Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhìn lại 10 dấu ấn kinh tế năm 2021

KTSG Online

(KTSG Online) – Năm 2021, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Trước các diễn biến của đại dịch, bức tranh kinh tế không thể màu hồng nhưng cũng không vì thế mà trở nên u ám. Đi qua những giai đoạn khó khăn do đại dịch gây ra, những tín hiệu phát triển kinh tế hình thành, nhất là lĩnh vực kinh tế số.

Dưới đây là những dấu ấn về kinh tế Việt Nam trong năm 2021 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn bình chọn.

Quí 3 năm 2021 cũng là lần đầu tiên có tới 18/19 tỉnh thành phía Nam (đóng góp hơn 44% GDP cả nước) cùng tăng trưởng âm. Riêng đầu tàu kinh tế TPHCM dẫn đầu với mức giảm GDP tới 24,39%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%. Đó là hệ quả của việc hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh vì giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.

Dù Chính phủ đặt kỳ vọng năm 2021 GDP cả nước tăng trưởng từ 3 đến 3,5%, nhưng đây cũng là mục tiêu khá thách thức và con số đạt được trên thực tế là tăng 2,85%.

Một trong những hình ảnh gây ám ảnh nhất trong năm 2021 là hành trình hồi hương khốc liệt của người lao động nhằm chạy thoát khỏi sự bùng dịch ở các tỉnh, thành phố lớn phía Nam. Nguồn cơn của cuộc hành trình có nhiều lý do, có thể là mất việc, cạn tiền trong khi vẫn còn nhiều sức ép khác như phải trả tiền thuê nhà, lo sợ dịch bệnh và hơn hết là các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Chưa khi nào lịch sử ghi nhận số doanh nghiệp bị khai tử nhiều hơn thành lập mới như vậy. Số liệu này, theo Tổng cục Thống kê, có thể còn chưa phản ảnh hết thực tế.

Nhiều doanh nghiệp không chấp nhận đóng cửa hoặc không thể đóng cửa vì các lý do như hợp đồng với đối tác, giữ chân lao động đã có, đã lần đầu tiên trong lịch sử trải nghiệm mô hình sản xuất ba tại chỗ (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ). Đây là mô hình được áp dụng thành công tại Bắc Ninh trong đợt bùng phát dịch bệnh trước đó. Tuy nhiên khi áp dụng với các tỉnh thành phía Nam lại trở nên bất cập và càng kéo dài lại càng là gánh nặng khủng khiếp với doanh nghiệp.

Áp lực tài chính đè nặng lên vai doanh nghiệp khi vừa phải chuyển đổi công năng nhà xưởng, lắp đặt thêm khu vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ cho công nhân vừa trả chi phí xét nghiệm định kỳ mỗi tuần. Chi phí cho người lao động tăng lên nhưng năng suất lại giảm, những rủi ro bùng phát dịch bệnh đã xuất hiện vài nơi vì điều kiện cách ly tại chỗ hạn chế.

Trong điều kiện sản xuất, sinh hoạt bị hạn chế nhiều, mô hình sản xuất “ba tại chỗ” đang bị đẩy đến giới hạn chịu đựng và có nguy cơ đổ vỡ nếu kéo dài hơn một tháng. Suy cho cùng, các công ty, nhà máy chỉ được thiết kế để phục vụ hoạt động sản xuất nên không thể biến doanh nghiệp thành khu dân cư lâu dài. Dù nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được mô hình sản xuất này đến khi tình trạng dịch bệnh được kiểm soát nhưng để nói thành công thì không thể. Đó chỉ có thể là trải nghiệm đáng nhớ mà doanh nghiệp không bao giờ muốn lặp lại.

Khi dịch bệnh xảy ra, điều không ai lường trước được là nó hạn chế các kết nối thực, nền kinh tế vật chất bị đứt gãy ở cả hai chiều cung lẫn cầu và giao tiếp xã hội. Tất cả chợ đầu mối và hơn phân nửa chợ truyền thống tại TPHCM đóng cửa, còn hàng hoá từ các tỉnh không thể thông chốt gây ra những đứt gãy trong lưu thông. Hình ảnh siêu thị mở cửa với những kệ hàng trống không đã xuất hiện, ngay cả những mặt hàng thiết yếu cũng trở nên khan hiếm. Hay việc bán online bị quá tải vì lực lượng giao nhận chuyên nghiệp phải ngồi im trong nhà vì các biện pháp phòng dịch.

Việc đi chợ bằng “tem phiếu”, “đi chợ hộ”, hay đi theo ngày chẵn, ngày lẻ tưởng chừng chỉ còn trong hoài niệm thì ngay trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh người dân nhiều tỉnh thành đã được trải nghiệm thực tế. Khi được ra đường để đi chợ thì người tiêu dùng lại vướng rắc rối với danh mục “hàng thiết yếu” và các quy định thiếu đồng nhất giữa các địa phương.

Chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng bị đứt gãy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân; còn đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đã đặt nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực sống còn. Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, chuỗi cung ứng vẫn chưa thể cải thiện khi hơn 4.550 container nông sản, linh kiện điện tử vẫn đang ùn ứ nửa tháng qua tại Lạng Sơn, chờ thông quan sang Trung Quốc.

Trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp khó khăn vì dịch bệnh thì nghịch lý lại diễn ra. Cuối năm 2021, phiên đấu giá đất vô tiền khoáng hậu ở Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) với mức giá kỷ lục 2,4 tỉ đồng một mét vuông đã gây xôn xao dư luận.

Đã có rất nhiều phân tích về hệ lụy của thị trường về mức trúng giá này gây ra. Trong đó lo ngại việc phát triển nhà ở giá rẻ cho người dân thu nhập thấp ở đô thị sẽ ngày một trở nên khó khăn hơn. Sau bài học từ Covid-19 vừa qua có thể vấn đề này được đặt lên cân nhắc một cách hợp lý và thực chất trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc đấu giá đất xác lập kỷ lục vừa qua có thể là một chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề nếu các chính sách phát triển nhà ở giá thấp thực sự hướng về người thu nhập thấp. Trong đó cần hài hòa bài toán lợi ích phát triển để đảm bảo công bằng xã hội. Nhà nước có thể đấu giá các vị trí đất vàng với giá cao nhưng số tiền thu được cũng cần được phân bổ một phần để đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân.

Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu* của nền kinh tế nhưng trong dịch bệnh điều này lại trở nên mâu thuẫn khi diễn biến trái ngược với đà giảm sút của hầu hết các lĩnh vực sản xuất.

Nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán, dòng tiền như thác đổ vào thị trường khiến mọi kỷ lục trước đây đều bị xô đổ trong 2021, một năm u ám của nền kinh tế. VN-Index phá đỉnh cũ 1.204 điểm của tháng 4-2018 rồi tăng nhanh lập kỷ lục mới 1.500 điểm. Chỉ số này đã tăng 34% trong năm 2021, vượt qua cả các thị trường vốn lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Mặt bằng lãi suất thấp là lý do dòng tiền tạo nên sự bùng nổ cho thị trường chứng khoán năm qua, tuy nhiên điều đó cũng dấy nên nỗi lo bong bóng tài sản khi áp lực lạm phát 2022 đang rất lớn.

Theo ví von của giới đầu tư, 2021 còn là một năm “hoang dã và đầy cảm xúc” với nhân tố mới là các tài sản số (NFT).

Cũng như chứng khoán, kênh đầu tư này lên ngôi khi các kênh thay thế không hấp dẫn, lãi suất tiền gửi ngày càng giảm. Nếu ở những kênh đầu tư truyền thống, lãi 30-50% đã là con số ấn tượng thì trên thị trường tiền số, khoản lợi nhuận có thể gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần. Cũng chính vì thế, lòng tham và nỗi sợ của những nhà đầu tư mới, ở đây là nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO), trở thành động lực giúp tiền số, tài sản số tạo cơn sốt.

Nhưng ở thị trường nào tỷ suất lợi nhuận khổng lồ cũng kèm theo rủi ro rất lớn. Rủi ro trước mắt của các kênh đầu tư này là tiền số vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam, điều này có nghĩa các giao dịch sẽ không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Vì vậy thời gian qua đã chứng kiến hàng loạt dự án lừa tiền của nhà đầu tư (scam), các token giả được tạo ra nhan nhản ăn theo những “cơn sóng FOMO”.

Một điểm sáng trong một năm u ám 2021 đó là thương mại điện tử. Trên thực tế, thương mại điện tử trước đây được nhiều nhà bán lẻ xem là một sự lựa chọn cộng thêm hơn là một chiến lược kinh doanh quan trọng. Khi Covid-19 định hình lại hành vi của người tiêu dùng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử đã trở thành một kênh hiệu quả để các công ty, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhà xuất khẩu, tiếp cận người tiêu dùng nội địa lẫn bán hàng xuyên biên giới.

Nhờ thương mại điện tử, 200.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã đươc bán ra trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Từ câu chuyện xoay sở kết nối cung cầu trên internet của Bắc Giang lẫn người dân cả nước trong giai đoạn bùng phát của dịch bệnh cho thấy TMĐT đã bước một bước dài trên hành trình thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.

Đây là kết quả tích cực, sau gần nửa năm trầm lắng do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư. Với những nỗ lực thần kỳ từ tháng 9 hoạt động xuất khẩu dần sôi động trở lại, chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài. Đến nay, 34 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ đô la trở lên, trong đó có 7 nhóm đạt trên 10 tỉ đô la. Tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến tăng còn nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản giảm. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với giá trị hơn 86 tỉ đô la, tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số, chuỗi cung ứng dần toàn cầu hồi phục dần sau dịch và nhu cầu của các thị trường tăng trở lại là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong các tháng cuối năm.

Ở chiều nhập khẩu, có 5 nhóm hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỉ đô la. Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất hàng hoá của Trung Quốc (hơn 99 tỉ đô la), sau đó đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Thông qua các con số trên nhiều bài học lớn về dự án đầu tư trọn gói (gói thầu EPC) được rút ra như tính đồng bộ của pháp lý, chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng… khiến cho dự án kéo dài, đội vốn gây bức xúc dư luận.

Ngoài tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội thì ngành GTVT trong năm qua cũng có thêm sự kiện nổi bật khi Vietnam Airlines chính thức nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng thương mại không điểm dừng giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 26-11. Thông qua các chuyến bay thương mại thường lệ của Vietnam Airlines đến Mỹ mang một diện mạo mới cho hãng nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung. Đồng thời, những giá trị rất lớn về cầu nối thương mại, phục hồi kinh tế, bên cạnh về cơ hội về di chuyển cũng như giao thương giữa hai thị trường trong tương lai.

Tin mới