Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều hãng luật Mỹ rời Trung Quốc, nhường chỗ cho đối thủ nội địa

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhiều hãng luật Mỹ đang thu hẹp quy mô văn phòng tại Trung Quốc đại lục trong năm nay giữa lúc các hãng luật Trung Quốc tăng cường thị phần trong nước và mở rộng sang các nước châu Á khác.

Các hãng luật Mỹ đang thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc do nhiều lý do. Trong khi đó, các hãng luật Trung Quốc đã trưởng thành hơn trong 10 năm qua, chiếm 6/10 các hãng luật đông nhân sự nhất thế giới. Ảnh: AP

Hãng luật Mỹ co cụm

Theo hãng dữ liệu dịch vụ pháp lý Leopard Solutions, số lượng nhân viên của các công ty luật Mỹ tại Trung Quốc đã giảm gần 100 người, từ mức 643 cuối năm 2022 xuống còn 545 trong tháng 7 này, tức giảm hơn 15% trong 18 tháng. Năm 2019, có 64 công ty luật Mỹ ở Trung Quốc đại lục nhưng tuần rồi chỉ còn 61 trong tuần rồi và dự kiến ​​sẽ giảm xuống dưới 60 vào cuối năm nay.

Hôm 3-7, hãng luật Dechert của Mỹ tuyên bố sẽ hoàn toàn rời khỏi Trung Quốc vào cuối năm nay. Theo trang web của Dechert, hãng có 14 đối tác và cộng sự tại các văn phòng ở Hồng Kông và Bắc Kinh. Văn phòng của hãng tại Singapore sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng ở Trung Quốc và Hồng Kông. Hãng luật Weil, Gotshal & Manges có trụ sở tại New York đã đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh vào tháng 3 và chuẩn bị đóng cửa chi nhánh Thượng Hải.

Hồi tháng 5, hãng Morrison Foerster cũng đưa ra thông báo nội bộ về việc sẽ đóng cửa văn phòng ở Bắc Kinh vào mùa thu này. Mayer Brown có trụ sở tại Chicago cũng tuyên bố là sẽ phân bổ lại các hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm Hồng Kông, Bắc Kinh và Thượng Hải.

Luật sư Peter Zeughhauser cho biết, nhiều hãng luật đang xem xét việc rời khỏi Trung Quốc vì nhiều lý do. Hầu hết các công ty luật đều nghĩ rằng, cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc sẽ tiếp tục bị xói mòn và suy giảm trước khi trở nên tốt hơn vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Điều này sẽ mang tính dài hạn hơn là ngắn hạn.

Khi thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống ở Mỹ ngày càng gần, những người đứng đầu các hãng luật và luật sư càng lo ngại về mối quan hệ tại thị trường này ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, ngay cả khi Trump tái đắc cử, không có nghĩa là các công ty Mỹ sẽ bớt nhức đầu hơn so với những năm của ông Biden.

Dữ liệu mới nhất của ​​Bộ Tư pháp Trung Quốc cho thấy, số lượng văn phòng tại Trung Quốc của các công ty luật nước ngoài đã giảm kể từ năm 2017.

Hãng luật Trung Quốc trưởng thành hơn, vươn ra khắp châu Á

Nhiều hãng luật Trung Quốc đang mở rộng hoạt động tư vấn ra bên ngoài đại lục. Xu hướng này phản ảnh các hãng luật Trung Quốc ngày càng trưởng thành, số lượng chuyên gia pháp lý và vị thế toàn cầu đã tăng lên trong thập niên qua. Đây cũng là một trở ngại với các hãng luật phương Tây muốn duy trì vị thế và thị phần ở châu Á.

Hãng luật Yingke có trụ sở tại Bắc Kinh đã mở chi nhánh ở Hà Nội tháng 10-2023. Hankun mở văn phòng nước ngoài đầu tiên tại Singapore vào tháng 6-2023, tiếp đó mở văn phòng New York vào cuối năm. Trước đó nữa, hãng Allbright thành lập chi nhánh ở Tokyo và Singapore năm 2021. Jingsh là hãng luật đầu tiên của Trung Quốc mở văn phòng ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, gần như cùng lúc với hai văn phòng ở Seoul và Tokyo trong nửa đầu năm nay.

Matthew Kim, người phụ trách mở văn phòng của Jingsh ở ba thành phố trên, cho biết dòng vốn từ Trung Quốc đang lan tỏa khắp nơi ở châu Á. Trong môi trường toàn cầu hiện nay, khách hàng Trung Quốc cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với những người nói cùng một ngôn ngữ.

Vị luật sư này cũng thừa nhận rằng sự cạnh tranh ở thị trường quê nhà Trung Quốc rất khốc liệt.

Số lượng văn phòng đại diện ở nước ngoài của các hãng luật Trung Quốc đã tăng từ 122 năm 2018 lên 180 vào năm 2022, theo dữ liệu của Bộ Tư pháp Trung Quốc.

Trở lại tình hình ở Trung Quốc. Một số doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đã chuyển từ các hãng luật quốc tế sang hãng luật trong nước vì giá rẻ hơn đáng kể. Cũng có người cho rằng căng thẳng địa chính trị cũng khiến khách hàng Trung Quốc có xu hướng làm việc với các công ty trong nước do có “tư duy tương tự”.

Đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đại lục và đặc khu Hồng Kông giảm sút cũng làm cho các hãng luật quốc tế ít hợp đồng hơn và phải sa thải nhân viên. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư của chính phủ và tư nhân ra ngoài càng tăng đã giúp nhiều hãng luật Trung Quốc cũng ra khơi theo dòng tiền.

Năm 2017, có 207 luật sư được đào tạo tại Trung Quốc làm việc tại Hồng Kông trong khi các công ty luật của Trung Quốc đại lục chiếm 30% số hãng luật tại đặc khu. Đến cuối năm ngoái, con số đó đã tăng lên lần lượt là 317 và 38%, theo Hiệp hội Luật sư Hồng Kông. Con số trên thực tế có thể cao hơn do các hãng luật Trung Quốc buộc phải liên doanh với hãng luật Hồng Kông trong ba năm, trước khi tự mở văn phòng.

Việc thuê chuyên gia từ đối tác phương Tây đã cho phép các công ty luật Trung Quốc nhanh chóng mở rộng dịch vụ và tăng cường kiến ​​thức về luật Hồng Kông và luật nước ngoài. Sáu trong số 10 công ty luật hàng đầu thế giới tính theo số lượng nhân viên là từ Trung Quốc, theo bảng xếp hạng Global 200 năm 2022 của Law.com.

Giáo sư Sida Liu, đồng tác giả với Anson Au trong cuốn “Cánh cổng dẫn tới Trung Quốc toàn cầu: Hồng Kông và tương lai của các công ty luật Trung Quốc”, cho biết các hãng luật sẽ luôn chạy theo đồng tiền và vốn của Trung Quốc hiện đang chảy vào châu Á.

“Dự đoán của tôi là trong vòng 3-5 năm tới, bạn sẽ thấy nhiều hãng luật Trung Quốc mở rộng trong khu vực hơn là trên toàn cầu”.

Theo Nikkei Asia, Jingsh, Yanke

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới