(KTSG) - Giới quan sát cho rằng thị trường năm 2024 vẫn khó, buộc các doanh nghiệp phải xoay chuyển đáp ứng những thay đổi.
- Thị trường máy tính cá nhân toàn cầu chưa phục hồi cho đến năm 2024
- Châu Á dẫn dầu thế giới về tốc độ tăng lương trong năm tới
Không nhiều điểm lạc quan cho doanh nghiệp
Diễn ra ở thời điểm giữa tháng 11, hội thảo “Nhận diện những xu hướng và tác lực định hình thị trường năm 2024” do Group Quản lý doanh nghiệp tổ chức, là một trong những sự kiện sớm dự báo về tình hình kinh tế, thị trường năm 2024. Hội thảo quy tụ các diễn giả ở nhiều lĩnh vực như chuyên gia kinh tế tài chính, đơn vị tư vấn cho doanh nghiệp về quản trị, đơn vị xúc tiến thương mại, đơn vị nghiên cứu thị trường, hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp thương mại điện tử... Phân tích các số liệu kinh tế và thông tin khi làm việc với các doanh nghiệp đang hoạt động, hầu hết các diễn giả đều chung nhận định không quá lạc quan vào tình hình kinh tế trong năm tới.
Chia sẻ quan điểm của ngân hàng HSBC, ông Bùi Duy Khánh, Giám đốc Kinh doanh ngoại hối, Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết bộ phân nghiên cứu của ngân hàng kỳ vọng nhưng không quá lạc quan. HSBC cho rằng tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức khoảng 5%. Nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng trước áp lực lạm phát. Dù gần đây lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, tuy nhiên áp lực bắt đầu nhích tăng khi chi phí đầu vào tăng, các yếu tố tạo ra sự bất ổn trong giá lương thực và giá dầu vẫn tiềm ẩn trong tương lai gần. Dù có những điểm sáng về tiêu dùng trong nước, thu hút vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất nhưng theo ông Khánh nhìn chung bức tranh vĩ mô của Việt Nam vẫn có những áp lực tỷ giá, lạm phát và các yếu tố dài hạn hỗ trợ cho xuất nhập khẩu... Đây là những yếu tố tạo áp lực lên hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở góc độ chi phí.
Ông Đỗ Hòa, CEO Công ty Tinh hoa quản trị, cho rằng với đất nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, các yếu tố bất ổn địa chính trị, đứt gẫy chuỗi cung ứng ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Khủng hoảng kinh tế khiến một số quốc gia siết chặt hàng rào kiểm soát nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước có thể sản xuất, thay thế được. Thế giới phân cực hơn, các quốc gia liên kết thành từng khối để bảo vệ lợi ích kinh tế, an ninh. Cùng với một số biện pháp khác, điều này khiến thương mại thế giới trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Theo bà Hạnh, sự phục hồi ở một số ngành hàng, doanh nghiệp hiện nay chỉ mới là “đốm sáng” trong bức tranh chung. “Chúng ta phải xoay sở rất nhiều trong năm 2024”, bà Hạnh nói.
Những vấn đề của kinh tế vĩ mô đã phản ánh vào đời sống kinh doanh. Nhiều năm làm việc với các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ thông tin về những “nỗi khổ” của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp may lớn tại TPHCM chỉ còn giữ được 1% trong số 4.000 lao động. Theo các doanh nghiệp mà bà Hạnh tiếp xúc, tình hình chung vẫn rất khó. Nhiều doanh nghiệp phải bán một phần nhà xưởng để chi trả các chi phí.
Khó khăn cũng đã phản ánh cả vào lĩnh vực bán lẻ, dù đây là lĩnh vực được nhiều chuyên gia kỳ vọng mang lại sức bật cho nền kinh tế. Là một người được sinh ra và lớn lên tại TPHCM, bà Hạnh quan sát thấy “chưa bao giờ chợ của thành phố tiêu điều như hiện nay”. Tự trấn an rằng xu hướng mua bán đã chuyển dịch, người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trên mạng nhiều hơn khiến chợ truyền thống mất dần vị thế, tuy nhiên, bà đã phải thất vọng khi biết chính các hệ thống siêu thị lớn - nơi có đầy đủ cách thức tiếp cận người tiêu dùng hơn cũng ế ẩm. Theo bà Hạnh, sự phục hồi ở một số ngành hàng, doanh nghiệp hiện nay chỉ mới là “đốm sáng” trong bức tranh chung. “Chúng ta phải xoay xở rất nhiều trong năm 2024”, bà Hạnh nói.
Cần sự nhạy bén xoay chuyển
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa sẽ không có cơ hội nào cho doanh nghiệp. Ngay trong giai đoạn khó khăn vừa qua, bà Hạnh chia sẻ, nhiều bạn trẻ có kiến thức và sự nhạy bén đã khởi nghiệp thành công bằng cách khai thác các tài nguyên bản địa để tạo ra những sản phẩm có giá trị và dấu ấn riêng. Trong khi các doanh nghiệp may mặc truyền thống lao đao, các dự án khởi nghiệp ngành hàng này từ các nguyên liệu xanh như bã cà phê, sợi tre... lại tìm được chỗ đứng riêng trên thị trường.
Đây cũng là lúc doanh nghiệp phải tận dụng mọi cơ hội để giải phóng đầu ra. Khác với giai đoạn trước, ở thời điểm khó khăn, hầu hết các chủ doanh nghiệp mà bà Hạnh gặp gỡ đều đã đích thân tham gia bán hàng. Nhiều người thậm chí tận dụng mọi nguồn lực từ mọi nhân viên để nâng cao năng suất cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Duy Khánh lưu ý, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, việc phòng ngừa rủi ro cũng rất quan trọng, giúp doanh nghiệp vững vàng hơn trước những biến động. Dự báo tương lai không phải lời tiên tri giúp doanh nghiệp hành động. Dù vậy, việc này sẽ giúp nhà lãnh đạo nắm rõ cách thức nền kinh tế vận hành để đưa ra các kịch bản tác động đến mô hình kinh doanh, khả năng tài chính và khả năng quản trị của doanh nghiệp.
Dưới góc độ nhà tư vấn về quản trị, ông Đỗ Hòa nhìn nhận đây là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi và chuyển mình. Thời điểm hiện tại, thị trường đã có những biến chuyển, những doanh nghiệp gặp khó chính bởi năng lực cũ không theo kịp sự thay đổi của thị trường. “Doanh nghiệp phải hình dung về tương lai của chính mình trong năm năm nữa. Từ đó, doanh nghiệp cần định vị lại mình và trả lời câu hỏi mình có năng lực gì để đạt được vị trí đó trong tương lai”, ông Hòa nêu. Như vậy, doanh nghiệp cần nâng cấp để có năng lực mới thay thế cho những năng lực cũ đang lạc hậu ở một thị trường đã khác. Đây sẽ là thách thức với các doanh nghiệp, nhất là danh nghiệp lớn với thói quen đã in sâu trong văn hóa.