(KTSG Online) - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản về vấn đề quản trị, điều hành của Eximbank.
“Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị Eximbank nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định của Luật Các tổ chức tín dụng, pháp luật có liên quan và Điều lệ Eximbank một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích cao nhất của ngân hàng và cổ đông” - đây là điểm nhấn trong văn bản số 2666 ngày 22-6-2023 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trực thuộc NHNN về quản trị, điều hành của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank).
Sở dĩ Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng yêu cầu như trên, là do ngay trước đó, ngày 21-6-2023, hội đồng quản trị (HĐQT) của Eximbank đã triệu tập cuộc họp bất thường của HĐQT nhằm bãi miễn Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc hiện hành của Eximbank, bầu chủ tịch mới, bổ nhiệm quyền tổng giám đốc mới. Cuộc họp bất thường đã không thể tiến hành do vắng mặt 2 trong số 5 thành viên HĐQT, trong khi theo luật định, cuộc họp chỉ diễn ra khi có ít nhất 65% số thành viên tham dự.
Luật cho phép cuộc họp bất thường lần hai của HĐQT một tổ chức tín dụng có thể tiến hành một tuần sau lần đầu với số thành viên tham dự tối thiểu 51%. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, cuộc họp bất thường HĐQT của Eximbank lần hai sẽ diễn ra ngày 28-6-2023.
Một quan chức NHNN cho biết hiện Cơ quan Thanh tra giám sát đang theo dõi sát sao vụ việc ở Eximbank. Chức danh chủ tịch, các thành viên HĐQT và tổng giám đốc ngân hàng bắt buộc phải được NHNN phê duyệt, chuẩn y. Thông thường các ngân hàng trước khi bầu hoặc thay đổi các chức danh trên đều có văn bản gửi trước cho NHNN để “thăm dò” ý kiến của cơ quan quản lý. NHNN căn cứ theo tiêu chuẩn, trình độ học vấn, kinh nghiệm của chủ tịch, các thành viên HĐQT, tổng giám đốc đã được nêu rõ trong Luật Các tổ chức tín dụng để xem xét.
Từ tháng 10-2022 đến nay, cơ cấu cổ đông lớn của Eximbank liên tục thay đổi. Trong văn bản 2666, Phó Chánh thanh tra giám sát ngân hàng, ông Lê Quang Huy yêu cầu Ban Kiểm soát Eximbank giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các qui định pháp luật của ngân hàng. Ông Huy nêu rõ: “Chủ tịch, thành viên HĐQT Eximbank, tổng giám đốc chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước Thống đốc NHNN về quản trị, điều hành, an toàn hoạt động của Eximbank, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm”.
Trong bối cảnh NHNN vừa trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo sửa đổi một số điểm của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó có chỉnh sửa theo hướng kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng, việc thanh kiểm tra dòng tiền đầu tư cổ phiếu Eximbank của các nhóm cổ đông lớn là cần thiết. Cổ phiếu Eximbank, theo giới quan sát, đang được thế chấp gần như toàn bộ để đảm bảo cho các khoản vay ở nhiều các ngân hàng và công ty chứng khoán, trừ số cổ phần Eximbank do ngân hàng Vietcombank sở hữu (dưới 5%).
Eximbank là một ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM (HOSE). Bất cứ một sự kiện nào liên quan đến việc thay đổi Chủ tịch, thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc đều phải được công bố thông tin trong vòng 24 giờ theo luật định để các nhà đầu tư và cổ đông được biết. Bộ phận thanh tra, giám sát của HOSE không thể bỏ qua trượng hợp này.
Gần một thập kỷ qua Eximbank luôn trong tình trạng biến động nhân sự cấp cao. Eximbank cũng là ngân hàng cổ phần duy nhất cho đến nay có thời điểm 2-3 năm liền không thể đại hội cổ đông thường niên, nhưng vẫn không bị chế tài theo qui chế doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang rất cần được củng cố sau sự cố SCB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn). Việc NHNN đang theo sát diễn tiến ở Eximbank cho thấy tầm quan trọng của việc đề phòng và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh ở một ngân hàng mắt xích nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống cũng như thị trường tài chính - tiền tệ.
Cái ngân hàng gì toàn thị phi không ta?