(KTSG Online) - Nhóm 13 hiệp hội doanh nghiệp gửi kiến nghị đến bộ, ngành liên quan về việc quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm còn cao. Theo đó, những đơn vị này đề nghị giảm mức đóng quỹ bảo hiểm xã hội xuống 20%, giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp của cả người lao động và doanh nghiệp xuống tổng 1%.
- Đa dạng hóa bảo hiểm y tế, tất cả người dân đều được tham gia
- Cảnh báo tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm qua nhiều hình thức
Mới đây 13 hiệp hội doanh nghiệp đã gửi kiến nghị cho các bộ, ngành liên quan về việc Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) có quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm còn cao và các quyền lợi của người lao động nghỉ hưu sớm chưa phù hợp, TTXVN đưa tin.
Cụ thể, trong Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) có quy định đối với người lao động và người sử dụng lao động có hợp đồng lao động, tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp vẫn giữ như Luật Bảo hiểm Xã hội 2014. Như vậy, tính chung tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động là 32%.
Nhóm hiệp hội tính toán, tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội năm 2007 chỉ là 23%, song từ năm 2017 tăng lên thành 32%. Bên cạnh đó, lương tối thiểu vùng năm 2022 cao gấp 10 lần so với thời điểm 2007.
Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động ở Việt Nam đang cao hơn nhiều nước khác như Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh...
Trên cơ sở này, các hiệp hội đề nghị giảm mức đóng quỹ bảo hiểm xã hội xuống 20%, theo đó người lao động chỉ đóng 5%, còn người sử dụng lao động đóng 15%.
Đối với bảo hiểm thất nghiệp, nhóm hiệp hội đề xuất giảm tỉ lệ đóng của cả người lao động và doanh nghiệp xuống tổng 1% và có lộ trình giảm tiếp thay vì mỗi bên 1% như hiện nay. Đối với bảo hiểm y tế, người lao động đóng 1% và người sử dụng lao động đóng 2%.
Như vậy, tỷ lệ đóng của người lao động sẽ là 6,5% cho các khoản bảo hiểm; người sử dụng lao động đóng 17,5% (mỗi bên giảm 4% so với hiện nay). Ngoài ra, theo các hiệp hội doanh nghiệp, tuy giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn đảm bảo lương hưu và có thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu cuộc sống cho người lao động.
Với mức đóng hiện hành, đã không sống nổi, hoặc sống sao cho đàng hoàng ? Nay lại đòi giảm xuống, nghĩa là sao ? Vấn đề không phải là mức và tỷ lệ đóng góp. Quan trọng là quá trình điều hành phân bổ nguồn lực BHXH đang bị chệch hướng quá nhiều. Người lao động, là chủ nhân chính của quỹ BH, nhưng lại bị đặt ra ngoài danh sách người hưởng thụ chính.
BHXH không chỉ lo cho người hưu trí. Khi doanh nghiệp khó khăn, người lao động mất việc, BHXH cũng phải ra tay kịp thời. Miếng khi đói bằng gói khi no. Rất tiếc, hệ thống an sinh xã hội hiện hành, trong đó BHXH là trụ cột, vẫn cứ mãi loay hoay, ngâm cứu, trong khi cuộc sống thì càng ngày diễn biến phức tạp.