(KTSG Online) – Sau mùa tăng trưởng quí 1 cao, kết quả kinh doanh của các nhà băng trong quí 2 được cho là tiếp tục cải thiện đáng kể.
Từ đầu tháng 7, nhiều công ty niêm yết bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quí 2, trong đó có nhóm ngân hàng với kỳ vọng giữ tăng trưởng tiếp tục ở mức cao.
Cập nhật mới nhất có ngân hàng SEABank vừa công bố báo cáo lợi nhuận. Theo đó, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế hợp nhất quí 2 đạt 2.806 tỉ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ, đạt 115% kế hoạch 6 tháng đầu năm nay.
Chi tiết hơn, tổng thu nhập thuần của SEABank tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nhập thuần ngoài lãi đạt 1.736 tỉ đồng, tăng 226% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu của FiinGroup, hai ngân hàng quy mô vừa là TPBank và Eximbank ước lợi nhuận tăng cao trong quí 2. Theo đó, ước lợi nhuận sau thuế của Eximbank tăng hơn 193% so với cùng kỳ và 23,6% so với quí trước, chủ yếu do giảm trích lập dự phòng.
Trong khi đó, TPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 38,9% so với cùng kỳ và 35,4% so với quí trước, nhờ đẩy mạnh cho vay và thu nhập từ phí.
Tuy chưa có nhiều ngân hàng đưa ra báo cáo chính thức nhưng tiềm năng lợi nhuận khả quan tập trung vào các ngân hàng còn dư địa cho vay và có thu nhập tốt từ hoạt động dịch vụ, báo cáo của FiinGroup nhận định.
Có không ít dự báo cho rằng kết quả quí 2 của các ngân hàng tiếp tục ở mức cao. Theo đó, thu nhập từ hoạt động tín dụng và từ phí tiếp tục có tốc độ tăng trưởng tốt, từ đó tiếp tục giúp các nhà băng ghi nhận lãi cao trong quí 2 nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung.
Chẳng hạn, khối phân tích Maybank IB đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận quí 2-2022 của các ngân hàng niêm yết ở mức 30% còn Yuanta Việt Nam cho biết, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ở 27 ngân hàng niêm yết giảm khoảng 9% so với quí trước nhưng vẫn tăng 36% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi ròng quí 2 tăng 3% so với quí trước và 14% so với cùng kỳ.
Theo Yuanta, một yếu tố khiến cho lợi nhuận quí 2 tăng chậm so theo quí là vì lợi nhuận quí trước ở mức cao, nhờ đóng góp từ những khoản lãi bất thường, chẳng hạn như khoản phí trả trước từ thương vụ bancassurance.
Tuy nhiên, một con số ước tính đáng chú ý là thu nhập ngoài lãi cũng giảm khoảng 30% so với quí trước hoặc giảm 5% nếu điều chỉnh lại khoản thu nhập bất thường do hoạt động tín dụng và đầu tư chậm lại trong quí 2.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đặt kỳ vọng, nhóm ngân hàng quốc doanh có mặt bằng tăng trưởng tốt hơn dự báo tăng trưởng lợi nhuận, lên đến 40% so với cùng kỳ, dù trước đó trong quí 1 đã giảm 14%.
Trong quí 3, các thông tin sẽ tích cực hơn đối với ngành ngân hàng. Ngoài hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới lỏng, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng còn được hỗ trợ theo xu hướng kinh tế hồi phục, tăng trưởng dựa trên mức nền thấp và trong kịch bản lãi suất điều hành được ổn định, theo VDSC.
Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quí 3-2022 được công bố đầu tháng 7 của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), các tổ chức tín dụng đưa ra nhận định tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quí 2-2022 có sự ”cải thiện” tốt hơn so với quí trước.
Nhu cầu tổng thể của khách hàng đối với việc sử dụng dịch vụ ngân hàng trong quí vừa qua được đánh giá là tiếp tục duy trì đà phục hồi bền vững kể từ quí 4-2021, trái ngược với xu hướng phổ biến là giảm tốc trong 3 quí đầu các năm trong giai đoạn 2018-2021. Trong đó, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ đều được nhận định cải thiện mạnh, chỉ riêng nhu cầu gửi tiền được nhận định là tăng chậm lại.
Dự báo cho thời gian tới, có khoảng gần 80% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quí 3 và cả năm 2022, với mức độ cải thiện cao hơn so với kỳ liền trước.
Còn trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty chứng khoán SSI dự báo mức lợi nhuận về con số tuyệt đối của 15 ngân hàng niêm yết trong danh sách theo dõi, có thể thấp hơn sáu tháng đầu năm. Dù vậy, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn tiếp tục ở mức hấp dẫn do trong cùng kỳ năm ngoái thị trường bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội.
Các yếu tố ảnh hưởng chính là tăng trưởng tín dụng chậm hơn 6 tháng đầu năm, việc nới lỏng các hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ phải thận trọng hơn, đặc biệt hạn chế giải ngân vào các phân khúc rủi ro, dù tín dụng tiếp tục giữ mức tăng trưởng kỳ vọng cả năm đạt 15-16%.