Nhìn lại 30 năm cải cách kinh tế của Trung Quốc
![]() |
30 năm qua, Trung Quốc đã tiến một bước dài trên đường phát triển |
(TBKTSG)- Trung Quốc chuyển mình từ những thay đổi do ông Đặng Tiểu Bình đề ra 30 năm trước. Nhưng tiếp tục cải tổ như thế nào trong tình hình mới là vấn đề đang tranh luận sôi nổi trong xã hội Trung Quốc hiện nay.
Tại hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 18 đến 22-12-1978, ông Đặng Tiểu Bình đã đọc một bài diễn văn quan trọng, kêu gọi cán bộ đảng viên từ bỏ những ràng buộc ý thức hệ và thay đổi não trạng để tiếp thu những chương trình cải cách kinh tế theo hướng thị trường. Hội nghị này được coi là bước ngoặt lịch sử, là điểm khởi đầu cho công cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc.
Tuần này, Trung Quốc đang kỷ niệm 30 năm ngày diễn ra bước ngoặt đó. Và họ có nhiều thành tích để khoe - đưa được 200 triệu người ra khỏi cảnh nghèo đói, nâng tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc vào tổng sản lượng toàn cầu từ 1,8% năm 1978 lên 6% hiện nay và gia tăng sản lượng lương thực gần 70% so với khi bắt đầu cải tổ… Sẽ có nhiều cuộc triển lãm, hòa nhạc và vô số những bài diễn văn xưng tụng; nhưng cũng đang có những lo toan trong đầu óc các nhà lãnh đạo Trung Quốc về chặng đường sắp tới.
Dò đá qua sông
Ông Đặng, qua đời năm 1997, thường được giới lãnh đạo Trung Quốc coi là kiến trúc sư trưởng của công cuộc cải tổ, cứ như ông là người vạch sẵn những thay đổi mà Trung Quốc trải qua trong 30 năm qua. Theo giới nghiên cứu nước ngoài, thực tế không hẳn như vậy.
Những yêu cầu của xã hội Trung Quốc về khôi phục kinh tế đã sôi sục từ lâu trước năm 1978 sau những thất bại cay đắng của Cách mạng Văn hóa; và sự hòa hoãn chính trị với phương Tây, tạo điều kiện cho Trung Quốc mở cửa hội nhập, thực tế cũng đã bắt đầu trước cuộc gặp Mao Trạch Đông - Richard Nixon năm 1972 khi phương Tây quyết định bắt tay với Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô.
Lúc ông Đặng trở lại chính trường sau hai lần “thất sủng”, thông điệp chính của ông là hãy tập trung phát triển kinh tế thay cho những phong trào đấu tranh chính trị đầy tai họa. Phát triển như thế nào thì ông Đặng cũng chưa biết được, song cốt lõi là người dân phải có lợi, câu nói nổi tiếng của ông “Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, bắt được chuột là tốt” thể hiện cái tư tưởng thực dụng đó.
Ông Đặng tự nhận mình là người “dò đá qua sông”, bên kia sông như thế nào thì chưa hình dung được. Nghị quyết hội nghị tháng 12-1978 của đảng Cộng sản Trung Quốc và nhiều văn kiện thời đó thậm chí chưa hề có từ “mở cửa”, và chỉ nói tới “cải tổ” một lần duy nhất. Mãi đến năm 1992 - khi cuộc cải cách đã đi được nửa đường, mới xuất hiện thuật ngữ “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, nhưng các quan chức giải thích khái niệm này cũng theo cách “dò đá qua sông”, nghĩa là rất mơ hồ. Sự mơ hồ đôi khi hữu dụng, nó cho phép nhà lãnh đạo được linh hoạt trong việc hoạch định chính sách và dễ dàng xây dựng sự thỏa hiệp giữa những phe phái đối kháng và nhờ vậy những cải cách kinh tế thực dụng của ông Đặng đã “len lén” đi vào đời sống Trung Quốc mà không gây ra sự chống đối đáng kể nào.
Trường hợp chủ trương cho phép nông dân được quyền sử dụng đất là một minh chứng. Cuối năm 1978, khi ông Đặng đọc diễn văn tại hội nghị Bắc Kinh thì ở tỉnh An Huy nông dân đã bắt đầu chia chác những khoảnh ruộng của công xã và tự quyết định kế hoạch canh tác. Hành vi “xé rào” của họ nhận được sự ủng hộ của tỉnh ủy, do ông Vạn Lý, một đồng minh thân cận của ông Đặng, lãnh đạo. Năm sau, 1979, một dự thảo nghị quyết về giao khoán ruộng cho nông dân đã bị phản đối quyết liệt vì nhiều người vẫn còn say mê các công xã nông thôn thời ông Mao. Nhưng rồi ở nhiều địa phương nông dân lẳng lặng “xé rào” như nông dân An Huy và đến năm 1984, khi công xã chính thức bị giải thể thì trong thực tế nhiều công xã chỉ còn cái tên gọi.
Tương tự, những cải cách quan trọng khác cũng bắt đầu từ những thay đổi lén lút trong thực tế đời sống, có khi người khởi xướng bị trừng phạt nặng nề, rồi một thời gian sau mới được đúc kết và nâng lên thành đường lối, chính sách áp dụng trong cả nước. Công cuộc cải tổ kinh tế của Trung Quốc thực tế là tiến hành từ dưới lên chứ không hẳn là từ trên xuống, theo những chủ trương, đường lối vạch sẵn.
Hai giai đoạn cải tổ
Mười lăm năm đầu tiên cải cách mở cửa của Trung Quốc là giai đoạn dò dẫm, thiếu tự tin và chưa dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ. Những thành tựu lớn nhất của Trung Quốc xuất hiện trong thời kỳ mười lăm năm gần đây, khi thực hiện hai chủ trương lớn làm nòng cốt cho quan niệm “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”: cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hóa nhà ở đô thị, bắt đầu từ năm 1992; trong đó công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã đẩy hàng chục triệu người vào cảnh thất nghiệp.
Vào cuối thập niên 1980, dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt trong giới lãnh đạo Trung Quốc về đường lối cải cách: một số người cho rằng kinh tế tập trung và kiểm soát chặt chẽ toàn xã hội là điều kiện thiết yếu để duy trì ổn định, những người khác cho rằng tình trạng hỗn loạn bắt nguồn từ chính các điều kiện đó. Cuộc tranh luận bất phân thắng bại cho đến năm 1992, khi ông Đặng Tiểu Bình, khi ấy đã về hưu, quyết định ra tay xác lập đường lối cải cách theo thị trường và đưa ra khái niệm “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc bắt đầu từ đó, đi theo một lý thuyết kinh tế tự do, từng bước mở rộng tự do kinh doanh và đầu tư, tìm cách hội nhập với kinh tế toàn cầu qua việc tận dụng nhân công giá rẻ để biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới và những chính sách duy lợi về tài chính, công nghệ.
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, cùng với những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa phương Tây càng làm cho đường lối cải cách thận trọng của Trung Quốc thêm hấp dẫn các nước đang phát triển, hình thành cái gọi là “sự đồng thuận Bắc Kinh” như là một mô hình thay thế cho kinh tế thị trường tự do “đồng thuận Washington” trước đây.
Tác giả của khái niệm “đồng thuận Bắc Kinh”, nhà kinh tế Joshua Cooper Ramos, từng viết vào năm 2004: “Những gì đang xảy ra ở Trung Quốc hôm nay không chỉ là một mẫu mực cho Trung Quốc mà còn bắt đầu tái lập lại (remake) toàn bộ bức tranh phát triển quốc tế, cả về kinh tế, xã hội và chính trị”.
Đường xa nghĩ nỗi sau này
Cái giá mà xã hội Trung Quốc phải trả cho những thành tựu của công cuộc cải tổ kinh tế cũng không phải là nhỏ: môi trường tan nát; tham nhũng lan tràn, hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và đô thị ngày càng rộng.
Nhìn lại 30 năm cải cách, một lần nữa xã hội và giới lãnh đạo Trung Quốc lại băn khoăn về hướng đi sắp tới. Những nhà kinh tế tự do ở Trung Quốc vẫn than phiền rằng Trung Quốc chưa thật sự là nền kinh tế thị trường. Đồng tiền Trung Quốc chưa được tự do chuyển đổi khiến cho dòng vốn đầu tư vào và ra khỏi Trung Quốc đều bị kiểm soát chặt chẽ; giá cả các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, lương thực đều do nhà nước quy định. Doanh nghiệp tư nhân đang sản xuất ra hai phần ba sản lượng của đất nước nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn thống trị những ngành then chốt như ngân hàng, viễn thông, năng lượng và truyền thông. Từ năm 2001-2006, số doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc giảm từ 370.000 xuống còn 120.000 doanh nghiệp nhưng thành phần kinh tế này vẫn nắm giữ tới 1.300 tỉ đô la Mỹ và độc quyền kinh doanh.
Theo ông Cao Siyuan, nhà kinh tế góp phần soạn thảo Luật Phá sản của Trung Quốc năm 1980 và nay điều hành một công ty tư vấn về phá sản, thì công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc đã bị chững lại, doanh nghiệp nhà nước còn được trao thêm nhiều đặc quyền trong các lĩnh vực mà chính phủ cho là mang tính chiến lược. Hiện tượng chững lại này được cho là do giới lãnh đạo lo ngại phản ứng của người dân trước những tác động tiêu cực của công cuộc cải tổ doanh nghiệp như nạn thất nghiệp và tình trạng chiếm đoạt của công. Rải rác đã có nhiều ý kiến của giới chuyên gia trong và ngoài nước Trung Quốc bình luận rằng công cuộc cải cách kinh tế của nước này đang có chiều hướng dừng lại, thậm chí đảo ngược. Để đối phó với những tác động tiêu cực của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu như thị trường thu hẹp, xuất khẩu giảm sút, số nhà máy đóng cửa, phá sản và số công nhân mất việc ngày càng nhiều và rải rác đã bùng lên thành những vụ bất ổn, chính quyền Trung Quốc càng gia tăng sự hỗ trợ và kiểm soát nền kinh tế chặt chẽ hơn trước.
HUỲNH HOA (Tổng hợp từ Economist, Reuters)
Trao lại quyền cho dân Ngày 31-8-2008 trong một hội nghị được truyền hình trực tiếp phát động phong trào “giải phóng tư tưởng thêm nữa”, ông Trương Xuân Thiên (Zhang Chunxian), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hồ Nam, đã có một phát biểu quan trọng. Theo ông Trương, công cuộc cải tổ 30 năm qua tập trung vào việc “trao cái lợi (li) cho nhân dân” và giờ đây công cuộc cải tổ sẽ đặt trọng tâm vào việc “trao quyền (yuan) cho nhân dân”. Trao cái lợi cho nhân dân là cốt lõi của chính sách đổi mới 30 năm qua: tư nhân hóa những lợi ích kinh tế trước đây nhà nước nắm giữ trong khuôn khổ nền kinh tế kế hoạch tập trung. Nhưng trao quyền cho nhân dân là thế nào? Ông Trương đã cố ý không giải thích rõ nên người nghe có thể suy diễn theo nhiều cách khác nhau. Trong tiếng Trung Quốc, chữ quyền (yuan) có thể được hiểu là quyền lợi hay quyền lực; tuy nhiên đối xứng với chữ lợi ở vế trên, chữ quyền trong phát biểu của ông Trương nên được hiểu là quyền lực; có thể ông Trương muốn ám chỉ việc nhà nước Trung Quốc trao lại cho người dân một số quyền lực nào đó. Giới phân tích bình luận, phát biểu “trao lại quyền cho dân” của ông Trương nhắm tới những cải cách chính trị mà theo đó người dân sẽ có thêm tiếng nói trong những vấn đề chính trị và công cộng. Phát biểu của ông Trương - một ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc - hàm ý rằng Trung Quốc sẽ làm một điều gì đó để cải thiện tình hình. Người ta hy vọng, người dân Trung Quốc sẽ có một vai trò lớn hơn trong việc giám sát sự thực thi quyền lực của chính phủ. (Theo Asia Times Online) |