Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều ngân hàng trung ương xem xét lại công tác dự báo lạm phát

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhiều ngân hàng trung ương lớn của phương Tây bao gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đang xem xét lại công tác dự báo sau khi không lường trước trước áp lực giá cả ở thời kỳ hậu Covid-19 và sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đang xem xét lại công tác dự báo để rút ra các bài học sau khi không lường trước được mức độ tăng giá cả quá mạnh ở thời kỳ hậu Covid-19 và sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Financial Times

Fed, ECB, BoE đã không thể thấy được việc kết thúc lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 và cú sốc năng lượng do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine có thể mở đường cho vòng xoáy lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập niênnhư thế nào. Sau khi phản ứng bằng những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ, những cơ quan này đã tiến hành các cuộc phân tích sâu rộng để xác định nguyên nhân dẫn đến thất bại trong công tác dự báo.

Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, ECB cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm. “Điều chúng tôi cần phải rút ra là chúng tôi không thể chỉ dựa vào các kịch bản trong sách giáo khoa và các mô hình thuần túy. Chúng tôi phải suy nghĩ với tầm nhìn rộng hơn”, bà nói.

Các quan chức ngân hàng trung ương cho rằng, cần phải tập trung vào các “kịch bản” thay thế cho sự phát triển kinh tế trong tương lai, để minh họa chính sách có thể phản ứng như thế nào.

Theo Sarah Breeden, Phó Thống đốc BoE, việc xem xét các kịch bản khác nhau là “công cụ chính sách hữu ích trong bối cảnh xảy ra những cú sốc chưa từng có”.

Về phần ECB, ngân hàng này đang mô hình hóa các kịch bản khác nhau về lạm phát và đưa ra một loạt phân tích độ nhạy. Trong đó, có thể kiểm tra điều gì sẽ xảy ra nếu tiền lương tăng nhanh hơn hoặc chậm hơn dự kiến hoặc nếu một cú sốc nguồn cung năng lượng khác xảy ra.

Cho đến nay, vấn đề là những nỗ lực ban đầu mang lại các kết quả khác nhau. Ngay cả “kịch bản nghiêm trọng nhất” được ECB công bố vào tháng 3-2022, trong đó có mô hình hóa tác động của động thái Nga bóp nghẹt nguồn cung khí đốt sang châu Âu, cũng đánh giá thấp tốc độ tăng lạm phát của khu vực đồng euro (eurozone).

ECB dự đoán, lạm phát của eurozone sẽ ở mức trung bình 7,1% vào năm 2022 và 2,7% vào năm 2023. Năm ngoái, lạm phát của khu vực đồng tiền chung này tăng 8,4% và năm nay dự kiến tăng 5,4% trong năm nay.

BoE đã ủy quyền cho Ben Bernanke, cựu chủ tịch Fed, đánh giá  hoạt động dự báo và truyền thông của BoE. Các quan chức BoE cho biết, việc sử dụng nhiều kịch bản phân tích hơn nằm trong số các phương án được xem xét.

Theo Charles Goodhart, từng là nhà hoạch định chính sách của BoE, dù các ngân hàng trung ương tập trung nhiều vào kịch bản thay vì chỉ một kịch bản trung tâm thì cũng nên đưa ra số lượng kịch bản chẵn.

Các nhà kinh tế ECB đang chú ý nhiều hơn đến tốc độ thay đổi của giá bán buôn ảnh hưởng đến hóa đơn điện và gas của hộ gia đình, vốn khác nhau ở mỗi nước thành viên của eurozone. Những người này tập trung nhiều hơn vào biên lợi nhuận của ngành lọc dầu khi dự báo giá năng lượng và không còn cho rằng giá khí đốt và dầu sẽ biến động song song, sau khi giá đã phân hóa mạnh vào năm ngoái.

Một phân tích của ECB công bố vào đầu năm nay cho thấy, những giả định sai về giá năng lượng chiếm 3/4 tổng số lỗi dự báo lạm phát vào năm 2021.

Trong một thay đổi khác, ECB đang theo dõi chặt chẽ hàng trăm thay đổi trong chính sách tài khóa, chẳng hạn như các khoản trợ cấp của chính phủ cho năng lượng và thực phẩm, để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng ngày càng tăng của chúng đối với lạm phát. Ngoài ra, các nhà kinh tế của ngân hàng này sử dụng công cụ theo dõi tiền lương và kết quả khảo sát người tiêu dùng và doanh nghiệp để điều chỉnh đầu ra cho các mô hình dự báo.

Bà Lagarde nói rằng, dù công việc mà các nhân viên ECB đang làm để cải thiện các mô hình dự báo sẽ hữu ích nhưng không giải quyết được tất cả các vấn đề.

Nhiều thành viên hội đồng thống đốc ECB vẫn hoài nghi các dự báo được chính họ đưa ra. ECB đã quyết định ít phụ thuộc hơn vào các dự báo của tổ chức này. Thay vào đó, khi quyết định những động thái tiếp theo về lãi suất, các quan chức ECB cam kết tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá liệu lạm phát cốt lõi, không bao gồm giá cả năng lượng và thực phẩm, có đang chậm lại hay không và lãi suất cao hơn ở mức độ nào sẽ siết chặt hoạt động cho vay của các ngân hàng và hoạt động kinh tế.

Chủ tịch Fed Jay Powell đã nhấn mạnh sự cần thiết phải suy nghĩ xa hơn những mô hình điển hình. Một mối liên kết cho đến nay dường như đang bị phá vỡ là mối quan hệ giữa việc kiểm soát lạm phát và thị trường lao động.

Nhiều nhà kinh tế lo ngại, nỗ lực đưa lạm phát xuống mức mục tiêu sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giá tiêu dùng thực tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chậm lại rõ rệt nhưng tỷ lệ thất nghiệp không tăng quá đáng kể so với mức thấp trong nhiều thập niên. Điều đó làm tăng kỳ vọng rằng Mỹ thực sự có có thể tránh cơn suy thoái trầm trọng, một kết quả hoàn toàn khác so với các cuộc chiến chống lạm phát trước đây.

“Nền kinh tế của chúng ta linh hoạt và năng động, đôi khi phải chịu những cú sốc khó lường, chẳng hạn như khủng hoảng tài chính toàn cầu hoặc đại dịch Covid-19. Vào những thời điểm đó, các nhà dự báo phải suy nghĩ vượt ra bên ngoài các mô hình điển hình”, ông Powell nói tại một sự kiện gần đây.

Theo ông, dự báo là công việc rất khó khăn. Những người dự báo phải là những người khiêm tốn.

Theo Financial Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới