(KTSG Online) - Tổ công tác số 5 của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công vừa có văn bản đề nghị các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ thưc hiện. Kết quả kiểm tra cho thấy còn nhiều dự án đầu tư công chưa được giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá thấp, dưới 5% kế hoạch vốn.
- TPHCM phê bình 25 đơn vị có mức giải ngân đầu tư công thấp
- Thành lập 5 tổ công tác để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các địa phương siết chặt kỷ luật, đúng nguyên tắc và tiêu chí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện rà soát, phân bổ đủ kế hoạch vốn đúng quy định.
TTXVN đưa tin, trên cơ sở báo cáo về tình hình thực hiện vốn đầu tư công năm 2023 của các địa phương và tổng hợp những vướng mắc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác số 5, đã ký công văn số 3781/BTC-ĐT ngày 18-4 gửi các địa phương chỉ đạo triển khai các giải pháp.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các địa phương rà soát những dự án đã được giao kế hoạch không có khả năng giải ngân, phân bổ chi tiết hết số vốn kế hoạch năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các dự án để không ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn.
Đối với cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu đẩy mạnh việc thanh toán nhanh qua cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian giải ngân vốn cho đơn vị thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị.
Các kho bạc thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” theo quy định.
Mặt khác, các khoản chi tạm ứng vốn hoặc thực hiện theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” đảm bảo thời hạn kiểm soát, thanh toán tại Kho bạc Nhà nước là trong vòng một ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Theo kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng chính phủ giao tại Tổ công tác số 5, hiện ba tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023. Kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng chính phủ giao cho bốn địa phương là 31,4 ngàn tỉ đồng.
Về tình hình giải ngân tính đến ngày 31-3, tỉnh Đắk Nông đạt 12,07%, ước 4 tháng đạt 18,6%, tỉnh Gia Lai đạt 4,36%, ước bốn tháng đạt 13,8%, tỉnh Đồng Nai đạt 8,95%, ước 4 tháng đạt 12,6%, tỉnh Bình Dương đạt 9,37%, ước 4 tháng đạt 14,64%.
Ngoài ra, các địa phương này đều có nhiều dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2023) như tỉnh Đắk Nông 36 dự án, tỉnh Gia Lai 21 dự án, tỉnh Đồng Nai 9 dự án, tỉnh Bình Dương 21 dự án.
TTXVN cho biết, theo báo cáo của các địa phương, có một số nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn chưa cao liên quan đến khó khăn về cơ chế, chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước; vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, dự án mới phê duyệt đầu tư vào cuối năm 2022, được giao vốn kế hoạch năm 2023, các chủ đầu tư đang thực hiện các bước phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu, lập phương án giải phóng mặt bằng nên chưa giải ngân được vốn kế hoạch năm 2023.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nguyên nhân không chỉ như các địa phương đã chỉ ra. Qua kiểm tra phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 của Bộ Tài chính cho thấy, chậm giải ngân vốn đầu tư công còn ở khâu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật đầu tư công, Quyết định giao vốn kế hoạch năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay từ đầu năm các địa phương chưa phân bổ hết số kế hoạch vốn năm 2023, phân bổ chưa đảm bảo nguyên tắc bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành, quyết toán, dự án chuyển tiếp, mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bộ Tài chính đã có ý kiến về việc phân bổ kế hoạch đầu tư công gửi các địa phương.