế hoạch tung ra thị trường khoảng 500.000 căn NƠXH mang thương hiệu Happy Home trên toàn quốc với giá bán mỗi căn hộ từ 300 – 950 triệu đồng. Lãnh đạo tập đoàn này cũng đưa ra thời hạn để thực hiện số lượng căn hộ này chỉ trong vòng 5 năm tới.
Trước đó, ba doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Hưng Thịnh, Đồng Tâm và gỗ Trường Thành đã bắt tay nhau đưa ra thị trường hàng triệu căn nhà giá vừa túi tiền tại TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Giá nhà mà các doanh nghiệp này thực hiện có thể khoảng 20 triệu đồng/m2, thậm chí rẻ hơn nữa nếu được hỗ trợ về chính sách.
Động lực chính khiến nhiều chủ đầu tư quay trở lại với phân khúc nhà ở này đến từ Nghị định 49/2021 của Chính phủ, trong đó bổ sung một số chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia. Đặc biệt, chủ đầu tư dự án xây NƠXH được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê.
“Không phải trả tiền đất và được xây không hạn chế số lượng các căn nhỏ nên giá bán chắc chắn sẽ nằm trong khoảng chúng tôi đã đưa ra và hoàn toàn phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp”, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết.
Một lý do khác thúc đẩy chủ đầu tư đổ dồn về phân khúc NƠXH là khả năng tiếp cận nguồn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đang có chủ trương siết lại tín dụng đối với các phân khúc cao cấp vì phát triển quá nóng thời gian qua nhưng những dự án hướng đến nhu cầu thực vẫn có cơ hội tiếp cận tín dụng hay gói hỗ trợ lãi suất thấp. NƠXH có thể là kênh để nhiều chủ đầu tư duy trì được dòng tiền trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cần gì để hiện thực hóa các con số chỉ tiêu?
Chương trình nhà ở, nhất là NƠXH vẫn thường bị tác động bởi những yếu tố thị trường. Vì vậy, để các chương trình này thực hiện đúng với mục tiêu là giải quyết nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội thì không những cần cải thiện nhiều về thủ tục, quỹ đất mà cần một cơ chế giám sát tối ưu. Việc nhìn lại các bài học phát triển trước đây cùng những biến động giá hiện nay có thể là những kinh nghiệm tốt để các nhà quản lý cấp chiến lược đưa ra những cơ chế giám sát hợp lý.
Chủ trương NƠXH điều tiết từ quỹ nhà - đất của dự án nhà ở thương mại tại TPHCM hình thành rất sớm. Gần 20 năm trước, thông qua chương trình “nhà ở dành cho người thu nhập thấp” với chỉ thị 07/2003 yêu cầu “Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đều phải dành từ 10% quỹ đất xây dựng nhà ở hoặc 20% quỹ nhà bán theo nguyên tắc bảo toàn vốn (có kiểm toán) cho Nhà nước…”.
Tiếp đó Nghị định 188/2013 quy định, các dự án nhà ở thương mại có diện tích đất từ 10 hecta trở lên dành diện tích tối thiểu 20% làm NƠXH; chủ đầu tư các dự án BT, BOT có làm dự án nhà ở thương mại cũng phải thực hiện, nếu bàn giao quỹ đất NƠXH cho chính quyền thì được hoàn trả chi phí bồi thường, xây dựng hạ tầng... Tuy nhiên trong khi nhà ở thương mại tăng tưởng với tốc độ lớn thì NƠXH vẫn chưa tương xứng.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, năm 2015-2019, có 125.000 sản phẩm nhà ở thương mại mở bán. Đối với NƠXH, giai đoạn 2016-2020, có 15.177 căn hộ được xây, chỉ đạt 75,89% so với kế hoạch.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để có giải pháp tổng thể về NƠXH, HĐND TPHCM nên xây dựng một nghị quyết về giám sát NƠXH, tập trung vào hạn chế để tìm ra những vấn đề mấu chốt cần tháo gỡ.
Gần đây, kỳ họp HĐND đã thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến chương trình nhà ở, trong đó nghị quyết về giám sát việc thực hiện NƠXH đang tạo nên kỳ vọng lớn. Sự giám sát hiệu quả sẽ thúc đẩy nguồn cung NƠXH tăng trưởng đúng với chỉ tiêu và tạo cơ hội sở hữu nhà cho những người có thu nhập thấp.