(KTSG) - Phương thức tiếp thị liên kết (affiliate marketing - AM) nơi các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam hầu như không giới hạn người tham gia như một kiểu kiếm tiền trực tuyến, chỉ tốn công sức chứ không tốn tiền đầu tư. Tuy nhiên, phương thức này đang tạo ra nhiều góc khuất đáng nói.
- Công ty bất động sản Trung Quốc sử dụng chiêu tiếp thị độc, lạ để bán nhà
- Những sản phẩm trong OCOP sẽ được quảng cáo, tiếp thị ở những vị trí đẹp
Do sở hữu một trang Facebook có lượng người theo dõi kha khá nên tôi đăng ký chương trình tiếp thị liên kết cho ba sàn thương mại điện tử. Trái ngược với những kỳ vọng và hào nhoáng ban đầu, sau ba tháng tôi nhận ra “nghề” kiếm tiền online này có khá nhiều góc khuất.
Từ câu view, rải link…
Thời điểm mới “chơi” tiếp thị liên kết, tôi mơ mộng đây là một nghề cho thu nhập tốt theo kiểu “đường đường chính chính”. Có nghĩa là chỉ cần đăng link tiếp thị và có người mua hàng theo link đó là có hoa hồng.
Nhưng sau một tháng làm “công khai, minh bạch”, số hoa hồng tôi nhận được chưa đến… 100.000 đồng. Lý do, người dùng khi thấy thông tin bán hàng, link sàn thương mại điện tử là tránh, thậm chí ẩn, báo cáo bài viết.
Tôi mang những thắc mắc này đi hỏi người bạn là một người có kinh nghiệm thì được bạn giới thiệu tham gia vào một cộng đồng tiếp thị liên kết có đến vài trăm ngàn thành viên để quan sát học hỏi. Ở đó, tôi mới vỡ lẽ nhiều điều về cách nhiều người kiếm tiền online từ nghề này.
Ví dụ, trong cộng đồng nêu trên, một người thuộc nhóm có tỷ lệ hoa hồng cao nhất chia sẻ cách câu view: “Theo dõi báo chí, thấy chuyện nào đang sốt thì viết lại thật gay cấn rồi chèn link ở hai chữ “xem thêm”. Sau đó, ai có tiền thì đi thuê nhóm, ai không có tiền thì tự rải link, miễn người đọc nhấp vào link là đã thành công. Vì mã tiếp thị liên kết kéo dài 7-14 ngày, một số trường hợp lưu đến 30 ngày”.
Hoặc một người khác cũng có doanh thu trăm triệu đồng bày cách làm video ngắn (review phim bằng cách sao chép và cắt gọt phim, hoặc clip khoe thân, clip tai nạn giao thông…) rồi để ở phần bình luận “tập 2”, “xem đoạn kết” và gắn thêm link tiếp thị, kích thích người xem bấm vào.
Hay một số thành viên khác chia sẻ mẹo để người dùng bấm vào link tiếp thị là: Gây sốc, sự kiện thời sự nóng, chuyện tâm linh, drama vợ chồng, người yêu… Vì theo những thành viên này, người Việt Nam, đặc biệt giới trẻ luôn có thói quen “xin link” để hóng hớt chuyện trên mạng.
Càng tìm hiểu tôi càng thấy sốc về cách nhiều người trẻ đang làm tiếp thị liên kết. Rõ ràng, theo cách làm hiện nay thì mô hình này không chỉ khiến nhiều người dùng khó chịu vì phải bấm nhầm link mà còn tiềm ẩn những chuyện bản quyền, hàng nhái hàng giả…
... đến chuyện bản quyền, hàng giả
Lợi thế khi làm tiếp thị liên kết là không cần vốn, không ôm hàng và có thể bán mọi thứ có trên sàn thương mại điện tử. Chính điều này khiến nhiều người trẻ đang muốn kiếm tiền bằng mọi giá mà trở nên bất chấp, như vi phạm bản quyền, bán hàng nhái, hàng giả, xâm phạm đời tư của người khác.
Đầu tiên là chuyện bản quyền, có rất nhiều người làm tiếp thị liên kết đang sao chép, cắt gọt nội dung từ phim ảnh đến các trang báo chí một cách ngang nhiên. Ví dụ, như trên Fanpage một kênh review phim, người dùng dễ dàng tìm thấy tất cả các phim từ nước ngoài cho đến Việt Nam. Hay nhiều Fanpage Facebook sử dụng ảnh các sự kiện nóng của báo chí, viết lại thông tin rồi tung lên trang kéo theo cả triệu lượt người bình luận, chia sẻ.
Thứ hai, rất nhiều người làm tiếp thị liên kết không quan tâm đến chuyện chất lượng sản phẩm họ đang tiếp thị. Điều này dẫn đến việc họ tiếp tay cho hàng giả hàng nhái mà không hay biết. Đơn cử như một tựa sách của nhà xuất bản First News, có rất nhiều link tiếp thị sách lậu với giá rẻ hơn giá gốc đến một nửa. Điều này khiến giám đốc của First News phải lên tiếng trên Facebook cá nhân.
Và cuối cùng là chuyện xâm phạm đời tư người khác. Cứ sau một sự kiện nóng trên báo chí hoặc mạng xã hội, là hàng loạt hình ảnh của nhân vật và gia đình của họ được xào nấu, đăng đi đăng lại với các thông tin hoàn toàn sai lệch. Thậm chí, có những câu chuyện buồn như chuyện cháy chung cư ở Hà Nội cũng được viết lại, thêm thắt tình tiết để câu view, chèn link tiếp thị.
Trách nhiệm các sàn thương mại điện tử?
Cơ chế tham gia dễ dàng, miễn phí và hoa hồng cao là những mỹ từ mà các sàn thương mại điện tử kêu gọi người dùng tham gia chương trình tiếp thị liên kết. Tuy nhiên, điều các sàn này chưa làm được là: Hướng dẫn người dùng kiếm tiền đúng cách, đúng chuẩn mực.
Cụ thể, sau khi đăng ký chương trình tiếp thị liên kết, các sàn thương mại điện tử luôn có lớp hướng dẫn cách để bán hàng tốt, cách để tiếp thị liên kết mang lại hoa hồng cao. Nhưng chưa có sàn thương mại điện tử nào nhắc nhở chuyện “đi link” sao cho đúng chuẩn mực.
Nói cách khác, họ chỉ quản lý những sản phẩm, hoạt động diễn ra trong phạm vi của nền tảng, còn việc dẫn link, kêu gọi mua bán về cửa hàng sẽ do người tham gia chủ động và chịu trách nhiệm.
Vì thế, trong một thế giới mạng xã hội xô bồ, ngày càng nhiều người trẻ tìm mọi cách để câu view, chèn link tiếp thị với mục đích duy nhất: Nhận hoa hồng.
Ở góc độ của một người có trải nghiệm tiếp thị liên kết, tôi nghĩ đại diện các sàn thương mại điện tử cần có trách nhiệm xem xét để giải quyết tình trạng này. Bởi họ là cầu nối giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp, họ phải có trách nhiệm với khách mua hàng trên nền tảng của mình.
Với riêng câu chuyện của tôi, sau ba tháng đăng ký chương trình tiếp thị liên kết tôi đã tạm ngưng. Lý do, tôi mong tìm ra cho mình một hướng đi tiếp thị liên kết đàng hoàng, ở đó không câu view, chèn link ẩn và có trách nhiệm với khách mua hàng từ chính đường dẫn của mình.
Bức tranh thị trường Việt Nam
AM có mặt khá sớm tại Việt Nam, nhưng từ năm 2015 trở về trước thì khá yên ắng bởi các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài lẫn trong nước vẫn chưa thật sự nhận ra tiềm năng của mô hình tiếp thị này. Chỉ từ giữa năm 2015, các trang có gắn AM do Công ty Interspace của Nhật Bản và vài công ty nước ngoài khác đưa vào Việt Nam thì phương thức AM mới thật sự hoạt động trên thị trường.
AccessTrade, một trong những nền tảng tiếp thị liên kết trực tuyến lớn ở Việt Nam, đánh giá năm 2022 là sự thăng hoa của affiliate marketing ở Việt Nam khi ước tính quy mô thị trường trong nước đạt khoảng 800 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên đến 45%. Doanh số trong năm có thể đạt 1.200 tỉ đồng.
Với thế mạnh về hiệu quả và tối ưu ngân sách, theo Advertising Vietnam, AM đã đóng góp 10-50% tổng ngân sách và lượng hàng hóa kênh trực tuyến cho các doanh nghiệp. AM mang lại khoảng 30 triệu đơn hàng/tháng trong tổng số lượng giao dịch trong năm 2022. Theo AccessTrade, doanh thu tiếp thị liên kết từ các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, TikTok Shop đang chiếm 77% doanh thu của mảng thương mại điện tử.
Các ngành hàng về thiết bị gia dụng, điện tử và công nghệ có mức tăng trưởng nổi bật nhất 230%, dịch vụ du lịch tăng trưởng 966%, còn lại ngành thời trang tăng trưởng 51%. Thống kê trong số lượng truy cập mang lại trên mô hình tiếp thị liên kết thông qua các kênh mạng xã hội năm qua, TikTok đã bùng nổ và trở thành kênh thu hút lượng truy cập cao nhất (chiếm 42%) và đóng góp doanh thu 26% cho nền tảng xã hội này. Tiếp đó là Facebook (7%), Instagram (6%) và YouTube (2%).
AccessTrade còn ghi nhận top 10 tỉnh thành có nhiều nhà phân phối nhất Việt Nam, theo thứ tự gồm Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định, TPHCM và Bình Dương. Trong đó, số lượng publisher ở khu vực phía Bắc đang chiếm ưu thế với tỷ trọng hơn 55% so với cả nước.
Các thương hiệu như Vua Nệm, Nestlé, Lock&Lock, Tefal, Aviano… hiện đang sử dụng mô hình Affiliate Marketing Shopee là những hình mẫu được AccessTrade đánh giá là thành công.
Trong đợt khuyến mãi giữa năm 2023, khi kết nối với Shopee, Vua Nệm đã nhận được 5,9 triệu lượt tương tác chỉ sau 48 giờ. Số lượng đơn hàng tăng gấp năm lần. Còn ở trường hợp Lock&Lock, chỉ số ROAS (tổng doanh thu từ quảng cáo chia cho tổng chi phí doanh nghiệp bỏ ra) tăng 12 lần khi liên kết tiếp thị với Shopee.
H.N.T