Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều khách sạn, resort ở Hội An được ngân hàng rao bán

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố trên website ngân hàng này bản "danh sách tài sản bảo đảm cần xử lý" gồm 396 tài sản thế chấp được ngân hàng rao bán để thu hồi vốn. Trong số này nhiều nhất là các tài sản liên quan đến du lịch, đặc biệt là tại Hội An.

Nhiều bất động sản du lịch tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang được ngân hàng VietinBank rao bán. Ảnh minh hoạ: Nhân Tâm

Khu vực miền Trung có tài sản du lịch rao bán nhiều nhất trong danh sách này, tập trung ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chỉ riêng ở Hội An có gần hơn 30 tài sản du lịch như nhà hàng, khách sạn, resort loại 3 sao đến 5 sao. Trong số này có một số resort diện tích từ vài trăm đến vài ngàn mét vuông, đặc biệt có khu khách sạn 4 sao gồm 98 phòng rộng đến 2.000 m2 được rao bán giá 420 tỉ đồng.

Cũng tại Hội An, có ba lô đất diện tích 1.000 m2, hơn 3.500 m2, gần 4.300 m2 có giá rao bán lần lượt là 60 tỉ đồng, gần 88 tỉ đồng và gần 278 tỉ đồng.

Tại Khánh Hoà và Đà Nẵng, trong danh sách này cũng có một số khu du lịch sinh thái được rao bán nhưng không nêu giá. Một tài sản du lịch đáng chú ý khác là khu resort rộng hơn 4.500 m2 ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận

Liên quan đến địa ốc, nhóm tài sản đáng chú ý nhất trong danh sách này nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng loạt các lô đất dự án ở huyện Thới Lai nằm ở ngoại thành phía tây, cách trung tâm thành phố Cần Thơ gần 30 km được rao bán. Tại khu vực này Vietinbank rao bán gần 150 lô đất ở đô thị với tổng cộng diện tích hơn 11.000 m2, trong đó diện tích phổ biến từ 100-200 m2 và một số ít lô 1.000-2000 m2.

Trong lĩnh vực sản xuất, có hàng trăm tài sản là xe kinh doanh (xe khách, xe tải), bất động sản trụ sở công ty, nhà xưởng, máy móc… ở nhiều tỉnh thành trên cả nước được liệt kê trong danh sách rao bán. Điều này cho thấy khá nhiều doanh nghiệp thế chấp tài sản nhưng không trụ nổi với tình hình khó khăn hiện nay đã phải rời bỏ cuộc chơi.

Đáng chú ý trong danh sách này là nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3/ngày - đêm tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai được rao bán với giá thoả thuận. Tương tự, một nhà xưởng sản xuất gia công các loại sản phẩm gỗ tổng diện tích xây dựng hơn 16.000 m2 trên khuôn viên đất rộng đến 35.000 m2 tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được rao bán.

Hai lô đất kèm nhà xưởng của một doanh nghiệp ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích gần 112.000 m2 được rao bán toàn bộ với giá hơn 72 tỉ đồng.

Tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh có khu nhà xưởng với đất gần 200.000 m2 có nhà xưởng và kho được rao bán giá hơn 86 tỉ đồng. Kèm theo lô nhà xưởng này là rất nhiều máy móc thiết bị như máy đóng bao, hệ thống xử lý nước thải, dây chuyền sản xuất tinh bột mì công suất 200 tấn/24 giờ, dây chuyền sấy bã mì công suất 200 tấn tinh bột mì/24 giờ, trạm biến áp 630 kVA cùng nhiều thiết bị khác được rao bán giá hơn 70 tỉ đồng.

Trang trại nuôi thuỷ sản ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng bao gồm nhà xưởng gần 2.000 m2, quyền sử dụng đất nông nghiệp gần 60.000 m2, trạm biến áp cấp điện phục vụ cho sinh hoạt và nuôi trồng thủy hải sản, một số xe tải, xe đông lạnh và hệ thống kho lạnh dùng để bảo quản thủy hải sản. Giá rao bán chỉ hơn 11 tỉ đồng.

Cũng liên quan đến nuôi trồng thuỷ sản, ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có 36 lô đất ao không có lối vào với tổng diện tích 45.000 m2 được rao bán.

Ở tỉnh Cà Mau, ngành ngư nghiệp thấm đòn, hai nhà máy sản xuất nước đá và gần 20 tàu đánh cá vỏ gỗ, vỏ thép đã xuất hiện trong danh sách của ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới