Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhờ đâu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khối nội ‘vượt mặt’ khối ngoại?

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Xuất khẩu khối doanh nghiệp FDI vẫn áp đảo về kim ngạch, nhưng hoạt động này của khối doanh nghiệp nội đang cho thấy có mức tăng trưởng cao hơn. Dẫu vậy, sự tăng trưởng này vẫn chưa bền vững và doanh nghiệp nội cần cải thiện, nỗ lực thêm nữa để duy trì mức tăng trưởng khả quan này.

Sản xuất của một doanh nghiệp thực phẩm Việt. Ảnh: H.Q

Doanh nghiệp nội xuất khẩu tăng cao

Theo lãnh đạo Công ty May Sai Gòn 3, các thị trường xuất khẩu lớn dần phục hồi nên đơn hàng sản xuất từ khách hàng ở Mỹ, Nhật Bản và EU hiện đã kín đến hết năm 2024. Công ty đang đón đơn hàng cho năm tới.

Không riêng May Sài Gòn 3, theo các doanh nghiệp dêt may, thị trường xuất khẩu dệt may đã có những chuyến biến tích cực và bắt đầu tăng trưởng, nhu cầu và giá bán của ngành được cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ vậy, trong quí 2 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG mang về gần 2.174 tỉ đồng, mức doanh thu tính theo quí cao nhất từ trước đến nay của TNG. Nhờ khai thác các dòng hàng khó và xuất khẩu sang các thị trường mới, nửa đầu năm, TNG đạt doanh thu gần 3.527 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 129 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.

Tình hình trên cũng đang diễn ra với các doanh nghiệp da giày. Bên cạnh các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên, các doanh nghiệp cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng...

Đơn cử tại Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định, xuất khẩu tăng hơn 20% dù ngành da giày 7 tháng qua tăng chưa đến 7%. Ngoài củng cố đơn hàng ở các thị trường truyền thống như Mỹ và EU, theo Chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Chí Trung, doanh nghiệp đã tìm thị trường mới như Nam Mỹ, Nam Phi, Nhật Bản… Nhờ đó đơn hàng nhận sản xuất hiện hết tháng 10.

Tương tự, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), hoạt động xuất khẩu tăng mạnh khi hầu hết các doanh nghiệp hội viên có đơn hàng đến cuối năm, cá biệt một số đơn vị nhận đến hết quí 1-2025. Xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm đến hơn 180 thị trường, kim ngạch nửa đầu năm đạt 2,8 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng loạt doanh nghiệp nội địa thuộc nhiều ngành nghề khác cũng cho biết đơn hàng đang có chiều hướng tăng cao, thậm chí có những doanh nghiệp lớn còn thuê lại các doanh nghiệp nhỏ gia công để kịp đơn hàng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực FDI chỉ tăng 13,8% (đạt 163,9 tỉ đô) thì khu vực kinh tế trong nước tăng đến 21,1% (đạt 63,08 tỉ đô). Điều này là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước, nhưng ngược lại cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp ngoại vốn được xem là khu vực có thị trường và chuỗi cung ứng ổn định hơn.

Tăng nhanh nhưng chưa bền vững

Có được kết quả trên, ngoài các thị trường lớn dần phục hồi, các doanh nghiệp đã nỗ lực, tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập. Theo đó, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới.

Đơn cử như Ấn Độ, thị trường còn mới của doanh nghiệp ngành gỗ, xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài thị trường tỉ dân này, hàng loạt thị trường khác như Trung Đông, Nam Mỹ, Úc, Canada... cũng được doanh nghiệp các ngành hàng tìm đến khi gặp khó khăn đơn hàng.

Nhờ giữ lao động lúc khó khăn mà các doanh nghiệp Việt tăng tốc khi đơn hàng trở lại. Ảnh: TL

Cũng đồng ý sự đóng góp những thị trường mới trong nỗ lực mở rộng khách hàng của doanh nghiệp, nhưng theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, việc tăng trưởng của doanh nghiệp Việt vẫn phụ thuộc nhiều vào các thị trường truyền thống.

"Khi các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... dần phục hồi, các doanh nghiệp nội địa nhanh chóng đáp ứng được đơn hàng tăng cao nhờ có sẵn lượng lao động mà họ gồng mình giữ những lúc khó khăn", ông Hồng nói. Trong khi hơn 2 năm qua, lao động phổ thông đã chứng kiến bị sa thải hàng loạt bởi doanh nghiệp FDI thiếu đơn hàng.

"Việc tuyển dụng lao động phổ thông hiện nay không hề dễ dàng, nhất là ở TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm", ông Hồng nói thêm.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội nhựa cao su TPHCM, cũng cho rằng nhờ giữ lực lượng lao động lúc khó khăn mà khi thị trường ngành hàng này tăng trở lại như năm 2022, việc sản xuất của doanh nghiệp hội viên không bị thiếu lao động.

Một điểm nữa, theo ông Quốc Anh là giá cả sản phẩm và nguyên liệu tăng trở lại cũng giúp khu vực nội địa xuất tăng. Đơn cử như cao su có gia tăng khá cao nhưng mặt hàng này chỉ có doanh nghiệp nội xuất.

Tương tự, hàng loạt mặt hàng nông sản khác như cà phê, tiêu, gạo, sầu riêng... có giá tăng đột biến nhưng chủ yếu do doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, đẩy tăng trưởng lên cao. Tổng kim ngạch nông, lâm, thủy sản 7 tháng đạt 34,27 tỉ đô la, tăng 18,8% và do doanh nghiệp trong nước xuất khẩu chính.

Dù vậy, tỉ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội hiện chiếm chưa đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây cũng là vấn đề mà Đại biểu Quốc hội chất vấn với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhằm có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháng 6 vừa qua.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương cũng đồng tình rằng các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng xuất khẩu trên 70% do có lợi thế về vốn, công nghệ... Doanh nghiệp FDI sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ cao nên giá trị vượt trội hơn so với các mặt hàng nông sản của doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng đã vươn lên nhờ sự tiếp cận và liên kết các doanh nghiệp này mà kết quả xuất khẩu có mức tăng cao hơn mức tăng doanh nghiệp ngoại.

Theo Bộ trưởng, điều này chứng tỏ doanh nghiệp nội địa cũng đang từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường, khai thác lợi thế Việt Nam đang có, là thành viên của các hiệp định thương mại tự do (FTA), hưởng cơ chế ưu đãi của các FTA mang lại.

Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia những tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp trong nước thời gian qua vẫn chưa bền vững. Các doanh nghiệp có cải thiện về xuất khẩu nhưng quá chậm, chưa ổn định. Điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp nội vẫn là nhập siêu từ đó cho thấy xu thế cải thiện của doanh nghiệp nội trong cơ cấu xuất khẩu chưa đủ để đánh giá bền vững nên còn phải nỗ lực nhiều. Theo thống kê, 7 tháng 2024, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỉ đô la; khu vực FDI xuất siêu 29 tỉ đô la.

Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, chính sách phải phù hợp trong khuôn khổ các cam kết quốc tế. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để cải thiện vị thế trong xuất khẩu.

Một số chuyên gia bày tỏ quan điểm, thời gian tới phải khuyến khích các doanh nghiệp nội mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao nhằm củng cố nền tảng công nghiệp trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Việc thu hút vốn FDI cần áp dụng theo phương pháp "may đo" phù hợp, nghĩa là đưa ra những ưu đãi, đổi lại yêu cầu rõ ràng phải có tác động, lan toả đến doanh nghiệp trong nước về tham gia vào chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ... Được vậy, giá trị và tỷ trong kim ngạch xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam nâng cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới