Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhọc nhằn nghề “caddie”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhọc nhằn nghề “caddie”

Để tránh cái nắng, các caddie thường bịt kín từ đầu đến chân với nhiều lớp áo, quần, khăn quấn, chỉ chừa đôi mắt. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Golf là môn thể thao đang phát triển khá mạnh ở Việt Nam, thu hút nhiều đối tượng tham gia tập luyện. Trong môn thể thao này, người chơi cần có một người đi theo để mang vác dụng cụ, người này được gọi là caddie.

Vất vả, gian khổ…

Thu Hà, 19 tuổi, làm caddie tại sân golf Thủ Đức, quận 9, TPHCM, được hơn một năm sau khi cô thi rớt đại học. Công việc hàng ngày của cô là lau chùi dụng cụ đánh golf, cung cấp banh và trông coi gậy cho người chơi. Tuy nhiên, cô gái sống trong một gia đình lao động tại quận Thủ Đức này cho biết phải làm bở hơi tai mỗi khi có người đến luyện tập hoặc tổ chức giải đấu.

Mỗi lần như vậy, nhiệm vụ của Hà và các caddie khác là mang gậy đi theo các tay golf lần lượt từ lỗ số 1 đến lỗ số 18 của sân golf. Theo Hà, đây cũng chính là những thách thức đối với một caddie như cô vì phải đẩy túi gậy nặng khoảng 30 ki lô gam trên đoạn đường gần 7 ki lô mét trong suốt 5-6 tiếng đồng hồ.

“Khó nhất là phải chú ý tới đường bay của trái bóng để có thể nhanh chóng tìm ra cách cho những lần đánh tiếp theo của người chơi”, Hà nói. “Nếu may mắn hôm nào trời mát nhẹ thì còn đỡ, bằng không thì sau khi hoàn thành một vòng golf, áo quần ướt đẫm mồ hôi, đôi khi còn bị sốc nắng”.

Sau một vòng golf như thế, các caddie thường nhận được 50.000 đồng của sân golf và 100.000 – 150.000 đồng tiền boa của người chơi. Nếu tính cả tiền lương 2-2,5 triệu đồng/tháng, mỗi caddie có thu nhập trung bình 3 – 4 triệu đồng/tháng.

“Đôi lúc được boa đến 500.000 đồng, thường là vào những dịp diễn ra các giải đấu”, một nữ caddie đã nhiều năm trong nghề đứng bên cạnh Hà cho biết.

Cô cho rằng dù mức thu nhập này có khá hơn nhiều so với 4-5 năm trước, nhưng dường như vẫn chưa tương xứng với những gian khổ mà các caddie phải trải qua. Bên cạnh những vất vả kể trên, caddie đôi khi còn gặp những tai nạn bất ngờ từ những chướng ngại vật trên sân golf hoặc bị các gậy golf đánh trúng…

Caddie – họ là ai?

Vất vả là thế, tuy nhiên số lượng những người theo nghề này ngày càng tăng và vai trò của họ cũng ngày càng quan trọng hơn cùng với sự bùng nổ và phát triển sân golf trên cả nước.

Nếu 4-5 năm trước, số sân golf trên cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó nổi bật là sân golf Chí Linh và Đồng Mô ở phía Bắc, Thủ Đức và Long Thành ở phía Nam, thì hiện nay số lượng sân golf 18-36 lỗ vào khoảng 17, chưa kể hàng loạt sân tập golf cũng theo đó ra đời.

Mỗi sân golf hiện có khoảng 300 – 400 caddie làm việc toàn thời gian và bán thời gian, có những nơi số lượng lên đến 450-500 như sân golf Thủ Đức. Làm một phép tính đơn giản thì hiện cả nước có khoảng 5.000-6.000 caddie, chưa kể những người làm việc tại những sân tập. Số lượng này sẽ còn tăng nhiều trong 2-3 năm tới khi một số dự án sân golf tiếp tục đi vào hoạt động.

Theo một nhân viên quản lý tại sân golf Thủ Đức, do đặc thù sân golf cần diện tích lớn và sự yên tĩnh, thoáng đãng, nên hầu hết các dự án đều nằm ở vùng ven đô hoặc vùng nông thôn. “Đó là một trong những lý do tại sao hầu hết caddie tại các sân golf là nông dân và lao động chân tay tại địa phương”, anh cho biết. “Đặc biệt, khoảng 80% caddie là nữ”.

Điều này có thể được lý giải vì nghề caddie cần những người lao động có sức khỏe, chịu vất vả và làm những điều vặt vãnh nhất. Vì là công việc đòi hỏi sức bền cao nên độ tuổi của các caddie thường vào khoảng 18 – 30.

Một nhân viên quản lý sân golf Montgomerie Links tại Hội An, Quảng Nam, người đã nhiều năm làm việc tại các sân golf ở Việt Nam, cho biết phải mất từ 3-4 tháng để đào tạo caddie những kỹ năng cơ bản và nâng cao. Hiện nay, người chơi golf đòi hỏi chất lượng caddie ngày càng cao hơn. Do vậy, trong quá trình huấn luyện, các caddie không những được học lý thuyết về golf, gậy golf, bóng golf, sân golf mà còn được tham gia chơi golf. Bên cạnh đó, họ còn được huấn luyện phương pháp ước lượng khoảng cách từ bóng đến lỗ golf, làm thế nào xác định đường đi của bóng, tư vấn cho người chơi cách chọn gậy golf hợp lý trong những tình huống cụ thể. 

Ông Trần Đình Luật, một doanh nhân và cũng là người chơi golf lâu năm, cho rằng hiện vai trò của các caddie đã khác trước. Họ không chỉ là những người mang vác gậy mà còn là “cánh tay phải” của các tay golf trong khi thi đấu. “Họ có thể cho chúng tôi nhiều lời khuyên trong lúc đánh”, ông nói.

Nhiều người chơi thường chỉ chọn những caddie đã từng phục vụ họ vì những người này hiểu được người chơi muốn gì.

Cần một hiệp hội caddie?

Phượng, một caddie làm việc tại sân golf Thủ Đức được ba năm, cho biết đây chỉ là công việc tạm thời của cô. “Tôi làm việc để kiếm tiền học thêm. Sau đó, tôi sẽ tìm một công việc khác đỡ vất vả hơn”, cô caddie 21 tuổi này nói.

Thu Hà cũng cho biết làm nghề này vì cần tiền cho nhu cầu cuộc sống và sẽ đi học tiếp để kiếm nghề khác.

Một số caddie cho biết một trong những nguyên nhân khiến họ chỉ xem đây là một nghề tạm thời vì sợ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. “Thông qua báo chí, chúng tôi được biết để chăm sóc tốt sân golf cần một lượng chất hóa học nhất định để bảo vệ mặt cỏ khỏi côn trùng và nấm mốc. Lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe vì hàng ngày chúng tôi phải làm việc trên thảm cỏ này”, Hà nói.

Vấn đề này sẽ dẫn đến một mối quan ngại rằng đến một lúc nào đó nhiều người chơi golf sẽ mất đi “cánh tay phải”, trong khi đó các sân golf phải mất nhiều thời gian, tiền bạc cho việc huấn luyện nhân viên mới. Cũng có ý kiến nên thành lập hiệp hội caddie để hỗ trợ họ phát triển nghề nghiệp, bao gồm cả việc trở thành người chơi golf chuyên nghiệp.

Trước đây đã có trường hợp caddie trở thành những tay golf chuyên nghiệp. Đó là nhà vô địch tại giải golf vô địch quốc gia lần đầu tiên tổ chức năm 2004 – Nguyễn Văn Thông. Vị phó giám đốc điều hành sân golf Thủ Đức cho biết những ngày đi theo người chơi golf đã nuôi dưỡng mơ ước trở thành tay golf chuyên nghiệp của anh. Theo thông tin được biết thì hiện nay, nhiều vận động viên trong đội tuyển golf quốc gia cũng xuất thân từ chân caddie.

Nguyễn Văn Thông cũng như những người khác tin rằng nếu có một hiệp hội caddie thì có lẽ Phượng, Thu Hà hay những caddie khác sẽ nghĩ lại về quyết định tương lai nghề nghiệp của họ.

TRUNG CHÂU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới