Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

NHNN duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14% dù chịu áp lực từ lạm phát gia tăng, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Thông điệp này được lãnh đạo NHNN nêu tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản chiều 14-7. Trước đó, đại diện Vietcombank, BIDV, VietinBank và MB đã bày tỏ lo ngại cạn “room” tín dụng và mong muốn cơ quan quản lý nới “room” để có dư địa triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất một cách hiệu quả trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp rất lớn khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Theo bà Hồng, NHNN với vai trò là ngân hàng Trung ương điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng sẽ điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng hàng năm để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Quốc hội.

NHNN sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022. Ảnh minh hoạ: Đ.K.

Với năm 2022, bà cho biết NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% năm 2021 và 12,17% năm 2020. Luỹ kế từ đầu năm 2022 tới 30-6-2022, tín dụng đã tăng trưởng 9,3%, cao hơn so với mức tăng trưởng cùng giai đoạn của những năm trước dịch Covid-19.

“Tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%”, bà Hồng nói và NHNN tiếp tục điều hành theo định hướng đã đề ra từ đầu năm.

Ngoài ra, cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt là diễn biến lạm phát, tiến độ giải ngân đầu tư công, giải ngân theo chương trình phục hồi để có giải pháp điều hành phù hợp.

Bên cạnh đó, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.

Về tín dụng bất động sản, bà Hồng cho biết dư nợ tín dụng với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỉ đồng tính tới 31-5-2022, chiếm tỉ trọng 20,66% trên tổng dư nợ tín dụng chung với nền kinh tế và tăng 12,31% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung.

Trong 2,33 triệu tỉ đồng dư nợ, có 1,55 triệu tỉ đồng được vay với mục đích tự sử dụng – chiếm tỉ trọng 66,3%, 786.000 tỉ đồng được vay với mục đích kinh doanh bất động sản – chiếm tỉ trọng 337% và tăng 8,4% so với cuối năm 2021.

Về thời hạn cho vay, nhu cầu tín dụng bất động sản thường có thời hạn trung và dài hạn với 94% dư nợ có thời hạn vay 10-25 năm. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn, có lãi suất thay đổi theo thị trường.

Những yếu tố này khiến Thống đốc NHNN lo ngại các tổ chức tín dụng có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân nếu không cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp.

Để kiểm soát rủi ro với tín dụng bất động sản, bà Hồng cho biết NHNN đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để tổ chức tín dụng thực hiện vai trò cho vay, mua trái phiếu, bảo lãnh, trong đó cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, quy định về hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Trước đó, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN, nhiều lần khẳng định với báo chí về việc cơ quan này sẽ kiểm soát rủi ro đối với các tổ chức tín dụng cho vay bất động sản có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn giá. Với các dự án hiệu quả, khả thi, chứng minh được phương án thực hiện, doanh nghiệp không bị giới hạn cho vay.

Lý giải điều này, ông cho biết Việt Nam trong giai đoạn 2009 - 2012 đã có bài học từ bong bóng bất động sản. Cụ thể, khi thị trường địa ốc khủng hoảng, 10 năm sau xử lý nợ xấu bất động sản chưa xong. Điều này ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia và quá trình phát triển của cả nền kinh tế.

“Khi bong bóng bất động sản xẹp xuống, chỉ còn lại nợ xấu là bất động sản, vì vậy kiểm soát rủi ro là cần thiết”, ông Tú cho biết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới