Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều ý kiến trái chiều về việc áp thuế suất 5% với phân bón

Thùy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc áp thuế hay không áp thuế suất 5% đối với phân bón vẫn đang nhận về nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, một số ý kiến đại biểu nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%. Ảnh: TL

TTXVN đưa tin, sáng 29-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%. Tuy nhiên, một số ý kiến lại đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thuế giá trị gia tăng đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế giá trị gia tăng số 71, tức chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã gây nhiều ảnh hưởng cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước trong thời gian qua.

Nguyên nhân là do thuế giá trị gia tăng đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định. Điều này làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Tại đây, một số đại biểu cho rằng, khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, tăng giá bán dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.

Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, phân bón hiện là mặt hàng được nhà nước bình ổn giá. Vì vậy, cơ quan chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành để trục lợi, gây biến động về giá trên thị trường.

Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Bàn luận tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết, nếu áp mức thuế suất 5%, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ giá đầu vào. Quy định này chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu.

Ngược lại, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích, phân bón chiếm một phần lớn trong chi phí sản xuất của nông dân. Việc không áp dụng thuế VAT 5% sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho nông dân. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn tạo điều kiện tái đầu tư sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.

Trong bối cảnh nông nghiệp vẫn là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành này là cần thiết. Nếu áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón, chi phí sản xuất sẽ tăng, dẫn đến giá thành nông sản tăng, có thể giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, tác động tiêu cực đến người tiêu dùng…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới