Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều ngành hàng xuất khẩu sang EU thuận lợi nhờ EVFTA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều ngành hàng xuất khẩu sang EU thuận lợi nhờ EVFTA

Trọng Nghĩa

(KTSG Online)  - Với những thuận lợi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại, nhiều ngành hàng của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu sang châu Âu sau gần một năm hiệp định này thực thi.

Nhiều ngành hàng xuất khẩu sang EU thuận lợi nhờ EVFTA
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang EU tăng trưởng rõ nét sau một năm EVFTA thực thi. Ảnh: Trọng Nghĩa

Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU đạt trị giá hơn 500 triệu đô la Mỹ, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Còn với mặt hàng cà phê, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu 843.319 tấn, thu về gần 1,55 tỉ đô la, trong đó Đức là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 14,3% trong tổng lượng và chiếm 13,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt trên 120.478 tấn, trị giá 209,2 triệu đô la.

EU là thị trường lớn thứ hai tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, đạt trên 33.800 tấn, giá trị hơn 173 triệu đô la Mỹ. Đây cũng là thị trường xuất khẩu thứ tư của các mặt hàng rau, quả Việt Nam. Sau vải thiều, các loại trái cây như thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi... của Việt Nam đã được xúc tiến thương mại thành công tại các quốc gia trong khối EU.

Với ngành hàng dệt may, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công Thương, đối với mặt hàng dệt may, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Ngày 1-8-2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức thực thi. EVFTA được cho là hiệp định mang lại nhiều lợi ích cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam khi các dòng thuế sẽ về 0% ngay lập tức với một số ngành hàng, và một số ngành hàng khác dòng thuế sẽ về 0% theo lộ trình 3 – 5 năm.

Trước khi có EVFTA, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU những tháng đầu năm 2020 đã giảm mạnh, nhưng kể từ tháng 8-2020 (thời điểm EVFTA có hiệu lực) đến hết quí 1-2021, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam bắt đầu cải thiện.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhờ những tác động từ hiệp định EVFTA ngành dệt may Việt Nam đã có bước đột phá trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường này bất chấp dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may đạt được 18,79 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường châu Âu, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt trên 1,4 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ. Trước đó, khi chưa có EVFTA, xuất khẩu mặt hàng dệt may vào thị trường này chỉ đạt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, da giày là một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định EVFTA. Với EVFTA, da giày là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực nhất. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của người dân tại thị trường này đang hồi phục trở lại, số lượng đơn hàng mà đối tác tại EU ký kết với doanh nghiệp da giày Việt Nam tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2020.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời điểm hiện tại, vì nhiều yếu tố khách quan đã cản trở việc tận dụng tốt hơn lợi thế từ hiệp định này. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau, củ, quả Việt Nam, cho biết dù đã có nhiều sản phẩm rau quả Việt Nam xuất qua châu Âu trong thời gian qua, tuy nhiên phần lớn vẫn là các mặt hàng chế biến sẵn. Việc thiếu container dẫn đến việc xuất rau quả tươi bị định trệ. Nếu không, giá trị xuất khẩu của mặt hàng nông sản Việt Nam sang châu Âu sẽ không chỉ dừng lại ở mức tăng 15%.

TS. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định chi phí logistics và nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao làm giảm lợi thế so sánh của hàng hóa Việt Nam khi thực thi EVFTA đối với thương mại giữa các quốc gia trong khối này. Tuy nhiên, trong thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tiếp tục tăng trưởng khi tình hình kinh tế EU đang được cải thiện và có sự hỗ trợ của Hiệp định EVFTA.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỉ đô la Mỹ, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỉ đô la Mỹ, tăng 29,9%, chiếm 73,8%. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 28,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 24,2%. Thị trường EU đạt 22,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,5%.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới