Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều hy vọng về bước cải cách mang tính đột phá

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 sáng 21-10, Tổng bí thư Tô Lâm nói trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn” của điểm nghẽn, đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chưa tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm.

Vì vậy, Tổng bí thư đề nghị chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Ông cũng lưu ý phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, cùng với cải cách triệt để thủ tục hành chính.

Đây cũng là nội dung được Tổng bí thư nhấn mạnh trong hai bài viết về chống lãng phí, về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và trước đó là trong phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 khóa 13.

Việc Tổng bí thư Tô Lâm liên tục nhắc tới các vấn đề trên chỉ trong thời gian rất ngắn cho thấy ông không chỉ bức xúc với những nguyên nhân gây ra lãng phí, trì trệ, cản trở tiềm năng phát triển của nền kinh tế mà còn tỏ rõ quyết tâm muốn thay đổi thực trạng này. Sự quyết tâm đó của người đứng đầu Đảng mang lại nhiều hy vọng về bước cải cách mang tính đột phá, mở đường cho Việt Nam tiến đến thịnh vượng.

Thật vậy, hầu hết tắc nghẽn, trì trệ, phiền hà và cả nhũng nhiễu, tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước đều có ít nhiều liên quan đến luật lệ. Do vô tình hay hữu ý, cơ quan soạn thảo thường lấy mục tiêu phải quản lý để đưa vào văn bản pháp luật các quy định mang tính xin cho như “phải được cấp giấy phép”, “phải được phê duyệt”...

Vì vậy, việc đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là cần tiến hành rà soát lại tất cả quy định pháp luật để phân loại rõ đâu là những vấn đề Nhà nước nhất thiết phải quản lý bằng các loại giấy phép, còn đâu là những vấn đề chỉ cần quản lý qua quy hoạch hoặc quy chuẩn và theo nguyên tắc hậu kiểm, để người dân và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về tính tuân thủ của mình.

Với cơ chế xin cho đó, nếu cộng với cán bộ thừa hành biến chất và thiếu trách nhiệm thì sẽ trở thành ác mộng đối với người dân và doanh nghiệp, đồng thời cũng là ác mộng cho phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, vấn đề quan trọng thứ hai cần giải quyết là kiểm soát quyền lực. Đặc biệt, vấn đề kiểm soát quyền lực không chỉ cần thiết với những người có vị trí cao, mà càng cần thiết hơn với những cán bộ thừa hành ở cấp cơ sở như sở ngành, quận huyện, thành phố và thị trấn. Bởi đây mới là những người trực tiếp giải quyết hoặc tham mưu cho cấp trên giải quyết các yêu cầu về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, nên rất nhiều phiền hà, tắc nghẽn, nhũng nhiễu, tiêu cực... đều bắt đầu từ đây.

Ngoài ra, nhu cầu cải cách của Việt Nam khá rộng, nên để có thể sớm tạo ra đột phá thì cần thiết chọn ra lĩnh vực đang có nhiều tắc nghẽn, tiêu cực và trì trệ nhất, có tác động rộng rãi tới người dân, doanh nghiệp và có khả năng tạo ra cú hích mạnh cho nền kinh tế phát triển để tập trung mọi nguồn lực giải quyết trước. Lĩnh vực đó nên chăng là các thủ tục liên quan tới đất đai và đầu tư xây dựng.

2 BÌNH LUẬN

  1. Cần phải xử lý triệt để các cán bộ vi phạm thì mới ngăn ngừa răn đe được các hành vi phạm tội. Nên phê bình nghiêm khắc, xử lý nội bộ, rút kinh nghiệm, cách chức cựu quan chức v.v các cán bộ vi phạm pháp luật. Nếu xử lý bằng các biện pháp nặng này, sẽ ngăn ngừa răn đe các cán bộ khác sắp vi phạm, lúc đó sẽ không còn người nào dám vi phạm nữa.

  2. Không có hy vọng, sẽ không có non nước/ dân tộc Việt ta như ngày nay. Nhưng mọi hy vọng đều phải được bồi đắp trên nền tảng sự hy sinh của biết bao nhiêu thế hệ, trước/ nay/ sau này. Như là chân lý, không có những con người biết hy sinh vì đại nghiệp và chính nghĩa, hy vọng cũng sẽ không còn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới