Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhìn lại tình hình kinh tế 2023

Bùi Trinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 đô la Mỹ, tăng 160 đô la so với năm 2022. Với tình hình tăng trưởng GDP của Việt Nam sớm chậm lại như vậy sẽ rất khó đuổi kịp những nước phát triển trong khu vực và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Cảng Chân Mây ghi nhận tăng trưởng tốt trong tiếp nhận hàng hóa và khách tàu biển, góp phần giúp kinh tế Thừa Thiên Huế bớt ảm đạm hơn so với Đà Nẵng và Quảng Nam

Mới đây Tổng cục Thống kê báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quí 4-2023 và năm 2023. Theo đó, GDP quí 4-2023 tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2022 và GDP cả năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng GDP này không được như kỳ vọng nhưng cũng ở mức khá so với khu vực. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2010-2023 khoảng gần 6%, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2000-2009 khoảng 6,6% và tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1990-1999 khoảng 7,4%. Nếu chia giai đoạn 2010-2023 thành hai giai đoạn 2010-2016 và 2017-2023, có thể thấy nếu tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2010-2016 là 6,3%, thì đến giai đoạn 2017-2023 tăng trưởng GDP bình quân chỉ là 5,5%. Quan sát chuỗi số liệu về tăng trưởng GDP thấy rằng tăng trưởng GDP bắt đầu chậm lại từ năm 2000, sau 10 năm (1990-1999) tăng trưởng khá cao.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quí 4-2023 và năm 2023, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221.800 tỉ đồng, tương đương 430 tỉ đô la Mỹ; GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 đô la. Với tình hình tăng trưởng GDP của Việt Nam sớm chậm lại như vậy sẽ rất khó đuổi kịp những nước phát triển trong khu vực và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Tình hình kinh tế năm 2023 có lẽ điểm sáng duy nhất là lượng kiều hối tăng cao (gần 20 tỉ đô la), khiến thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) không giảm quá sâu so với GDP.

GDP theo phương pháp chi tiêu cuối cùng bao gồm tiêu dùng cuối cùng, tích lũy gộp tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Quan sát GDP theo phương pháp chi tiêu cuối cùng cho thấy, trong năm 2023 tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52%; tích lũy gộp tài sản tăng 4,09% so với năm 2022. Cả tiêu dùng cuối cùng và tích lũy gộp tài sản đều tăng thấp hơn mức tăng GDP (5,05%).

Như vậy, tăng trưởng GDP ở mức 5,05% là nhờ chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Mặc dù xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh giảm 4,33%, nhưng do nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh giảm sâu hơn khá nhiều nên chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ không những không âm mà còn dương. Nếu năm 2022 chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh âm khoảng 48.000 tỉ đồng thì năm 2023 dương sau nhiều năm âm, đặc biệt năm 2016 chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh âm 176.500 tỉ đồng, năm 2017 chênh lệch này lên đến xấp xỉ 239.000 tỉ đồng, năm 2021 chênh lệch này là 180.500 tỉ đồng (biểu đồ).

Tình hình này phải chăng không chỉ do nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh giảm sâu hơn xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh mà còn do sự thay đổi giá (theo chiều hướng tăng lên) của xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt giá xuất khẩu dịch vụ tăng nhanh hơn giá nhập khẩu dịch vụ khá nhiều. Tình hình này có vẻ mang tính nhất thời, về lâu dài không hẳn đã tốt.

Trong tổng số vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước chiếm 18%, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước (dân cư và doanh nghiệp tư nhân) chiếm 56%, đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 16%, còn lại là nguồn khác. Đầu tư thuộc ngân sách nhà nước quí 4-2023 theo giá hiện hành đạt 211.700 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu nguồn vốn này chủ yếu đi vào đào đường, lấp đường hay vỉa hè dịp cuối năm khi chúng vẫn còn tốt như thường thấy từ hàng chục năm nay và những công trình công cộng vô thưởng vô phạt kiểu như vậy, thì cũng làm tăng GDP nhưng về bản chất không có ý nghĩa gì, thậm chí còn gây khó khăn cho việc làm ăn của người dân. Lưu ý rằng giá trị tăng thêm của các hộ sản xuất kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP (30%) so với các thành phần kinh tế khác.

Cả tiêu dùng cuối cùng và tích lũy gộp tài sản đều tăng thấp hơn mức tăng của GDP. Như vậy, tăng trưởng GDP là nhờ chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước năm 2023 chỉ đạt 40.600 tỉ đồng, tăng 4,8% theo giá hiện hành, chiếm 1% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong năm năm qua. Tuy nhiên, theo ước tính, luồng tiền của khu vực này chuyển về nước thông qua chi trả sở hữu khoảng 22 tỉ đô la.

Tính chung trong năm 2023, cả nước có 217.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,5% so với năm 2022; bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 172.600 doanh nghiệp, tăng 20,5%; bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, những con số này dường như không có nhiều ý nghĩa lắm khi mà sau gần hai chục năm tỷ trọng giá trị tăng thêm của khối doanh nghiệp tư nhân trong GDP vẫn không vượt quá 10%.

Tình hình kinh tế năm 2023 có lẽ điểm sáng duy nhất là lượng kiều hối tăng cao (gần 20 tỉ đô la), khiến thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) không giảm quá sâu so với GDP.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới