Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhịp sống Quảng Châu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhịp sống Quảng Châu

Bài và ảnh: Nguyễn Kim Oanh

Nhịp sống Quảng Châu
Du thuyền ngoạn cảnh Châu Giang ban đêm.

(TBKTSG Online) - Châu giang về đêm rất đẹp, dọc theo bờ sông là các tòa nhà cao tầng sáng đèn kéo dài mút mắt, các nhà hàng hướng ra bờ sông sáng rực đèn hoa, cả những hàng cây trên ven sông cũng được trang trí bằng những dây đèn nhiều màu sáng lung linh. Buổi tối gió thổi mát lồng lộng, bờ sông bên phía trung tâm thành phố, người đi bộ dạo phố ngắm cảnh rất nhiều; từng nhóm thanh niên tụ tập lại chơi patin đường phố. Khu vực này chỉ dành cho khách đi dạo nên có quy định cấm bán hàng rong.

Kỳ 1: >>> Qua Quảng Đông du lịch và mua hàng.

Kỳ 2: >>> Ngày đầu tiên ở Quảng Châu.

Kỳ 3: >>> Dạo "chợ" Quảng Châu.

Hôm ấy, tình cờ tôi chứng kiến một nhóm cán bộ đi tuần ra tay tóm hết hàng của một người bán rong thẳng tay quăng lên xe. Nhìn thật đau lòng! Người bán hàng van xin, khóc lóc vô vọng. Cũng may cho tôi, là trước đó đã ghé vào hàng thịt dê nướng xiên ăn một chút; lát sau quay lại mua thêm mấy xiên nữa ăn tiếp thì thấy cảnh tượng đau lòng đó, lúc này thì thịt dê ngon mấy cũng nuốt không trôi nữa!

Xe bán thịt dê nướng bên lề đường.

Món thịt dê nướng bán ngoài lề đường ăn khá ngon miệng, giá cũng bình dân. Người đàn ông Hồi giáo (nhìn chiếc mũ vải anh ta đội mà tôi đoán thế!) đứng bán thịt dê nướng hỏi tôi là người nước nào đến đây. Thật ngạc nhiên và cũng hơi bực mình vì tôi nói mãi, anh ta vẫn không biết Việt Nam ở đâu, anh ta chỉ biết Thái Lan thôi. Khách ghé ăn thịt dê, đa phần cũng giống như anh ta và hình như cũng là người Hồi giáo; tôi đoán chắc họ từ vùng Tân Cương xuống đây sinh sống. Anh ta nói nơi này cấm bán hàng rong nên vừa bán, phải vừa canh công an để... chạy.

Trên lối đi dạo, chúng tôi còn gặp những người hát rong trông rất lịch sự, kiểu như bên châu Âu vậy. Người qua lại dừng chân nghe một lúc rồi bỏ tiền vào cái bao đàn để dưới đất. Trước đây, tôi cảnh này tôi thường thấy trên TV, bây giờ mới lần đầu nhìn thấy thực tế. Trên khúc sông này có hai cây cầu bắc qua, cũng được chiếu sáng rất nghệ thuật. Có du thuyền đưa du khách ngoạn cảnh dọc trên sông.

Phía bờ bên kia, đường phố vắng vẻ hơn, người dạo bộ không nhiều, chỉ lác đác vài cặp tình nhân nắm tay nhau dạo phố. Dọc con đường bờ sông cũng nhiều nhà cao tầng, xen giữa các cao ốc là mấy tiệm tạp hóa nhỏ. Ở đây, kiếm mỏi con mắt cũng chả thấy quán cafe nào. Tôi nhớ, hồi còn làm việc cho một công ty ở Việt Nam, mấy người Trung Quốc sang làm việc, mỗi khi về nước họ thường hay mua café về làm quà, chắc do café Việt Nam rất được họ ưa thích.

Một người hát rong bên lề đường ở Quảng Châu.

Ngày thứ ba ở đây, chúng tôi đến trung tâm thương mại Yi Ma trong vai người đi buôn. Vậy cũng hay, vừa có thể xem hàng thoải mái, không sợ bị đuổi khéo khi mình lân la trả giá; nếu chưa thích mua, cứ việc hỏi xin danh thiếp và hẹn lần sau sẽ trở lại đặt hàng. Nhưng trong một buổi sáng, chúng tôi cũng ‘gom’ được một bao to. Qua đây mua hàng, nếu thấy hàng nào vừa ý, giá cả phù hợp thì mua ngay, đừng nghĩ đến việc sẽ quay lại mua sau vì chỉ dạo xem hàng một hồi đến khi bạn muốn mua thì đã mỏi nhừ đôi chân và cũng không nhớ đường mà quay lại chỗ trước đó đâu.

Buổi chiều, chúng tôi đi ‘dọ giá’ mắt kính, tranh 3D và mua các thứ cần thiết về làm quà. Đến tối lại đi bộ ra chợ đêm Thập Tam Hàng. Chợ đêm này cũng nhộn nhịp, mẫu mã và chất lượng hàng không bằng ở các trung tâm thương mại, nhưng được cái giá rẻ hơn nên người mua bán cũng tấp nập. Chợ Thập Tam Hàng rất rộng và dày đặc gian hàng, nhắm không đủ sức lòng vòng xem hàng khắp chợ được, chúng tôi quay lại tìm lối ra cổng. Gặp mấy hàng giày đang bán giảm giá, chúng tôi ghé vào xem. Dân buôn bên ta toàn qua đây lấy hàng về bán, mua càng nhiều giá càng thấp, đem về Việt Nam, có bán rẻ vẫn lời to.

Tối hôm ấy tôi mới biết một kiểu bán hàng ‘chạy’ khá độc đáo. Do cảnh sát hay tuần tra không cho bán dạo lề đường nên người buôn mới nghĩ ra cách bày hàng trên đầu xe, mui xe du lịch, chẳng cần thuê mặt bằng; khi có công an thì họ gom lẹ hàng vào xe rồi... chạy.

Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại chợ Thập Tam Hàng, người mua kẻ bán tấp nập, náo nhiệt; người thì gom hàng, đóng gói vận chuyển, người thì lo lựa hàng trả giá... Đã lâu lắm tôi mới thấy lại cái cảnh này; không đâu vui bằng chợ, nhìn vào chợ thì người ta sẽ biết được văn hóa sinh hoạt và mức sống của người dân địa phương đó. Tôi hòa vào dòng người nơi đây, lưng đeo ba lô, tay cầm cái bánh bao, ly sữa đậu nành, vừa ăn vừa tiến vào chợ. Bỗng dưng tôi chợt có cảm giác rất khoan khoái nhờ thoát khỏi những ngày ngột ngạt nơi văn phòng, lại trải qua cảm giác đi buôn hàng như thế nào. Mấy ngày hòa mình vào cuộc sống ‘đi bụi’ ở Quảng Châu đã làm con mắt tôi mở rộng ra về nghĩa đen cả nghĩa bóng.

Một nhà ga tàu điện ngầm ở phía bắc Quảng Đông.

Hôm sau, chúng tôi dậy sớm để đi Thâm Quyến. Lúc này tiền bạc còn rủng rỉnh nên kêu taxi ra ga Quảng Đông Bắc, bao gồm bến xe khách, tàu lửa, tàu cao tốc. Từ đây, hành khách có thể mua vé đi khắp Trung Quốc. Cơ ngơi nhà ga này rộng lớn quá, ban đầu chúng tôi hơi ngơ ngác một chút nhưng nhân viên nhà ga rất tốt, họ chỉ dẫn tận tình nên mọi chuyện suôn sẻ.

Có vé rồi chúng tôi vào ngồi ở nhà chờ tàu, sẵn còn hơn nửa ký măng cụt mua hôm qua, tôi lấy ra ăn hết luôn, thay cho bữa ăn sáng. Măng cụt ở Quảng Châu cũng bằng giá với Việt Nam, họ bán chục chứ không bán ký lô như bên mình, một chục có thể là 12 hay 14 trái tùy chỗ bán.

Những người bán trái cây lề đường mà tôi đã gặp và mua hàng có lẽ cũng có hoàn cảnh khó khăn, đa số từ quê lên thành phố mưu sinh, mua gánh bán bưng kiếm sống qua ngày. Nhìn khuôn mặt khắc khổ của họ, bỗng nhiên tôi lại nhớ đến những người phụ nữ ở quê mình cũng vậy, cũng bỏ quê lên thành phố hàng ngày sớm hôm tảo tần mua gánh bán bưng, tích cóp từng đồng bạc để gửi về quê cho con ăn học.

Tàu cao tốc chạy tuyến Quảng Châu - Thâm Quyến.
Bên trong toa tàu cao tốc Quảng Châu - Thâm Quyến.

Tàu sắp đến giờ lăn bánh, mọi người ở nhà chờ di chuyển ra ga. Lượng khách đi chuyến này rất đông, hầu hết chỉ xách có chiếc cặp hay túi xách đeo vai, có dáng vẻ dân làm việc văn phòng sống ở Quang Châu đến sở làm ở Thâm Quyến. Khoảng cách giữa hai thành phố cũng khá xa nhưng nhờ có hệ thống giao thông hiện đại nên việc đi lại không còn là vấn đề nữa.

Kỳ cuối: Một ngày ở Thâm Quyến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới