Thứ Sáu, 18/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhìn lại khủng hoảng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhìn lại khủng hoảng

Thư Hoài

Sách dày 344 trang, giá 65.000 đồng.

(TBKTSG) - Có thể nói giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã qua. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới hồi phục như thế nào, nhanh hay chậm còn là câu hỏi không dễ trả lời.

Theo các chuyên gia kinh tế, một chỉ dấu quan trọng của sự hồi phục kinh tế là tỷ lệ thất nghiệp. Thế nhưng mới đây, trong cuộc hội nghị thượng đỉnh việc làm ở nước Mỹ - tâm điểm của cuộc khủng hoảng - người ta đã đưa ra con số hiện có khoảng 15,7 triệu người Mỹ không có việc làm, tức tỷ lệ thất nghiệp là 10,2% - cao nhất từ năm 1982 và vẫn tiếp tục tăng (báo Tuổi Trẻ, 4-12-2009). Nói như vậy để thấy rõ thêm quy mô lớn lao và hệ quả nặng nề của cuộc khủng hoảng còn kéo dài và phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể khắc phục hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục tìm hiểu thực chất của cuộc khủng hoảng và phân tích các vấn đề đặt ra từ cuộc khủng hoảng vẫn mang tính thời sự và cần thiết. Cuốn sách Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và giải pháp của Việt Nam do Thời báo Kinh tế Sài Gòn hợp tác với Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa xuất bản đã phần nào đáp ứng nhu cầu đó.

Đây là một tuyển tập gồm 54 bài viết về cuộc khủng hoảng kinh tế đã đăng trên  Thời báo Kinh tế Sài Gòn từ lúc khởi phát cho đến cuối tháng 8-2009.

Bằng sự am hiểu chuyên môn và với sự phân tích sắc sảo, các chuyên gia kinh tế như Trần Văn Thọ, Vũ Quang Việt, Lê Đăng Doanh, Trần Hữu Dũng, Võ Tá Hân, Nguyễn Quang A, Lê Hồng Giang, Vũ Thành Tự Anh, Hồ Quốc Tuấn, Huỳnh Thế Du, Huy Nam… - và đặc biệt là các cuộc phỏng vấn hai nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới là GS.Paul Krugman (Nobel 2008) và Michael Porter nhân dịp họ đến Việt Nam - sẽ giúp độc giả có một cái nhìn toàn cảnh về cuộc khủng hoảng từ Mỹ lan ra khắp thế giới, cố gắng làm rõ thực chất và hệ lụy của nó cũng như phân tích hiệu quả của những nỗ lực giải cứu.

Điều quan trọng là từ đó có thể rút ra những bài học, những ý nghĩa cốt lõi về mặt nhận thức kinh tế - xã hội.

Nhìn một cách tổng quát, cuộc đại suy thoái lần này chính là hậu quả của lòng tham quá độ lấn át các quy chuẩn an toàn, của quan điểm đề cao thị trường tự do tối đa kiểu “laissez faire” thuần túy và sự hướng vọng về một nền kinh tế tiền tệ (monetary economy) phát triển quá cao đến mức khó kiểm soát. Nói như GS.Trần Văn Thọ: “Bây giờ là lúc phải trở lại với nền kinh tế thật (real economy), và trên cơ sở một nền kinh tế thật vững chắc mới có thể có một nền kinh tế tiền tệ phát triển trong ổn định”.

Đối với nền kinh tế nước ta, các tác giả cũng phân tích cho thấy cuộc khủng hoảng đã buộc chúng ta phải xem xét, điều chỉnh lại mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa trên xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bởi thực tế cho thấy rõ nó dễ bị tổn thương khi kinh tế thế giới “hắt hơi sổ mũi”. Cần phải quay về phát triển thị trường nội địa, bởi như GS.Krugman nói: “Có thể làm suy giảm suy thoái bằng cách duy trì nhu cầu nội địa”. Hoặc như TS.Lê Đăng Doanh cho rằng: “Đây là thời điểm phát huy nội lực”.

Về các giải pháp và gói kích thích kinh tế của Chính phủ, các ý kiến đều cho rằng đây là các giải pháp đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, những giải pháp đó cần được phân bổ hợp lý, “kích vào chỗ cần kích”. Nhìn một cách tích cực thì “Mọi cuộc khủng hoảng cũng thường tạo ra các cơ hội nhằm cải thiện nhanh hơn và vượt qua sức ỳ nội tại cản trở đổi mới. Việt Nam cần biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội giải quyết các điểm yếu trong cạnh tranh của mình”, như lời GS.Porter nhắn nhủ.

Ngoài các bài viết, cuốn sách còn có hai phụ lục Sự kiện biên niên ghi lại diễn biến chính của cuộc khủng hoảng trên thế giới và ở Việt Nam nhằm giúp độc giả tiện theo dõi và tra cứu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới