(KTSG Online) - Ngày càng nhiều những nhà bán lẻ hàng xa xỉ ở Hồng Kông, Trung Quốc buộc phải đóng cửa, thu hẹp mặt bằng vì thiếu khách mua từ đại lục, còn chính quyền đặc khu này đang có những chiến lược để kéo du khách đại lục quay lại nhiều hơn.
- Hàng nhái thương hiệu xa xỉ ngày càng tinh vi
- Nhiều khách sạn ở Hồng Kông biến thành ký túc xá sinh viên và căn hộ dịch vụ
Du khách đại lục không còn hăm hở mua đồ hiệu
Trước Covid-19, du khách Trung Quốc giàu có thường chọn Hồng Kông để mua sắm các món đồ hiệu đắt tiền. Hòn đảo vẫn đứng vững trước xu hướng toàn cầu giảm chi tiêu cho các món đồ xa xỉ trước đại dịch.
Tuy nhiên, mọi chuyện hoàn toàn đảo ngược trong các năm sau đó. Sự trỗi dậy của các trung tâm mua sắm hàng miễn thuế ở đảo Hải Nam của Trung Quốc và hành vi tiêu dùng thay đổi đã hoàn toàn đảo lộn bức tranh kinh doanh hàng xa xỉ ở Hồng Kông. Doanh nghiệp và chính quyền đặc khu cũng bắt đầu định hình lại nền kinh tế vốn quá phụ thuộc vào du lịch.
Theo số liệu thống kê, du khách chiếm khoảng 30-40% doanh số bán lẻ ở Hồng Kông, và chính quyền đặc khu đang tăng cường nỗ lực thu hút du khách quay trở lại. Du khách Trung Quốc trước đây thường đi theo đoàn trên các xe buýt lớn, chi tiêu rộng rãi cho các món hàng xa xỉ. Đợt nghỉ lễ Quốc khánh đầu tháng 10 vừa rồi, số khách theo đoàn chỉ chiếm 2% tổng số du khách từ đại lục.
Những thông tin trên báo chí Hồng Kông cho thấy, du khách đại lục đã mua sắm ít hơn và giới trẻ Trung Quốc đặc biệt quan tâm tìm hiểu sâu hơn về Hồng Kông bằng cách kết nối với người dân địa phương và tham gia các trải nghiệm.
Lượng khách đến Hồng Kông hiện chỉ bằng 60% mức của năm 2018. Tổng doanh số bán lẻ của Hồng Kông giảm khoảng 20% so với mức năm 2018. Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thói quen mua sắm hàng hiệu của du khách Trung Quốc, chính quyền và các hãng lữ hành Hồng Kông đang nỗ lực thu hút du khách đại lục đến với thiên nhiên và các điểm giải trí của xứ cảng.
Theo Rosanna Tang, một giám đốc điều hành thuộc Cushman & Wakefield Hong Kong, trước đây, du khách đến Hồng Kông mua sắm "rất nhiều" bởi đây là thiên đường của hàng miễn thuế và hàng hiệu. Nhưng hiện hành vi của du khách đã thay đổi khi họ muốn tìm hiểu sâu về văn hóa địa phương, chú trọng những trải nghiệm cá nhân.
Trong tháng 12 này, chính quyền Hồng Kông cho biết, đang phát triển một số dự án thu hút khách Trung Quốc, từ các lễ hội quy mô lớn đến các tour du lịch xanh ở các đảo nhỏ, hình thành các cung đường đi bộ dài khắp hòn đảo… Hiện vẫn chưa rõ chiến lược mới sẽ hiệu quả ra sao trong việc thu hút dòng tiền của du khách đại lục trở lại.
Nhiều nhãn hàng xa xỉ tái định vị
Dickson Concepts, chủ sở hữu Trung tâm mua sắm cao cấp Harvey Nichols của Anh tại Hồng Kông, đang đi đầu trong những thay đổi như vậy. Sau gần 20 năm hiện diện tại tòa nhà sang trọng Landmark ngay trung tâm xứ cảng, Dickson đã hủy hợp đồng thuê mặt bằng năm tầng tại Landmark. Một dòng thông tin có trong thông cáo của công ty với nội dung - khách du lịch Trung Quốc đến Hồng Kông không còn tập trung vào việc mua sắm như trước đại dịch, là một chỉ dẫn để những ai nhận được thông tin hiểu vì sao Dickson Concepts có hành động nói trên.
Không chỉ Harvey Nichols, các thương hiệu đồ xa xỉ cũng đóng cửa bớt một số cửa hàng như Valentino, Burberry hay Tiffany của tập đoàn LVMH, mặc dù giá thuê mặt bằng ở đây đã giảm khoảng 40% so với năm 2019.
Làn sóng đóng cửa của các thương hiệu xa xỉ, được dự báo vẫn tiếp tục ở Hồng Kông. Vì thế mà giám đốc các thương hiệu cao cấp Caroline Reyl, thuộc hãng quản lý tài sản Asset Management, công ty có cổ phần của LVMH, tin rằng ngành hàng xa xỉ của Hồng Kông khó quay lại thời hoàng kim như trước Covid-19, do sự cạnh tranh mạnh mẽ của đảo Hải Nam.