Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều vấn đề được TPHCM kiến nghị đến Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại buổi làm việc với TPHCM sáng ngày 16-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, TPHCM phát triển tốt thì thì tác động lan tỏa cả nước, thúc đẩy cả nước phát triển. Ngược lại, TPHCM khó khăn thì cả nước cũng khó khăn.

Buổi làm việc nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội của TPHCM, nhất là trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế quí 1 của thành phố chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và gặp khó về đơn hàng, nguồn vốn, sức mua người tiêu dùng giảm.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị nhiều vấn đề đến Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, trong đó kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tổ công tác tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu dự cuộc làm việc – Ảnh: báo Chính phủ

Sáng 16-4, Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu định hướng buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò, tầm quan trọng của TPHCM trên các lĩnh vực. Thủ tướng cho biết buổi làm việc này sẽ đánh giá tình hình kinh tế – xã hội quí 1 của TPHCM, qua đó cùng tìm các giải pháp, nhiệm vụ sát tình hình thành phố, làm sao khắc phục được hậu quả của đại dịch Covid-19.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ, tình hình suy giảm kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ của các nước đang gây tác động khó khăn đến Việt Nam và TPHCM nói riêng. Ngoài ra, các vấn đề nội tại của nền kinh tế ngày càng được bộc lộ sâu sắc những điểm yếu, khó khăn, vướng mắc.

Sau khi tập trung vào nhiệm vụ khôi phục kinh tế lại chịu sự biến động trong thị trường bất động sản, biến động trong thị trường lao động và nhiều ngành, nhiều lĩnh vực…

“Từ tình hình như vậy, chúng ta cần nhiệm vụ, giải pháp thế nào cho phù hợp, chắc chắn, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả. Chúng ta cần tìm ra lời giải theo phương châm như vậy”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan, buổi làm việc cùng bàn, đưa ra giải pháp khắc phục. “Với tình hình như thế, chúng ta có nhiệm vụ, giải pháp như thế nào để phù hợp, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả”, Thủ tướng định hướng.

Thủ tướng cũng đặt câu hỏi, vừa qua, nhiều chính sách được ban hành đã tác động thế nào đến TPHCM. Trong 3 tháng đầu năm, hàng loạt nghị quyết, nghị định, thông tư đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo, điều hành.

“Những chính sách này đã vào được TPHCM chưa, chưa vào hay vào đến đâu rồi, mức độ thế nào? Đơn cử như việc tháo gỡ vướng mắc về mua bán trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc, vật tư y tế, chúng ta đã có nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng hôm qua làm việc với Bệnh viện Ung bướu, chúng tôi vẫn thấy còn khó khăn”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

“TPHCM là đầu tàu về GDP, ngân sách cũng như nhiều lĩnh vực, kể cả những tác động vô hình. Nếu TPHCM phát triển tốt thì tác động lan tỏa cả nước, thúc đẩy cả nước phát triển. Ngược lại, TPHCM khó khăn thì cả nước cũng khó khăn”, Thủ tướng lưu ý, và yêu cầu các đại biểu cùng thảo luận theo phương châm tìm nhiệm vụ, giải pháp như thế nào để phù hợp, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, trong quí 1-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương ở mức rất thấp, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng. Các doanh nghiệp cũng tiếp tục cắt giảm lao động và gặp khó về đơn hàng, nguồn vốn, sức mua người tiêu dùng giảm.

Việc giải ngân vốn đầu tư công thấp (đạt 4%); tiến độ và nội dung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp của các sở, ban, ngành chưa đạt yêu cầu; việc sắp xếp tổ chức bộ máy một vài tổ chức và tiến độ kiện toàn các tổ công tác liên ngành còn chậm. Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 0,7% so với cùng kỳ.

“Trước những khó khăn, thách thức trong quí 1, qua đánh giá tình hình, trước mắt, thành phố chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 7,5%. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tăng cường sự lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và theo tình hình, yêu cầu thực tế hiện nay, tạo sự đoàn kết, thống nhất hành động quyết liệt hơn nữa trong hệ thống chính trị”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập tổ công tác của Chính phủ cùng TPHCM nghiên cứu việc tái cơ cấu nền kinh tế, xác định động lực, cơ chế đột phá để TPHCM phát triển nhằm thực hiện đúng vai trò theo Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Theo Chủ tịch UBND TPHCM, đây là việc dài hạn nhưng rất quan trọng cho phát triển của thành phố trong tương lai.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép TPHCM thí điểm thực hiện cấp giấy phép lao động điện tử cho người lao động nước ngoài để phù hợp với chủ trương của chuyển đổi số. Đồng thời, có cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án điện mặt trời mái nhà; chủ động quyết định giá cụ thể của sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi.

Ngoài ra, TPHCM kiến nghị xem xét sửa đổi bổ sung các văn bản như Nghị định 152 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tuyển dụng quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Quyết định 46 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp đào tạo dưới 3 tháng theo mức tăng mức hỗ trợ; Nghị quyết về điều chỉnh giá điện các cơ sở lưu trú du lịch.

Liên quan đến sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, TPHCM kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND TPHCM giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, cho chủ trương để TPHCM phối hợp với các bộ ngành trung ương sắp xếp lại các cơ sở nhà đất trên địa bàn TPHCM.

Lãnh đạo TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về phương án sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa cũng như doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa chuyển mục đích sử dụng đất. Thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tổ công tác tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản.

Cùng với đó, chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm của vùng, liên vùng. Cụ thể là dự án Cao tốc TPHCM – Mộc Bài, dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TPHCM – Trung Lương, dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, dự án Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Các dự án đường sắt: dự án đường sắt TPHCM – Cần Thơ, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, ga đường sắt Thủ Thiêm, ga đường sắt Bình Triệu, các dự án đường sắt đô thị và đặc biệt quan tâm bố trí vốn đầu tư trang thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ của TPHCM.

Trước đó (chiều 15-4), đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng dẫn đầu đã có mặt tại TPHCM. Đoàn công tác đã có buổi khảo sát, đi thử nghiệm đoàn tàu metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên (TP. Thủ Đức, TPHCM).

Đây là lần thứ hai Thủ tướng đến thăm dự án tuyến đường sắt đô thị số 1. Tháng 7-2022, Thủ tướng đã có chuyến thị sát nhà ga trung tâm Bến Thành và ga Ba Son. Đoàn công tác của Thủ tướng cũng đến thị sát công trường xây dựng nút giao An Phú ở TP. Thủ Đức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới