(KTSG Online) – Đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng gần đây tại miền Bắc đã phần nào dẫn đến tình trạng thiếu điện và mất điện luân phiên tại nhiều khu vực. Cả cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp, người dân cùng linh hoạt xoay xở với các giải pháp thích ứng, trong đó có việc tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, việc hoàn tất đàm phán và đi đến thống nhất giá cả tại hơn 50 dự án năng lượng tái tạo cũng mở ra nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường điện xanh của Việt Nam.
- Đã có 10 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp phát điện thương mại
- Bộ Công Thương đề xuất cơ chế hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà ‘tự sản tự tiêu’
Từ câu chuyện thực tế đến cơ chế dài hạn
Chị Thủy, một người sinh sống tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết, đợt nắng nóng vừa qua khu vực nhà chị bị mất điện liên tục. Mặc dù ngành điện đã lưu ý chỉ cắt điện ban ngày, không cắt điện vào ban đêm nhưng chị Thủy cho hay với những người làm việc tại nhà, mở cửa hàng tạp hóa hay bán hàng ăn tại nhà như chị thì ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, chị tính tới việc đầu tư một hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời áp mái nhà để sử dụng.
Chị Thủy cho biết, sở dĩ chị tính đầu tư giải pháp trên vì hiện thị trường có nhiều doanh nghiệp cung cấp giải pháp này và đã có nhiều gia đình đầu tư hiệu quả. Ví dụ như em gái chị Thủy sinh sống tại TP.HCM đã đầu tư lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời áp mái nhà từ 4 năm nay với giá 80 triệu đồng. Ban ngày hệ thống pin hoạt động đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của gia đình, còn thừa thì bán lại cho nhà nước. Còn buổi tối khi không có ánh nắng mặt trời, gia đình em gái chị Thủy lại dùng điện lưới.
Với cách thức như vậy, thay vì phải trả khoảng 2 triệu đồng tiền điện mỗi tháng như trước, trong 4 năm qua, mỗi tháng nhà em chị Thủy không những không phải trả tiền điện mà còn được nhận lại 500 ngàn đồng.
Không chỉ nhà chị Thủy, việc tần suất mất điện ngày càng tăng thời gian qua tại miền bắc đã làm cho nhiều gia đình ở Hà Nội và các tỉnh thành tính đến việc lắp tấm pin năng lượng mặt trời áp mái.
Trong bối cảnh thiếu điện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương đề xuất ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà. Theo đó cách đây một tuần, cơ quan này đã hoàn thiện dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà - áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất, khi đầu tư phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...
Cơ chế này cũng không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt. Tuy nhiên, hệ thống phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định.
Để thực hiện các cơ chế khuyến khích trên, dự thảo cũng nêu rõ, các bộ, ngành và địa phương có nghiên cứu, hướng dẫn để đơn giản hóa các thủ tục (xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, yêu cầu về an toàn điện) với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho vay; hoặc thiết kế một gói vay lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho khu vực miền Bắc; Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở; nghiên cứu miễn giảm các loại thuế, phí.
Các cơ chế khuyến khích trên được Bộ Công Thương đề xuất nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó đặt mục tiêu đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Dự thảo cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng chương trình vận động, tuyên truyền đến người dân, các cơ quan công sở lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để đặt mục tiêu Quy hoạch điện VIII đã đặt ra. Bên cạnh đó phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát vận hành của hệ thống điện mặt trời mái nhà bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện.
Sở dĩ điện mặt trời trên mái nhà được Chính phủ khuyến khích phát triển vì điện mặt trời trên mái nhà tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát chủ yếu vào ban ngày sẽ làm giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống. Không những thế, việc phát triển điện mặt trời mái nhà còn giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao.
Trước khi cơ chế khuyến khích điện trên được ban hành, đã có nhiều doanh nghiệp, nhà máy đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái để sử dụng.
Giữa tháng 5 vừa qua, Sabeco và Tập đoàn năng lượng SP Group (Singapore) đã công bố triển khai giai đoạn 2 của dự án điện mặt trời tại 9 nhà máy bia của Sabeco với công suất cao nhất lên đến 10,44MWp. Như vậy, tính đến cuối năm nay, Sabeco sẽ có tổng cộng 17 nhà máy sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Giai đoạn 1 của dự án khởi động vào năm 2020, Sabeco đã đầu tư hơn 107 tỉ đồng cho hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà với công suất tối đa 9 MWp.
Theo Sabeco, toàn bộ hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại 17 nhà máy bia được ước tính sẽ đáp ứng gần 23% lượng điện tiêu thụ tại các nhà máy, giúp tiết kiệm 25 triệu kWh điện, tương đương 18.000 tấn CO2 được cắt giảm mỗi năm. Dự án sẽ đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của công ty này vào năm 2050.
Trước đó, Công ty Cổ phần Quản lý Vận hành Khu công nghiệp IMC đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Shire Oak Developers (Shire Oak International) để phát triển điện mặt trời áp mái tại 14 khu công nghiệp do IMC quản lý vận hành - nhằm góp phần tạo ra các khu công nghiệp xanh, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tại Việt Nam theo các cam kết theo COP26.
Ngoài diễn biến nêu trên, thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp cho báo chí cho biết, đến ngày 13-6 đã có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Trong đó có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 536 MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.
Hiện đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất hơn 3.790 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong số này có 59 dự án với tổng công suất 3.211 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá với 55/59 dự án, trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 43 dự án. Cũng theo EVN, hiện vẫn còn 17 dự án với tổng công suất khoảng 940 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Cơ hội cho các nhà cung cấp giải pháp
Việc có ngày càng nhiều các gia đình, nhà máy và khu công nghiệp trên cả nước đang và sẽ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, cùng với động thái trình dự thảo khuyến khích điện mặt trời áp mái tại nhà ở, công sở được dự báo sẽ làm cho thị trường cung cấp giải pháp cho điện áp mái, thiết bị lưu trữ điện thời gian tới sẽ sôi động.
Bên cạnh đó, định hướng của quy hoạch điện VIII cũng có những nội dung giúp thúc đẩy thị trường này nhưnàuwu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu. Phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ. Đến năm 2030 công suất pin lưu trữ đạt 300 MW, đến năm 2050 công suất thủy điện tích năng và pin lưu trữ đạt 45,5 GW. Ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Nghiên cứu xây dựng quy định thu phí đối với các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPthu...
Vốn dĩ là một doanh nghiệp viễn thông và công nghệ, nhưng thời gian gần đây công ty Huawei của Trung Quốc cũng đã tham gia sản xuất các giải pháp năng lượng mặt trời cung cấp tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Tại diễn đàn Cách mạng Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung Ương tổ chức giữa tháng 6 này, ông Lê Nho Thông, Phó Giám đốc Kinh doanh Công nghệ Năng lượng số, công ty Huawei Việt Nam đã trình bày tham luận về giải pháp công nghệ điện mặt trời cho Việt Nam.
Ông Thông cho hay với hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển lĩnh vực điện mặt trời, Huawei đã cung cấp nhiều giải pháp đột phá, thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời và lưu trữ thông minh phát triển. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, Huawei đã triển khai các giải pháp năng lượng số tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ 1/3 dân số thế giới.
Ông Thông cho biết, đến năm 2022, Huawei đang nắm giữ 30% thị phần toàn cầu của thị trường hệ thống điều khiển điện mặt trời thông minh, với tổng công suất lên tới 300GW. Năm 2022, bộ lưu trữ năng lượng chuỗi thông minh (Smart String ESS) của Huawei cũng chiếm 14% thị phần toàn cầu. Các giải pháp công nghệ năng lượng số của Huawei đã góp phần sản xuất ra 7.695 tỷ kWh điện xanh, giảm phát thải 3,5 triệu tấn carbon - tương đương với việc trồng 4,8 tỉ cây xanh - đóng góp to lớn vào tương lai chuyển đổi năng lượng xanh và thông minh hơn của thế giới.
Huawei đã cung cấp rất nhiều giải pháp điện mặt trời thông minh cho các nhà máy và dân dụng tại Việt Nam.
Ông Thông nhấn mạnh, nếu 10 năm trước ngành điện mặt trời phát triển công nghệ chuỗi thông minh, thì công nghệ lưu trữ thông minh (ESS) sẽ được ứng dụng rộng rãi trong 10 năm tới. Sự kết hợp của điện mặt trời và bộ lưu trữ thông minh sẽ tăng tốc đưa điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng chính trong tương lai. Trong khi đó, tổ hợp “Điện mặt trời - bộ lưu trữ thông minh - lưới điện - nhà máy điện ảo” sẽ tạo ra các siêu nhà máy phát điện mặt trời thông minh.
Cũng tại diễn đàn trên, ông Nguyễn Thế Nghĩa, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty sản xuất thiết bị Viettel cho hay: “Viettel đã tham gia sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng công suất nhỏ (< 5 kW) sử dụng cho các trạm viễn thông BTS, cho mục đích sinh hoạt và sản xuất của các hộ gia đình, trang trại nhỏ, tòa nhà văn phòng.”
Bên cạnh đó, Viettel cũng sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng công suất lớn (> 100 kW) dùng cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời, lưu trữ cho các khu công nghiệp, nhà máy lắp đặt điện mặt trời áp mái không sử dụng hết công suất. Viettel đã ký hợp đồng với đối tác, đang triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng công suất 100 kW/ 500 kWh tại tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, Viettel đã hoàn thành nghiên cứu, chế thử, đang thử nghiệm tại một số trạm thu và phát sóng Viettel hệ thống điện gió công suất nhỏ (< 5 kW). Ngoài ra hệ thống điện gió công suất nhỏ này còn có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên các đảo nhỏ ven biển, nhà giàn cho hải quân. Dùng cho mục đích sinh hoạt cho các hộ gia đình, văn phòng làm việc trên các tòa nhà, trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (trồng Thanh Long, nuôi tôm…).
Nói về những thách thức, khó khăn khi doanh nghiệp nội tham gia phát triển các giải pháp điện sạch, ông Nghĩa cho hay chi phí đầu tư lớn, chưa rõ bài toán thị trường đầu ra, phải cạnh tranh với đối thủ từ nước ngoài đã có thương hiệu. Bên cạnh đó, Chính phủ chưa có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển ngành năng lượng xanh như: vốn vay ưu đãi dài hạn, bảo hộ đầu ra hoặc giao doanh nghiệp trong nước các dự án thí điểm cấp quốc gia... Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tham khảo chính sách phát triển điện gió, pin năng lượng mặt trời của chính phủ Trung Quốc, Úc...
Ông Nghĩa cũng kiến nghị, đề xuất Chính phủ cho phát triển thí điểm điện gió ngoài khơi có sự tham gia của các tập đoàn lớn nhà nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất thiết bị năng lượng xanh trong nước. Chính phủ yêu cầu các nhà đầu tư phải có tỉ lệ nội địa hóa ít nhất 30% để phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh.
Giải thích vì sao không cho hộ bán điện dư thừa lên lưới cho những hộ xung quanh dùng trong khi bị thiếu điện! Đây là điểm mấu chốt khuyến khích người dân lấp điện mặt trời! A bỏ nó đi rồi thì cái gì khuyến khích đây!