(KTSG Online) - Các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm định mức chi phí tái chế, cho phép các doanh nghiệp kết hợp tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm thay vì chọn một hình thức, có chính sách ưu đãi cho việc sản xuất bao bì thân thiện với môi trường, TTXVN thông tin.
- Việt Nam sẽ làm chủ cuộc chơi tái chế Vonfram
- Liên minh Tái chế Bao bì cam kết thu gom, tái chế hơn 13.000 tấn bao bì trong năm 2023
Theo TTXVN, mới đây, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã có những góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính, hướng đến giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Các hiệp hội doanh nghiệp này là đại diện cho nhiều ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam…
Theo đó, các hiệp hội cho rằng, định mức chi phí tái chế (viết tắc là Fs, bao gồm chi phí phân loại, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính trong hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu) trong dự thảo chưa hợp lý và đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước khác.
Nếu như thực hiện đề xuất trong dự thảo thì nhiều sản phẩm, hàng hóa có thể tăng giá. Ví dụ giá nước uống đóng chai có thể tăng thêm 1,36% so với mức hiện tại; bia lon tăng 0,6%; 0,2% đối với mỗi bịch sữa, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng.
Trên cơ sở này, 14 hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị trong hai năm đầu tiên là năm 2024 và 2025, cơ quan chưa áp dụng xử phạt mà chỉ kiểm tra, thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng.
Các doanh nghiệp được phép kết hợp tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm thay vì chỉ chọn một trong hai hình thức. Việc này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tự tìm giải pháp tái chế phù hợp.
Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị việc thay đổi cách nộp quỹ và có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Cụ thể, phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế sẽ được tính hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 và được tính là doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm tái chế.
Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tạo đầu ra cho ngành tái chế và góp phần trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.